“Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong mục tiêu về nước sạch

                                      Phụ nữ và trẻ em ở Băng-la-đét lấy nước sạch sinh hoạt.           

Nước sạch - quyền cơ bản của con người

Quyền tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh được thừa nhận là quyền con người cơ bản, bởi quyền này là cần thiết để có cuộc sống khỏe mạnh và thiết yếu duy trì nhân phẩm của tất cả mọi người. Quyền này được quy định trong Bình luận chung số 15 của Ủy ban quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như các công ước quốc tế về quyền con người như Công ước quyền trẻ em, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ… Hiện nay, lượng nước sử dụng đang tăng lên trên khắp thế giới với tỷ lệ tăng 1% mỗi năm kể từ những năm 1980, do nguyên nhân dân số tăng, phát triển kinh tế - xã hội và sự thay đổi thói quen tiêu dùng. Nhu cầu nước toàn cầu dự kiến sẽ tăng với tốc độ tương tự cho đến năm 2050, với lượng tăng 20 - 30% so với mức nước sử dụng hiện nay, chủ yếu do nhu cầu tăng ở các khu vực công nghiệp và sinh hoạt.

Trên 2 tỷ người sống ở các quốc gia đang đối mặt với căng thẳng cao độ về nước và khoảng 4 tỷ người (gần 2/3 dân số thế giới) đang chịu sự khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất 1 tháng/năm. Tình trạng khai thác nguồn nước thiếu bền vững cùng những tác nhân như ô nhiễm môi trường hay biến đổi khí hậu đang khiến nguồn tài nguyên nước bị thất thoát. Có một thực tế đáng lưu tâm là người giàu thường được hưởng dịch vụ ở mức độ cao với giá thấp, nhưng người nghèo lại phải trả chi phí cao hơn nhiều cho các dịch vụ tương tự, thậm chí chất lượng kém hơn. Ông Stefan Uhlenbrook, Điều phối viên Chương trình đánh giá nước thế giới của UNESCO chỉ ra rằng, những người sống ở khu ổ chuột phải trả them 20-30% vì việc không được tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh khiến họ phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là nội dung cốt lõi của mục tiêu của Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, với mục tiêu cho phép tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia được hưởng lợi từ phát triển kinh tế - xã hội và được hưởng thụ các quyền con người. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa “quyền về nước” và quyền con người về nước sạch và vệ sinh. Quyền về nước thường được quy định trong luật pháp quốc gia đối với  cá nhân hoặc tổ chức thông qua quyền tài sản hoặc đất đai, hoặc thông qua thỏa thuận giữa nhà nước và chủ sở hữu đất đai. Những quyền như vậy thường là tạm thời và có thể bị rút lại. Quyền con người được tiếp cận nước sạch và vệ sinh không phải là tạm thời cũng như không cần được sự chấp thuận của nhà nước và quyền này không thể bị tước bỏ.

Năm 2010, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết công nhận quyền sử dụng nước sạch, an toàn và vệ sinh là quyền của con người. Năm năm sau, LHQ thông qua Mục tiêu phát triển bền vững số 6 nhằm bảo đảm quản lý bền vững, tiếp cận với nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Tuy nhiên, theo các báo cáo của LHQ, dù đã có những tiến bộ đáng kể, thế giới sẽ không thể hoàn thành mục tiêu này vào năm 2030 với tốc độ hiện nay.

Hàng tỉ người đang thiếu nước sạch

Theo báo cáo năm 2017 của LHQ, khoảng 2,1 tỷ người, tương đương 30% dân số thế giới không được sử dụng nước uống an toàn và 4,5 tỷ người (trên 60% dân số) không có thiết bị vệ sinh đủ tiêu chuẩn. Thế giới vẫn đang bế tắc trong việc đạt được mục tiêu quan trọng này. Chúng ta không chỉ ở rất xa so với đích đến bền vững, các báo cáo cũng chỉ ra rằng có sự bất bình đẳng rất lớn trong vấn đề tiếp cận nguồn nước. Trên phạm vi toàn cầu, một nửa số người uống nước từ các nguồn không an toàn sống ở châu Phi.


                             Người dân Cộng hòa Mô-dăm-bích tụ tập để lấy nước.

Đặc biệt ở khu vực cận Sahara, chỉ có 24% dân số được sử dụng nước uống an toàn. Theo nhiều nghiên cứu, những trẻ em ở khu vực này phải di chuyển quãng đường nhiều ki-lô-mét để có thể tiếp cận nước sạch. Sự bất bình đẳng này còn tồn tại ngay trong từng quốc gia, đáng chú ý là giữa người giàu vào người nghèo. Ở khu vực thành thị, những người thu nhập thấp ở trong các phòng tạm bợ thường phải trả gấp 10 đến 20 lần so với những người giàu có để mua nước có chất lượng tương tự hoặc kém hơn.

Trong nhóm người chịu thiệt thòi hơn về tiếp cận nước, LHQ đặc biệt lưu ý đến những nhóm người “bị bỏ lại phía sau” như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người bản địa, thiểu số, người khuyết tật và nhiều nhóm khác. Đôi khi họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong khi cố gắng tiếp cận nguồn nước an toàn mà họ cần. Theo báo cáo, 70% các quốc gia đưa ra kế hoạch chi tiết để đưa chương trình về nước và vệ sinh đến với các cộng đồng thu nhập thấp. Tuy nhiên, ước tính chỉ 25% viện trợ của chương trình này được chi cho các hệ thống cơ bản cho những người cần, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Năm 2017, xung đột và bạo lực đã buộc 68,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Trong khi đó, trung bình hằng năm 25,3 triệu người buộc phải di cư vì thiên tai. Con số này gấp đôi so với đầu những năm 1970 và dự báo sẽ tăng thêm do biến đổi khí hậu. Đối với nhóm người này, tiếp cận nguồn nước sạch và khu vệ sinh bảo đảm cũng là thách thức lớn. Không có nước sạch và vệ sinh an toàn, những người “bị bỏ lại” này có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ, bao gồm điều kiện sống và sức khỏe kém, suy dinh dưỡng, thiếu cơ hội học tập và việc làm. Đây là cái hố chôn chân trong đói nghèo và bệnh tật, là rào cản ngăn thế giới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bảo đảm tiếp cận nước sạch không chỉ là thách thức trong vấn đề quyền con người mà còn là nhân tố quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực. Theo báo cáo của LHQ, nếu sự suy thoái của môi trường tự nhiên và áp lực không bền vững đối với tài nguyên nước toàn cầu tiếp tục ở mức hiện tại, đến năm 2050, 45% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 40% sản lượng ngũ cốc toàn cầu sẽ đối mặt với rủi ro. Trong tình hình đó, những người nghèo và bị thiệt thòi sẽ bị ảnh hưởng mạnh, làm tăng thêm bất bình đẳng.

Ngoài ra, không đáp ứng đủ nước công bằng cho tất cả mọi người còn có thể là nguyên nhân dẫn đến xung đột. Trong bối cảnh nhu cầu về nước ngày càng tăng trong khi nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận, các cuộc xung đột liên quan đến nước đã gia tăng đáng kể, từ  94 cuộc trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2009 lên 263 cuộc từ năm 2010 đến 2018.

Trách nhiệm của cộng đồng

Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng, Luật Nhân quyền quốc tế đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia phải nỗ lực đạt được quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người trên nguyên tắc không phân biệt đối xử, trong đó ưu tiên dành cho những người cần thiết nhất. Pháp luật quốc tế về quyền con người xác định, các cá nhân được hưởng quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh, các quốc gia có nghĩa vụ phải bảo đảm quyền này cho tất cả mọi người thông qua việc sử dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Việc thực thi quyền con người về nước sạch và điều kiện vệ sinh đòi hỏi các dịch vụ phải an toàn, có sẵn, dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và chấp nhận được về mặt văn hóa.

Việc đầu tư vào nguồn nước và điều kiện vệ sinh cho mọi người nói chung, dành cho các nhóm dễ bị tổn thương nói riêng sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế lớn. Bằng chứng cho thấy lợi ích lớn của việc đầu tư nguồn nước và dịch vụ vệ sinh, đặc biệt khi xem xét các lợi ích kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn. Trong quá trình này, sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế là tối cần thiết đối với các quốc gia đang phát triển, đồng thời cần nêu cao trách nhiệm của các chính phủ trong quan tâm tăng mức đầu tư vào lĩnh vực này. Các quốc gia có nghĩa vụ phải điều tiết cơ chế chi trả để bảo đảm các dịch vụ có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, cần phát huy cơ chế chịu trách nhiệm, phân công cho các cơ quan có năng lực giám sát, đôn đốc các nhà cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh thực thi tốt nghĩa vụ.

Tính chịu trách nhiệm và việc cải thiện về năng lực tài chính có thể giúp thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, tạo thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân. Tính chịu trách nhiệm, minh bạch, hợp pháp, sự tham gia của công chúng, công bằng và hiệu quả là các đặc tính của “quản trị tốt”. Các quốc gia có nghĩa vụ tạo điều kiện cho sự tham gia của người dân và bảo vệ quyền của người dân được tham gia vào việc hoạch định các chính sách có ảnh hưởng đến họ. Quản trị tốt bảo đảm sự phân bổ công bằng về tài nguyên nước cho tất cả mọi người. Các khoản trợ cấp để thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng sẽ trao quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương phân bổ các nguồn lực dựa trên chính những ưu tiên của họ.

Những giải pháp xây dựng hướng đến các nhóm mục tiêu cụ thể sẽ giúp bảo đảm việc cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh sẵn có, giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Bởi vì nhóm nghèo và dễ bị tổn thương là không đồng nhất, các chính sách liên quan đến việc cung cấp nước và vệ sinh cần có sự phân biệt giữa các nhóm dân cư khác nhau, từ đó có xây dựng các giải pháp cụ thể để đáp ứng cho từng nhóm. Dữ liệu phân tách (có tính đến giới tính, tuổi, thu nhập, chủng tộc, văn hóa, địa lý,…), việc phân tích tính hòa nhập xã hội và nguyên nhân là những công cụ then chốt trong xác định những nhóm có khả năng cao nhất “bị bỏ lại phía sau”. Khi các nguồn lực còn hạn chế thì cần nhắm đến các khu vực nơi người dân có mức tiếp cận dịch vụ thấp nhất.

Như vậy, cải thiện việc quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên nước cũng như tạo cơ hội tiếp cận nước bảo đảm và khu vệ sinh đủ điều kiện cơ bản cho tất cả mọi người là yếu tố then chốt để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng những xã hội hòa bình và thịnh vượng. “Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là mục tiêu mà còn là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta phải khuyến khích hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu và thúc đẩy sự kiên cường trước tác động của biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sự tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Đây là những bước thiết yếu hướng tới một tương lai hòa bình và thịnh vượng hơn. Khi chúng ta nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta phải coi trọng tài nguyên nước và bảo đảm quản lý mang tính bao trùm nếu chúng ta phải bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiết yếu này một cách bền vững vì lợi ích của tất cả mọi người” (Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres).

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất