Lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động trong trạng thái "bình thường mới"
Hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhiều địa phương đang thích ứng với trạng thái “bình thường mới”(Ảnh: qdnd.vn).

Chưa thiếu hụt lao động trầm trọng

Từ ngày 1-10 khi bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương đang tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, nhiều tỉnh thành ghi nhận trên 90% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, khôi phục chuỗi sản xuất.

Tại các địa phương phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng còn thận trọng khi tăng quy mô lao động để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Do đó, tình trạng thiếu hụt lao động sau các “làn sóng” hồi hương tránh dịch của người lao động chưa nghiêm trọng.

Đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết do tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 đã dẫn đến có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100% (hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường). Mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân lao động, thường xuyên giữ mối liên hệ với người lao động nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

Mặc dù sẽ chưa xảy ra thiếu hụt lao động trầm trọng do các doanh nghiệp chưa hoạt động sản xuất trở lại 100% nhưng sự thiếu hụt này có thể tăng vào thời gian quý I và quý II-2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Bởi lẽ bắt đầu từ tháng 1-2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Đồng chí Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho hay, qua nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; dự báo nhu cầu nhân lực quý IV-2021 cần khoảng 57.000 lao động. Trong đó, nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp gần 30.000 người tập trung các ngành giày da, may mặc: 13.851 người; cơ khí 3.935 người; điện-điện tử 2.248 người; chế biến thực phẩm 2.796 người, bao bì 1.005 người…

“Quý I-2022 vừa rơi vào thời điểm đón Tết Nguyên đán, vừa là thời điểm hằng năm các doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động để bổ sung lực lượng lao động chuyển đổi việc làm hoặc người lao động về quê chưa quay trở lại sau Tết. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt nhất, tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý II-2022 cần khoảng 75.000 chỗ làm việc cho việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh,” đồng chí Lê Minh Tấn cho hay.

“Bí kíp” vượt khó trong đại dịch

Sản xuất đang phục hồi từng ngày trong điều kiện “bình thường mới”, hầu hết các doanh nghiệp đều chú trọng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi lẽ, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động là yếu tố sống còn để duy trì và phục hồi sản xuất. Một số doanh nghiệp dù có lực lượng lao động “khủng”, áp lực duy trì sản xuất lớn nhưng đã vượt qua khó khăn nhờ những “bí kíp” chăm lo, quản trị lực lượng lao động tốt.

Khi làn sóng dịch thứ tư xảy ra tập trung ở 19 tỉnh phía Nam, các tỉnh này không cho phép tổ chức sản xuất hoặc chỉ tổ chức sản xuất "3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến". Trong tổng số 155.000 lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì có đến 65.000 lao động nằm ở khu vực này. Ở thời điểm cao điểm nhất có tới 56.000 lao động không thể đến làm việc tại doanh nghiệp. Thực tế này đã gây khó khăn rất lớn cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, ngay từ tháng năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phân tích, xác định rằng việc thực hiện giải pháp “3 tại chỗ” đối với ngành dệt may là rất khó, vì một doanh nghiệp may quy mô khoảng 3.000-5.000 lao động nằm trên một khuôn viên đất khoảng 3-5 hecta thôi thì không thể bố trí “3 tại chỗ” được. Thêm vào đó, nếu bố trí mật độ khoảng 20-30% lao động thì cũng không đủ để giải quyết đơn hàng về mặt tiến độ, số lượng.

“Chúng tôi xác định phải sàng lọc và thảo luận với khách hàng ngay. Những khách hàng và đơn hàng ưu tiên thì chỉ duy trì 10 - 20% lao động làm ‘3 tại chỗ’ và phục vụ trọn gói nhóm này, còn lại những nhóm khác phải chấp nhận rút lui ra khỏi thị trường đó trong thời gian bị đóng cửa" - ông Lê Tiến Trường cho biết.

Theo ông Lê Tiến Trường, trong khi việc sản xuất ngành may gặp nhiều khó khăn thì những nhóm sản xuất nguyên liệu là nhóm có diện tích nhà xưởng lớn, lao động ít, trình độ tự động hóa cao như sản xuất sợi, sản xuất vải thì lại thuận lợi huy động 100% "3 tại chỗ" để tối đa hóa công suất nhằm duy trì doanh thu, kim ngạch cũng như hệ thống tài chính của toàn tập đoàn.

Nhớ lại những giải pháp đã giúp Tập đoàn Dệt may Việt Nam vượt qua khó khăn trong đợt dịch lần thứ 4, ông Lê Tiến Trường chia sẻ, trong bối cảnh sản xuất bị gián đoạn, để bảo đảm giữ được lao động chúng tôi cũng đã triển khai các giải pháp như thành lập các nhóm Zalo đến tận từng khu ở của người lao động. Ngoài ra, bản thân lực lượng cán bộ cũng phải phân loại lao động để ở thành từng cụm và bố trí dây truyền sản xuất theo từng cụm này để nhỡ có một người trong một cụm mắc COVID-19 thì chỉ một dây chuyền đấy phải nghỉ thôi, tránh tình trạng lao động ở cùng 1 khu trọ nhưng rải ra 20 dây chuyền khác nhau, một người nhiễm COVID-19 thì cả 20 dây chuyền phải đóng cửa.

Tính từ khi mở cửa hoạt động trở lại ngày 1-10 đến 15-10, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 92% lao động quay trở lại làm việc. Đến nay, trong 65.000 lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì chỉ có 1.200 người không giữ được mối liên hệ.

7 giải pháp phục hồi thị trường

Mặc dù nhấn mạnh doanh nghiệp cần phải cải thiện năng lực sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp, TS. Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân) cũng lưu ý không nên chỉ dồn hết trách nhiệm cho doanh nghiệp, bởi lẽ một mình doanh nghiệp thì không đủ năng lực đảm đương việc phục hồi sản xuất ổn định lực lượng lao động.

“Theo tôi, phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động đã hồi hương trở lại làm việc, hỗ trợ tiền lương cho doanh nghiệp dừng sản xuất... Bên cạnh đó, tăng cường quản lý về lao động trên thị trường lao động để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng, quản lý người lao động. Trong tiến tình này, việc số hóa thị trường lao động là then chốt và phải đẩy nhanh tiến trình này, thậm chí đẩy nhanh gấp 5-10 lần so với lộ trình đặt ra từ đầu,” TS. Ngô Quỳnh An kiến nghị.

Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp và người lao động, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang xây dựng dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, những cơ chế, chính sách đề xuất tập trung vào 7 giải pháp chính: Hỗ trợ trực tiếp người lao động (các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm COVID-19…); hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động; phát triển bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

"Nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí để thực hiện đồng bộ cả 7 giải pháp này,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay.

Các chuyên gia nhận định việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân của Đảng và Chính phủ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định cho người dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất