Nhật ký mùa chống dịch (tiếp theo)
Các chi hội phụ nữ An Hải Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng góp bữa ăn ủng hộ lực lượng chống dịch.
Bài 3. “KHÔNG Ở ĐÂU NHƯ Ở ĐÂY, MẠNH THƯỜNG QUÂN ĐÔNG HƠN NGƯỜI BỆNH”
  
Mẹ chồng tôi năm nay hơn 80 tuổi. Bà tự nhận ít học, nhưng rất hay tò mò, tìm tòi nghe ngóng và còn luận bàn cả chuyện chính trị. Bà có niềm tin tuyệt đối vào Bác Hồ, vì như bà nói: Cụ Hồ là thần thánh của dân tộc, nhờ có bộ đội Cụ Hồ mà giải phóng được đất nước, hết chiến tranh.
Từ ngày còn trẻ, nỗi khổ chiến tranh, nghèo đói khiến bà luôn giữ thói quen bới cơm thì phải để dành lại một chút trong nồi (vì để bữa sau còn có mà ăn), tuyệt đối không bao giờ đổ cơm vào thùng rác, dù đã thiu (vì gạo là hạt ngọc của Trời, nhờ Trời cho mới có mà ăn). Một hôm, nghe chúng tôi kế chuyện về Bác Hồ, bà thích nhất câu: “Chủ nghĩa xã hội là ai cũng có cơm ăn, áo mặc...”. Bà nhắc chúng tôi: nhờ có Bác mà mình không thiếu cơm ăn, áo mặc, nên nhớ mà làm theo Bác!
Mấy hôm nay, ngoài nhiệm vụ “ngồi yên” vì cách ly phòng dịch COVID-19, chúng tôi còn tranh thủ đọc và góp ý dự thảo các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Góp thế nào đây để chấn chỉnh, xóa bỏ những “vấn đề có vấn đề” trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước dẫn đến những sai phạm, khuất tất trong công tác cán bộ, trong quản lý kinh tế - xã hội ở ngành này, địa phương kia khiến “chỉ số niềm tin” của nhân dân có nguy cơ giảm sút? Góp gì đây khi mục tiêu tăng trưởng trong các dự thảo báo cáo chính trị trở nên quá sức cho nhiệm kỳ tới khi từ đầu năm 2020 đã có 2 đợt dịch bệnh bùng phát, việc tập trung chống dịch khiến hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội nhiều nơi, nhiều ngành đình trệ, thất nghiệp trên một bộ phận không ít người lao động đã hiện hữu? Cảnh báo của Đảng về nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và chệch hướng xã hội chủ nghĩa từ Đại hội VII đến nay luôn được nhắc đến, 30 năm qua được toàn Đảng, toàn dân nỗ lực phòng, tránh, vượt lên, giờ cần làm gì nữa đây…?
Mải nghĩ, tôi cứ lẩm bẩm một mình. Hình như mẹ chồng tôi nghe được, bà phì cười: Chủ nghĩa xã hội đầy ra đó, chệch đâu mà lo! Tôi tròn mắt. Bà giơ ngón tay giải thích, mỗi câu một ngón:
Đây này, Cụ Hồ nói “chủ nghĩa xã hội là ai cũng có cơm ăn, áo mặc”, dịch giã thế mà có ai bị đói, bị bỏ lại phía sau đâu? Đợt dịch trước, ATM gạo lan tỏa khắp nơi; siêu thị 0 đồng xuất hiện giữa phố; chợ cóc vỉa hè thì đặt biển: “Ai thiếu thì nhận một phần, ai có thì ủng hộ thêm”. Đợt này, mấy bà trong xóm bảo: “Không ở đâu như ở đây, Mạnh Thường Quân đông hơn người bệnh”. Hàng hóa, nhu yếu phẩm ủng hộ về nhiều quá, kín cả đoạn đường dài trước bệnh viện, khu cách ly, khiến chính quyền, đoàn thể phải “năn nỉ” bằng thông báo: “xin được nhận ủng hộ tại khu vực tiếp nhận chung...”. Mấy đứa thanh niên trên quận còn phát động chiến dịch “Triệu bữa cơm”, nhiều đứa trốn nhà (vì sợ bố mẹ lo) làm “xe ôm thời dịch” giữa các bếp và người bệnh, người cách ly, người tham gia chống dịch. Các bà phụ nữ xóm mình còn lập “gờ rúp” (group) gì gì đó, nhắn tin huy động tiền, rau, trứng, thịt để nấu cơm cho đội phòng dịch của phường còn gì. Hôm trước, thằng con bay còn xin tau cho nó tiền mua trứng gà để hỗ trợ lũ bạn sinh viên trường nó bị kẹt dịch, không về được đó thôi...
Ơ ơ... Tôi lại tròn mắt. Một bà cụ hơn 80 tuổi, chỉ quẩn quanh trong nhà, làm bạn với cái ti vi, lâu lâu hóng chuyện con cháu, thế mà “chính trị” ra phết, lý luận lẫn thực tiễn cứ ro ro! Hay quá, tôi đã tìm ra vấn đề để góp vào các dự thảo văn kiện từ thực tiễn những ngày chống dịch:
Các cấp ủy đảng, chính quyền hãy lãnh đạo, quản lý cho tốt, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cho thật công tâm, vì nước, vì dân, tài đức vẹn toàn để được dân tin, dân yêu. Còn việc gì khác cần làm, hãy nhớ đến mọi tầng lớp nhân dân, từ cụ bà cụ ông cao tuổi, đến các chị, các mẹ, đến đoàn viên, thanh niên, đến sinh viên, học sinh… Tất cả chúng ta đều góp một phần tích cực thì chủ nghĩa xã hội sẽ hiện hữu mỗi ngày và cho tất cả mọi người!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất