|
Kết nạp quần chúng là người có đạo vào Đảng tại Chi bộ thôn Tân Trung, Đảng bộ xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
|
Nhận diện những thủ đoạn xuyên tạc về tự do tôn giáo
Ngay trong Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14-6-1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, xác định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”.
Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam mang bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ở Nhà nước ấy dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn thực hiện nhất quán việc tôn trọng, bảo đảm cũng như thúc đẩy các quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Đây là một nguyên tắc hoạt động của Nhà nước, được ghi nhận trong Hiến pháp của đất nước.
Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo đã từng bước giải quyết và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ấy vậy mà HAEDC với cái nhìn lệch lạc, phiến diện một chiều, thiếu tính xây dựng, vì mục đích chính trị đã và đang bóp méo, xuyên tạc một cách trắng trợn về nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Họ đã lợi dụng việc tự do về tôn giáo ở Việt Nam cùng với vụ việc một số đối tượng khủng bố ở Đắk Lắk đã đưa ra những thông tin sai sự thật, thậm chí là vu cáo về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Chúng vu cáo Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam với luận điệu: Việt Nam tổ chức đàn áp tôn giáo. Sự việc ở Đắk Lắk là sự nổi dậy, mâu thuẫn về tôn giáo, "đàn áp tôn giáo", "vi phạm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo" hướng tới mục tiêu “chính trị hóa vấn đề tôn giáo”, “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, khống chế không gian phát triển của tôn giáo, kích động tín đồ đòi “tự do tôn giáo” và “quyền tự trị dân tộc”, “kiểm soát tôn giáo”… để từ đó, vấn đề tôn giáo trở thành cách thức để chúng tập hợp tín đồ chống phá đất nước, kêu gọi các lực lượng bên ngoài can thiệp vào tình hình nội bộ của Việt Nam.
Chúng lập luận và nêu ra những yêu sách như đặt tôn giáo đứng ngoài pháp luật, thậm chí trên pháp luật, không chịu sự quản lý của Nhà nước để bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam, từ đó mục đích của chúng là coi Việt Nam là quốc gia vi phạm về tôn giáo, “đàn áp tôn giáo”, vi phạm nhân quyền… Điều này gây khó khăn cho Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Hoạt động của HAEDC là câu kết với một số phần tử cơ hội chính trị trong nước trực tiếp hoặc gián tiếp câu kết với nhau chống phá vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Chúng lợi dụng mạng xã hội, sự tha hóa của một số ít cán bộ trong tổ chức bộ máy Nhà nước, lồng ghép các vấn đề một cách khiên cưỡng, hay lợi dụng sự khó khăn về địa hình, kinh tế ở một số vùng nông thôn, miền núi, sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số có trình độ dân trí chưa cao để phát tán tài liệu thông tin sai sự thật trên không gian mạng, nhận tài trợ tiền để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo để gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương...
Những minh chứng “chân lý” phản bác luận điệu xuyên tạc
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn thực hiện nhất quán chính sách về tôn giáo gắn liền với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngay trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của BCH Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo, Đảng ta đã xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia” và “đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước” [5, tr.51], “Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc” [5, tr.171].
Theo quy định của pháp luật tại Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Mọi người dân không giới hạn về tuổi tác, giới tính, thành phần dân tộc đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng tôn giáo. Nhà nước đảm bảo cho hoạt động của người dân và các tổ chức tôn giáo bằng các quy định của pháp luật. Nhà nước cũng nghiêm cấm việc lợi dụng các vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Trên bình diện hợp tác quốc tế về tôn giáo, Việt Nam đã chủ động tham gia ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế, nghị định thư, đối thoại quốc tế liên quan đến quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như: cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo với các đối tác Hoa Kỳ, EU; bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Cùng với đó, Việt Nam tích cực cung cấp và minh bạch thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, chính quyền các cấp đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 27,2 triệu người có đạo, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc, 29.718 cơ sở thờ tự; cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 486 cơ sở thờ tự tôn giáo, tăng 60 cơ sở so với năm 2021; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm trong các lĩnh vực về tôn giáo, với trên 684,2 nghìn bản in [6].
Kết nạp người có đạo vào Đảng
Theo quy định Điều lệ Đảng, công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng [3, tr.8].
Như vậy, việc vào Đảng là sự tự nguyện mà ở trong đó không có sự phân biệt người vào Đảng theo các tiêu chí về tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, giới tính, dân tộc... Trong các quy định của Đảng, công dân Việt Nam không phân biệt ở trong nước hay ở nước ngoài đủ về độ tuổi, ưu tú về năng lực, có phẩm chất chính trị tốt thực sự trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, được quần chúng tin yêu và rèn luyện, trung thành với vận mệnh của dân tộc, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, dám dấn thân vì lợi ích chung của Nhân dân mà không phân biệt về tôn giáo, dân tộc, trình độ khi đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Riêng đối với người có tôn giáo mà cụ thể ở đây là “người Công giáo” hay “người có đạo”, Đảng ta đã ban hành Quy định 123-QĐ/TW, ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương ngày 8-4-2005 về đảng viên là “người có đạo” đã giải quyết một cách căn bản nhất nhận thức của các cấp ủy, đảng viên về kết nạp đảng viên đối với “người có đạo”.
Sau khi Nghị quyết ra đời như một ngọn đèn pha soi đường cho công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là “người có đạo” để tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở các tỉnh có đông đồng bào Công giáo như Nam Định, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh...
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, nhiều địa phương đã xem xét kết nạp quần chúng là “người có đạo” vào Đảng tại các giáo phận đã được Nhà nước công nhận, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng tại địa phương, cơ quan, đơn vị; có uy tín và khả năng thuyết phục, vận động quần chúng, không vi phạm tiêu chuẩn về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định.
Trong thực tế, những cán bộ, đảng viên là “người có đạo” luôn là người có phẩm chất trong sáng, luôn đi đầu và thực hiện tốt lý tưởng cách mạng cũng như hoàn thành tốt những nhiệm vụ của người có đạo. Những đảng viên này luôn thể hiện sự kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, lấy sự tự hào của “người có đạo” là lẽ sống cho họ hoạt động với phương châm “tốt đời đẹp đạo”, để từ đó họ đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với tổ chức đảng, đối với nhân dân, đối với tôn giáo của mình.
Đảng viên là “người có đạo” cùng với những chức sắc trong Công giáo luôn làm tròn cả nhiệm vụ với Đảng và với tôn giáo. Đây là những kênh thông tin là cầu nối gắn bó đồng bào với Đảng, chính quyền, đoàn thể. Họ là những người tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào có tôn giáo hiểu, tin tưởng và thực hiện; lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để báo cáo, phản ánh, tham mưu với Đảng và Nhà nước nắm bắt, giải quyết kịp thời. Đồng thời, họ cũng là người đi đầu và thực hiện đối với đạo của mình, hướng tới lý tưởng “tốt đời, đẹp đạo”, được quần chúng nhân dân yêu mến, được tổ chức đảng tin tưởng, đánh giá cao.
Đặc biệt, đảng viên là người Công giáo và các đảng viên không theo tôn giáo nào trong tổ chức đảng luôn thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận, tin yêu giúp đỡ lẫn nhau hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức giao. Sự hoà hợp của niềm tin, lý tưởng giữa Đảng và Dân tộc, giữa chính trị và tôn giáo, vì mục đích, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc Việt Nam là một bằng chứng thép vạch trần sự dối trá, vu cáo về công tác tôn giáo của HAEDC đối với dân tộc Việt Nam.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng quy định của pháp luật. Đảng không phân biệt người vào Đảng theo các tiêu chí về giới tính, dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, xã hội và luôn tạo điều kiện cho đội ngũ đảng viên là “người có đạo” được tham gia sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo và đảm nhận các chức vụ trong tổ chức tôn giáo.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2023), Sách Trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 12-3-2003 về công tác tôn giáo, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Quy định số 06-QĐ/TW, ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị “một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo”.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Long (2023), Nỗ lực đảm bảo quyền tự do tôn giáo, phản bác luận điệu xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, https://baotintuc.vn.
Thạch Linh Cúc