Những chính sách nhân đạo của luật pháp Việt Nam đối với phạm nhân nữ đặc biệt
Các nữ phạm nhân và con nhỏ tại Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang). Ảnh: VTC News

Các nữ phạm nhân và con nhỏ tại Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang). Ảnh: VTC News.

Quy định của pháp luật quốc tế

Khoản 1, Điều 9 Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (UN Convention on the Rights of the Child-UNCRC), năm 1989 quy định rõ việc trẻ em không bị tách khỏi cha, mẹ trái với ý muốn của họ, trừ trường hợp do các cơ quan có thẩm quyền quyết định với sự thẩm định của Tòa án.

Tuy nhiên, trẻ em vẫn có thể bị tách khỏi cha mẹ nếu việc đó được các cơ quan có thẩm quyền quyết định với sự thẩm định của Tòa án rằng theo pháp luật và các thủ tục áp dụng thì việc tách khỏi cha, mẹ như vậy là cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Theo UNCRC, trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới hạn phạm vi trẻ em là người dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân nữ, vì vậy trẻ em sẽ có quyền như những người dưới 18 tuổi, trong đó có quyền không bị tách khỏi cha, mẹ, cho dù cha, mẹ có bị phạt tù.

Khoản 1, Điều 7, UNCRC quy định trẻ em được đăng ký ngay lập tức sau khi được sinh ra và có quyền có họ tên, có quốc tịch ngay từ khi chào đời; trong chừng mực có thể, quyền được biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc. Điều này có nghĩa là cũng có một số trường hợp, trẻ em không được cha mẹ chăm sóc trực tiếp khi có những điều kiện nhất định.

Tại châu Âu, Hội đồng các Bộ trưởng đã ban hành khuyến nghị để hướng dẫn các quốc gia thành viên về Bộ quy tắc nhà tù châu Âu (Recommendation of the Committee of Ministers to member States on the European Prison Rules) có một số quy định về phạm nhân nữ có thai, phạm nhân nữ sinh con tại nhà tù và con của phạm nhân nữ tại nhà tù.

Cụ thể, tại Điều 34.4 quy định: “Ưu tiên để phạm nhân sinh con ngoài trại giam. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ được sinh ra trong tù, cơ quan chức năng phải bố trí mọi sự hỗ trợ cần thiết và các phương tiện cần thiết, chẳng hạn như khu sinh hoạt đặc biệt”. Điều 36.1 quy định: “Trẻ nhỏ chỉ có thể sống trong tù với cha mẹ nếu điều đó mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ. Trẻ nhỏ không bị đối xử như tù nhân”.

Để cụ thể hóa quy định về việc chăm sóc cho trẻ em trong trường hợp ở tù với cha mẹ, Điều 36.2 và 36.3 quy định, phải có trại giam đặc biệt với một cơ sở chăm sóc và đội ngũ nhân viên có trình độ và để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, phải dành cho trẻ nhỏ những không gian sinh hoạt đặc biệt.

Ngoài những quy định trên, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với phạm nhân chỉ có thể được sử dụng nếu luật pháp cho phép và chỉ được thực hiện nếu không có một biện pháp kiểm soát nào ít nghiêm khắc hơn đối với tù nhân. Tuy nhiên, đối với phạm nhân nữ, những biện pháp cưỡng chế này có một số ngoại lệ. Cụ thể, tại Điều 68.7 quy định: Không được trói, buộc người phụ nữ sau khi đã bắt đầu chuyển dạ, trong khi chuyển dạ hoặc ngay sau khi sinh con.

Quy định của pháp luật Việt Nam

Tại Khoản 1, Điều 51 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: “Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi giam hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết, được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe”. Theo quy định tại Điều 68, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 67 quy định người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Cụ thể hóa quy định của Khoản 1, Điều 51, Luật Thi hành án hình sự 2019, tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 9-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi hành án hình sự nêu rõ, phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì tổng định lượng ăn bằng 2 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ; phạm nhân nữ sinh con trong trại giam được cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương 1 tháng định lượng ăn của trẻ em là con phạm nhân theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 3 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Khoản 2, Điều 51, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: “Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sỹ hoặc bác sỹ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con”.

Khoản 2, Điều 10 Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 09-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự nêu rõ: Chế độ ăn của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được hưởng như đối với trẻ em dưới 4 tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành; ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật trẻ em được hưởng chế độ ăn bằng 5 lần ngày thường, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1-6), Tết Trung thu (ngày 15-8 âm lịch) được hưởng chế độ ăn bằng 2 lần ngày thường. Mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20kg gạo tẻ/trẻ em…

Khoản 3, Điều 51, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: “Trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong trại giam được hưởng chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát nhu yếu phẩm và được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh để bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em”.

Khoản 4, Điều 51, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. UBND cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.

Khoản 5, Điều 51, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải đề nghị cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc UBND cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc UBND cấp tỉnh phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

Khoản 6, Điều 51, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Kiến nghị sửa đổi

Luật Thi hành án hình sự 2019 và Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 9-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự đã thể hiện rất rõ tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người chấp hành án, thân nhân của họ nói chung và đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân nữ trong cơ sở giam giữ phạm nhân nói riêng.

Tuy nhiên, việc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, không chỉ riêng là người mẹ, mà trong thực tế vẫn có thể là do người cha nuôi dưỡng. Vì có nhiều trường hợp vì lý do nào đó, trẻ dưới 36 tháng tuổi có thể khi mới sinh ra người mẹ qua đời thì chỉ còn lại người cha nuôi dưỡng. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ thì việc người cha trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con là vấn đề đương nhiên và cần thiết. Nhưng trong các quy định hiện hành không xác định người cha được áp dụng chế định có lợi này nếu có hành vi phạm tội.

Trước đó, Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15-12-2011 đã quy định có trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha trong trại giam và thực tiễn cũng đã có trường hợp này xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 9-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi hành án hình sự đã bỏ trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng cha trong trại giam.

Như vậy, quy định hiện nay chưa hợp lý, tạo ra sự bất bình đẳng giữa phạm nhân nam và phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi cũng như bỏ sót trường hợp phạm nhân nam có hoàn cảnh khó khăn, không có người khác chăm sóc con và bản thân phạm nhân nam không được hoãn chấp hành hình phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Vì vậy, tác giả đề xuất sửa Điều 51 Luật Thi hành án hình sự 2019 và Điều 10 Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 9-11-2020 theo hướng bổ sung thêm trường hợp con dưới 36 tuổi ở cùng phạm nhân nam.

Có thể thấy, tất cả các quy định trong BLHS và BLTTHS như trên đều nhằm mục đích chính là tạo điều kiện thuận lợi cho người mẹ có điều kiện để chăm sóc con được tốt nhất; theo đó sẽ thể hiện rõ chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất chế định này đối với người phạm tội thì cần quy định chặt chẽ, bảo đảm tính phù hợp, toàn diện và tính khả thi và cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng được áp dụng và chặt chẽ hơn về điều kiện áp dụng.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Điểm b Khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015) thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất