Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Tọa đàm với báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền phát triển, qua đó trao đổi, chia sẻ về nhiều vấn đề trọng tâm liên quan tới việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc vì sự phát triển bền vững.
|
Quang cảnh Tọa đàm.
|
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền phát triển, cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ và thành viên trong đoàn công tác của cơ quan Liên hiệp quốc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ, với việc xác định và kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, vì con người, lấy con người làm trung tâm, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đạt chuẩn hội nhập quốc tế thông qua các công ước quốc tế của Liên hiệp quốc. Cụ thể như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD), các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung đã và đang nỗ lực thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III, chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, cũng như Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững.
Đây cũng là những bước triển khai tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước với tinh thần không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc vì sự phát triển bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì các mục tiêu cụ thể trong việc Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Giảm bất bình đẳng trong xã hội; Phòng ngừa và giảm đáng kể tình trạng xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán và tất cả các hình thức bạo lực và tra tấn trẻ em và người chưa thành niên.
Tháng 1-2019, trong khuôn khổ Khóa họp 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ III đã diễn ra. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì thực hiện 81/241 khuyến nghị liên quan đến người lao động, các đối tượng dễ bị tổn thương, các quyền kinh tế-xã hội liên quan đến giảm nghèo, an sinh xã hội và phối hợp thực hiện 39 khuyến nghị khác.
Các khuyến nghị đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lồng ghép và thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả qua việc hoàn thiện chính sách, triển khai thực hiện bảo đảm quyền của người lao động và nhóm dễ bị tổn thương, xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.
Báo cáo phát triển con người toàn cầu do UNDP xây dựng cũng cho thấy, chỉ số phát triển con người của Việt Nam luôn được cải thiện và Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển con người cao từ năm 2019. Chỉ số bất bình đẳng giữa nam và nữ cũng không ngừng được cải thiện, đứng thứ 71 trong 170 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng năm 2021.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về nhiều vấn đề trọng tâm liên quan tới việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc vì sự phát triển bền vững và lắng nghe những kinh nghiệm của Đoàn công tác, và các quốc gia trên thế giới, nhằm giúp tạo cơ sở để giúp Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả toàn diện, bền vững và vượt bậc hơn nữa.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về quyền phát triển cảm ơn phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chia sẻ rất thẳng thắng và rõ ràng. Ông cho rằng, những thông tin được chia sẻ tại tọa đàm rất hữu ích đối với Đoàn công tác. Ông mong muốn thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai, phát huy tốt hơn nữa những thành tựu đã đạt được.
PV