Những quyết sách vì quyền con người
Phiên họp Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

1. Thông qua và cho ý kiến đối với nhiều dự án luật, nghị quyết liên quan đến các vấn đề an ninh, quốc phòng và dân sinh. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết; cho ý kiến đối với 8 dự án luật; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ IV về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.  

Có thể nói, lần đầu tiên, trong một kỳ họp, Quốc hội đã thông qua và cho ý kiến đối với nhiều dự án luật, nghị quyết liên quan đến y tế, bảo hiểm, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,…, so với các kỳ họp trước đó; trong đó đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Điều này thể hiện Quốc hội đã bám sát và thể chế hoá, hiện thực hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống, an ninh con người và bảo vệ quyền con người ở nước ta.

Trong đó, an ninh con người, quyền con người được đặt lên trên hết, trước hết vì một Việt Nam công bằng, văn minh, dân chủ, hạnh phúc. Trong kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục quán triệt nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện. Quốc hội cũng thống nhất đánh giá, từ năm 2023 đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn so với dự báo, nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời của Chính phủ, các ngành, các cấp; sự giám sát hiệu quả, sát sao của Quốc hội; sự đồng hành của Nhân dân, doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong diễn văn bế mạc tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tổng kết thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội, khẳng định: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng ngày một tích cực hơn, dự báo cả năm 2023 GDP tăng trên 5% và hoàn thành ít nhất 10/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm, phát triển. Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Các hoạt động đối ngoại diễn ra liên tục, sôi động và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và các nước G20. Uy tín Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Để đạt được các mục tiêu phát triển, Quốc hội tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh.

Phiên họp

Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn.

3. Các quyết sách của Quốc hội lần này, ở mức độ khác nhau, đều gắn chặt với lợi ích toàn cục, mang tầm chiến lược của đất nước; lấy lợi ích chính đáng của Nhân dân làm mục tiêu, thông qua đó bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và cũng chính là bảo vệ quyền con người.

Để các quyết sách đi vào cuộc sống, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Những dự án, công trình trọng điểm gắn với lợi ích của địa phương và có tác động tốt đến cộng đồng cần được ưu tiên triển khai sớm, đặc biệt là các dự án phát triển các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội ở miền núi, biên giới và hải đảo, cũng như giải quyết các kiến nghị của cử tri tồn đọng, kéo dài nhiều năm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức để củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại Nhân dân.

Tạo điều kiện cho dân biết, làm cho dân hiểu, dân theo, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân được thụ hưởng thông qua công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, cần triển khai sớm các hoạt động hỗ trợ chính sách và cải thiện sinh kế bền vững cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Triển khai hiệu quả và bảo đảm hiệu lực các quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp này chắc chắn sẽ tạo được hiệu ứng mới, sự chuyển biến tích cực, tạo được đồng thuận trong xã hội, đồng lòng của người dân, hài lòng và đồng hành của doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo đà để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại Nghị quyết chung, Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư... 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất