|
Ảnh minh hoạ
|
Theo đó, khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được thông qua, sẽ có nhiều nội dung về quyền của người lao động, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH…
Bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ
Để phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn xã hội, việc sửa đổi Luật BHXH là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay nhằm bảo đảm tốt nhất quyền của người lao động.
Thứ nhất, sửa đổi Luật nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng về BHXH. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH, với mục tiêu: “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch”.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững”; “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH”; “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và chế tài xử lý vi phạm thuộc các lĩnh vực liên quan như ... BHXH. Bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; từng bước tách việc điều chỉnh lương hưu với điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc; thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là 45%”.
Thứ hai, qua 8 năm thi hành, Luật BHXH 2014 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: diện bao phủ BHXH chưa cao; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu còn dài; việc chấp hành pháp luật về BHXH có mặt chưa tốt, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; các quiy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động trong thực hiện pháp luật về BHXH còn chưa phù hợp; mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn; vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện pháp luật về BHXH có nơi chưa phát huy đầy đủ; việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực BHXH chưa cao... Năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi mới chỉ chiếm 35% so với số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Theo số liệu của cơ quan BHXH, đến hết tháng 10-2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14.650 tỷ đồng, trong đó hơn 4.100 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập, hợp tác quốc tế, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng; các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH. Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 thiếu các quy định tạo thuận lợi cho các hoạt động đàm phán, thực thi các hiệp định cũng như để người lao động Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế được thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng chế độ BHXH tích lũy từ quá trình lao động…
Nâng cao quyền lợi của người lao động
Ngày 23-11-2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã đưa vấn đề sửa đổi Luật BHXH ra bàn thảo với nhiều nội dung nhằm giải quyết những hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, cụ thể:
Một là, xây dựng hệ thống BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, mở rộng đối tượng hưởng lợi từ BHXH.
Luật sửa đổi đã giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Điều này sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT thêm khoảng 800.000 người cao tuổi. Hơn nữa, Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh; người quản lí doanh nghiệp, người quản lí điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian là đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách hết sức nhân văn, được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi; đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28 nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; quy định trên sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động…
Hai là, sửa đổi các qui định nhằm có lợi hơn cho người dân.
Giảm thời gian hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia BHXH, tăng tính bao trùm, toàn diện của chính sách BHXH. Quy định này mở ra cơ hội với những trường hợp trước đây không được hưởng lương hưu hoặc tham gia không liên tục hay làm những công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn cho khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm BHYT; đồng thời, góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bổ sung quy định khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bên cạnh đó, các chế độ như BHYT, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp vẫn bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng. Hơn nữa, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Ba là, bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, dự thảo Luật bổ sung qui định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như: qui định cụ thể hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; nộp phạt khi đóng chậm; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; hay khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 6 Điều 24). Qua đó, tăng nhận thức, trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đối với quyền lợi người lao động, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Bốn là, dự thảo Luật quy định cụ thể về chế độ ốm đau.
Sửa đổi quy định về ốm đau thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày rõ ràng, phù hợp hơn với thực tiễn (Khoản 2 Điều 47); bổ sung quy định tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày (khoản 5 Điều 49). Như vậy, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày; thời gian nghỉ chế độ ốm đau của người lao động đều được xác định thời gian đóng BHXH và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì. Người lao động mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH, tùy điều kiện bình thường và thời gian đóng BHXH. Quy định mới vừa thể hiện tính nhân văn trong chăm lo sức khỏe đối với người lao động, vừa góp phần khắc phục hiện trạng người lao động vin vào bệnh tật để kéo dài ngày nghỉ trong thời gian cho phép mặc dù sức khỏe đã hồi phục.
Năm là, tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ thai sản.
Tại Điều 100 dự thảo Luật đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con. Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là người lao động phải đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trong đó người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con. Qua đó, tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Mặt khác, dự thảo Luật bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Nhìn vào thực tế hiện nay, việc sửa đổi quy định này sẽ bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc cho hơn 86 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đang tham gia BHXH bắt buộc. Qua đó, giúp người hoạt động không chuyên trách an tâm công tác, cống hiến nhiều hơn, đóng góp công sức xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương.
HOÀNG XUÂN BÌNH - VÕ THẾ HÙNG