Đưa sức mạnh văn hóa, con người vào cuộc
Nhìn lại lịch sử, tên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà xuất hiện ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và tiêu ngữ 6 chữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc với ước nguyện đem lại hạnh phúc cho nhân dân được thể hiện dưới Quốc hiệu sau đó không lâu, tại sắc lệnh Luật số 50 ngày 9-10-1945. Nhưng trong suốt một thời gian dài từ năm 1945 cho đến nay, Việt Nam có quá nhiều thử thách ngặt nghèo phải vượt qua. Đó là giành chính quyền vào năm 1945 nhưng phải 30 năm sau, đất nước ta mới hoàn thành được sự nghiệp độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và sau đó chúng ta phải đối phó với khủng hoảng, biến động và rất nhiều vấn đề lớn, phức tạp khác nữa. Và cũng phải sau hơn 30 năm đổi mới, ta mới tạo được thế và lực để có được ngày hôm nay. Nghĩa là đến thời điểm này, chúng ta đang có điều kiện cần và đủ để đi tới mục tiêu đã được đặt ra từ năm 1945 đó là hướng tới hạnh phúc của nhân dân. Là những khát vọng cháy bỏng mà cả dân tộc luôn hướng đến và cũng là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng nỗ lực để đạt được, để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân.
Khi nói tới mục tiêu của Đảng lãnh đạo hướng tới hạnh phúc của nhân dân, chúng ta phải hiểu rằng yêu cầu có cuộc sống hạnh phúc cao hơn yêu cầu có cuộc sống ấm no. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới một trong những quyền cơ bản của con người là quyền mưu cầu hạnh phúc. Trải qua gần 80 năm, cả dân tộc Việt Nam, từ lãnh đạo đất nước đến người dân bình thường đã phải gồng mình để vững vàng vượt lên những thử thách cam go, những tình thế ngặt nghèo, những cuộc giông bão, chúng ta chưa có thời gian để mưu cầu hạnh phúc theo đúng nghĩa. Giờ đây chính là lúc chúng ta thực hiện mục tiêu đó.
Để thực hiện mưu cầu hạnh phúc có hàng loạt vấn đề đặt ra. Hạnh phúc không nhất thiết phải có cuộc sống dư thừa, bởi nếu như hạnh phúc mặc định phải gắn với dư dả vật chất thì không có chuyện người giàu cũng bất hạnh. Hạnh phúc ở đây là những ước nguyện được đáp ứng một cách tổng hòa về nhu cầu hưởng thụ đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Trong câu chuyện hạnh phúc của nhân dân, chúng ta bàn đến việc văn hóa có vai trò như thế nào trong việc triển khai các nghị quyết của Đại hội XIII vào cuộc sống. Có thể nói thành công của Đảng phải bắt đầu từ chỗ các văn kiện đặt ra những vấn đề thiết thực, phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Nhưng việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống là hoàn toàn không đơn giản. Nó đòi hỏi sự vận dụng công phu, tâm huyết, tinh thần quyết liệt của người lãnh đạo và được quần chúng đón nhận, và phải được thực hiện thành công trong cuộc sống.
Trước đó, chúng ta đã có Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có mệnh đề hết sức quan trọng, nguyên tắc chỉ đạo số một đó là: “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” và Đảng cũng đã thẳng thắn đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 33 còn có nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của văn hóa. Cho nên văn hóa phải được nhìn nhận ngang bằng với chính trị, ngang bằng với kinh tế, ngang bằng với xã hội. Và để đất nước phát triển bền vững thì văn hóa phải thật sự thấm sâu, gắn kết chặt chẽ với chính trị, với kinh tế. Tư duy phát triển đất nước một cách đột phá, sáng tạo, bền vững phải bắt đầu từ văn hóa và con người. Phải hết sức chú trọng vị thế của văn hóa.
Khi chúng ta bàn đến câu chuyện đưa Nghị quyết vào cuộc sống, cần làm sống dậy tư tưởng này. Bên cạnh việc đã thực hiện rất tốt trong thời gian qua mà ai cũng nhìn thấy là cần thiết như xây dựng kinh tế, phát triển hạ tầng... thì đã đến lúc chúng ta phải biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh, tức là đưa sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người vào cuộc chạy đua trên trường quốc tế có như vậy thì kinh tế mới phát triển theo nghĩa là mình không mãi mãi là học trò của người khác, mình phải đứng trên đôi chân của mình.
Trên bình diện văn hóa, cùng với những vấn đề đang bàn tới, là đâu đó vẫn có tiếng nói cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền. Vấn đề đặt ra là dựa vào những tiêu chí nào để đưa ra nhận định như vậy. Thực tế trong thời gian vừa qua, một số thế lực ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ vốn là nơi luôn tự cho là nhân quyền rất cao thì chỉ qua dịch COVID-19 đã lộ rõ những điều họ thường dùng để lên giọng phán xét là chà đạp dân chủ, vi phạm nhân quyền đều tồn tại và bộc lộ rõ như bất bình đẳng, hỗn loạn xã hội, cướp bóc... Vì thế, nhân quyền không phải là một bức tranh đẹp để ngắm, một khái niệm trừu tượng, nhân quyền là đòi hỏi, là khát vọng của con người trên khắp hành tinh này và không tách rời khía cạnh văn hóa. Bởi văn hóa gắn với lịch sử và được hình thành trong quá trình lịch sử. Người châu Âu quan niệm về nhân quyền xuất phát từ khu vực đã trải qua những đêm trường trung cổ, trải qua cuộc cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến đề cao giá trị cơ bản của cá nhân, đối lập với phong kiến lãnh chúa. Còn ở các nước phương Đông, cụ thể là ở Việt Nam có chế độ quân chủ, nhưng quân chủ Việt Nam là anh em hòa thuận, trên dưới đồng lòng, cả nước góp sức. Như vậy, từ góc độ lịch sử văn hóa ở đây có những đặc thù có những sự khác biệt về ý thức hệ và chế độ chính trị, có sự khác biệt giữa các nước, nhóm nước, những hiện tượng luận mà không ở đâu giống đâu. Do đó, trong thời đại ngày nay, giữa không gian toàn cầu hóa, Việt Nam rất cần phải phát huy cao nhất những giá trị văn hóa, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh. Phải nhận thức rằng chúng ta đang đứng trước những vận hội vô giá trong công cuộc phát triển và hành trình đi đến phồn vinh. Nhìn từ góc độ nhân quyền, để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần chú trọng đến góc độ văn hóa. Khi nói tới câu chuyện đấu tranh chống những luận điệu sai trái, không nên cứ chỉ nói một cách đấu khẩu mà phải đặt lên bàn những điều nói người ta phải nghe, nhất là những điều nói cho nhân dân mình nghe để không mắc vào những suy luận không có căn cứ khoa học. Đồng thời, với việc luôn coi trọng và thúc đẩy các quyền con người, coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chương trình kinh tế - xã hội nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời coi trọng việc phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy công bằng và an sinh xã hội... chính là câu trả lời cho những thành tựu quan trọng của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền.
Tự tin là người Việt Nam
Đại hội Đảng lần nào cũng đặt nhân dân là chủ thể và đến Đại hội XIII, do yêu cầu phát triển đất nước rất cao và trước một bối cảnh có rất nhiều thời cơ thuận lợi và đầy thử thách, vai trò của nhân dân càng lớn. Đây chính là mục tiêu đặt ra tại Đại hội Đảng lần này. Đại hội lần này đã đặc biệt đề cao vai trò của nhân dân, nhân dân là lực lượng quyết định tất thảy, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Chính quyền là của dân, do dân và vì dân. Cần phải nhấn mạnh rằng, để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng của mỗi con người Việt Nam.
Từ câu chuyện huy động sức dân, phải khơi dậy mạnh mẽ khát vọng trong từng người dân, không phải mong muốn xây dựng một đất nước phồn vinh, quốc gia phát triển là công việc của người đứng đầu mà nó phải là khát vọng và quyết tâm của từng người dân. Khát vọng của từng người dân đôi khi nói thì lớn lao nhưng xem ra nó lại là những điều giản dị, thiết thực, cụ thể, gần gũi, trong đó có việc tiếng nói của người dân được lắng nghe, người dân không chỉ góp sức vào xây dựng đất nước mà còn xả thân bảo vệ đất nước.
Trở lại vấn đề nhân quyền. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, đã cố tình cho rằng Việt Nam không có nhân quyền nhưng trên thực tế, chỉ số hài lòng và chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam đang là một trong những minh chứng nói lên quyền con người đã được bảo đảm. Ở đây có hai điều cần nhắc tới: Thứ nhất, không nên áp vào tiêu chuẩn này hay đánh giá kia mà phải xem xét thực tế những mong muốn chính đáng của người dân là gì; Thứ hai, không bao giờ được chủ quan. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận nếu muốn đem hạnh phúc đến cho nhân dân thì chúng ta phải đánh giá, xem xét trên cơ sở những căn cứ, luận cứ khoa học đầy đủ xem nguyện vọng của người dân hiện nay đang ở mức độ nào, cần điều chỉnh, đổi mới cái gì trong quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Tất cả những vấn đề đề cập trên đây sẽ không đạt được hiệu quả lớn một khi hoạt động của bộ máy chính quyền, của các tổ chức chính trị không được đổi mới một cách căn bản toàn diện và đồng bộ. Đây là điều quan trọng bậc nhất.
Nghị quyết Đại hội XIII thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hòa quyện giữa "ý Đảng, lòng Dân" thể hiện quyết tâm và ý chí vươn lên của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Câu hỏi trở đi trở lại vẫn là làm thế nào để đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống?.
Trước hết, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bầu ra ban lãnh đạo được đánh giá rất tích cực, được đào tạo bài bản, được chọn lọc tương đối kỹ càng. Thời gian tới, Quốc hội khóa XV sẽ bầu chọn ra 500 đại biểu đại diện cho hơn 90 triệu người dân, trên cơ sở đó kiện toàn bộ máy các cấp, đưa vào cuộc sống những nội dung, những tư tưởng lớn của Nghị quyết Đại hội XIII. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhận trọng trách này phải được quán triệt một cách đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm, sứ mệnh của mình. Đã đến lúc với tinh thần Đại hội XIII, phải như là một sự sẵn sàng lãnh nhận sứ mệnh đó, thay vì bị động nhận sự phân công của tổ chức.
Hai là, để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì năng lực của người cán bộ sau khi đã hội tụ đủ những yêu cầu về phẩm chất, uy tín, đã xác định được ý thức, trách nhiệm và có khát vọng thì một yếu tố vô cùng quan trọng là trình độ, là năng lực. Trong thời đại ngày nay không thể chấp nhận và chắc chắn sẽ không thể hoàn thành công việc nếu người lãnh đạo lại hiểu biết sơ sài, kiến thức thiếu thốn, tư duy tụt hậu. Do đó, người lãnh đạo phải không ngừng học tập, trau dồi và luôn lắng nghe. Luôn ý thức trong việc phải có được tầm nhìn, có bản lĩnh chính trị, văn hóa chính trị đáp ứng trọng trách “xứng tầm nhiệm vụ” như Nghị quyết Đại hội XIII về công tác cán bộ đã nêu. Chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy xuất hiện tín hiệu tích cực và sự chuyển biến về mặt này.
Thứ ba là, phải coi lợi ích dân tộc là trên hết. Bài học xương máu, đắt giá cho tất cả các thời khi cầm quyền trị quốc, muốn đưa đất nước đến đỉnh cao phồn vinh thì phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.
Cuối cùng, chúng ta rất cần hội nhập quốc tế, bởi không nói được sự phát triển của Việt Nam nếu không có sự so sánh với các nước. Riêng ở góc độ nhân quyền ở Việt Nam, đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu văn hóa về quyền con người chứ không chỉ hiểu nhân quyền theo nghĩa định đề, mà văn hóa nhân quyền (Human rights culture) có một nội hàm rộng hơn rất nhiều. Có những đặc thù căn bản của các dân tộc ở các quốc gia, khu khác nhau trên thế giới và tính chất văn hóa chính là bản sắc của mỗi cộng đồng, dân tộc khác nhau và sự khác nhau cũng thể hiện trên rất nhiều phương diện. Xứ du mục người ta có ước vọng khác với xứ ven biển đấy là văn hoá. Trên cơ sở đó có thể khẳng định, văn hóa không phải là đơn điệu khi mình nghiên cứu nhân quyền từ góc độ văn hóa.
Với tinh thần cởi mở, quyết liệt của Đại hội XIII này, thì các nhà nghiên cứu về văn hóa, về lịch sử, đặc biệt là những người nghiên cứu trực diện về nhân quyền nên đặt vấn đề cách tiếp cận về nhân quyền thành nhân quyền văn hóa nói chung và nhân quyền văn hóa Việt Nam nói riêng. Biết đâu khi chúng ta nghiên cứu một cách thấu đáo thì Human rights culture của Việt Nam cũng có thể có những đóng góp đáng ghi nhận đối với những khái niệm, những nhận thức về nhân quyền của thế giới. Đừng bao giờ mặc cảm rằng thế giới nói gì cũng hay, khi chúng ta hiểu thấu đáo vấn đề này sẽ không mặc cảm rằng chúng ta phải chống đỡ, che đậy mà chúng ta tự tin, cởi mở, trao đổi thẳng thắn. Có một thời kỳ dài, ở nhiều thời điểm chúng ta chỉ nghiên cứu để đối phó, phòng vệ, giờ phải là nghiên cứu tấn công, bảo vệ những thành tựu không thể phủ nhận về nhân quyền mà chúng ta đã đạt được, nhất là trong thời kỳ gần 35 năm đổi mới.
Tôi cho rằng đại dịch COVID-19 diễn ra trong năm 2020, chúng ta nhìn rõ hơn những nước từng tự cho là đỉnh cao của nhân quyền đã bộc lộ ra quá nhiều vết. Tôi nghĩ rằng hai chữ Tự Tin là bao trùm trong mọi hoạt động để đưa tinh thần của Nghị quyết XIII vào cuộc sống. Đơn cử trường hợp nước Nhật. Người Nhật bị đánh dập vùi trong Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi họ gây dựng, phát triển đất nước cất cánh ngay từ những thập niên 70 một trong những nguyên nhân chính là họ có được sự tự tin, không cúi đầu trước người khác. Vượt qua những cái cụ thể để nói đến những định hướng lớn thì trong mỗi con người cần xác định tự tin mình là người Việt Nam hơn là tự hào mình là người Việt Nam. Nói một cách bao trùm, chúng ta làm mọi việc trên một tâm thức, trạng thái tự tin lúc đó chúng ta mới có thành công được.
GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam