Trước tình hình đó, tháng 1-2021, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030” nhằm định hướng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để các cấp hội đề xuất cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động liên quan. Đây cũng là cơ sở để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức hội trong hội nhập quốc tế.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam,… cùng với các nhiệm vụ trọng tâm như giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…
Chính vì vậy, Nghị quyết 18 của Hội Liên hiệp Phụ nữ ra đời nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập quốc tế của cán bộ hội, hội viên, phụ nữ để tham gia, đóng góp vào tiến trình hội nhập của đất nước và đưa hội trở thành tổ chức có tầm ảnh hưởng trong khu vực, quốc tế. Nghị quyết đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trên 3 lĩnh vực, gồm: (1) Văn hoá, xã hội và khoa học - công nghệ. (2) Kinh tế. (3) An ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Có thể nói, Nghị quyết về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030 ra đời đúng thời điểm và mang ý nghĩa quan trọng khi chủ trương hội nhập quốc tế tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, đây là cơ sở để các cấp hội Phụ nữ quyết tâm, đồng bộ triển khai có hiệu quả các chính sách, khuyến khích thúc đẩy phụ nữ hội nhập quốc tế, đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới, phát huy sự chủ động, sáng tạo của phụ nữ Việt Nam nói chung và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Theo đó, trong lĩnh vực văn hoá, xã hội và khoa học - công nghệ, cần phát huy vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo tồn, phát huy và trao truyền các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đẩy mạnh ngoại giao văn hoá, chú trọng, thúc đẩy giao lưu văn hóa như một trong những hoạt động ưu tiên của công tác đối ngoại nhân dân, coi văn hóa là sức mạnh mềm trong cạnh tranh quốc tế. Đẩy mạnh các phong trào văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao tại cộng đồng giúp phụ nữ thích ứng và tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ trong các vấn đề gia đình - xã hội đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và thúc đẩy phụ nữ tham gia khoa học - công nghệ,...
Trong lĩnh vực kinh tế, cần nâng cao nhận thức của phụ nữ về hội nhập kinh tế và phát triển bền vững, trong đó đặc biệt, chú trọng nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói riêng để phụ nữ chủ động chuẩn bị hành trang đáp ứng yêu cầu mới giúp tận dụng thời cơ, vượt qua rào cản. Bên cạnh đó, cần phát triển mạng lưới hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế như phát triển mạng lưới các nhà sản xuất, doanh nhân nữ dưới hình thức các tổ, nhóm, câu lạc bộ, hội, hiệp hội; tham gia kết nối doanh nhân nữ trong nước với đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế thông qua kết nối xúc tiến thương mại; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số; nghiên cứu, đề xuất chính sách và tham gia đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề cho lao động nữ, chú trọng lao động tay nghề cao, ngành nghề mà phụ nữ có thể mạnh, ngành nghề có khả năng dịch chuyển trong ASEAN,…
Đồng thời, tăng cường vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt tích cực chia sẻ với quốc tế những kinh nghiệm, thành tựu của Việt Nam và sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực an ninh truyền thống (hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, tái thiết đất nước, tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình...) cũng như an ninh phi truyền thống (ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, di cư an toàn...). Phối hợp với các tổ chức phụ nữ khu vực và quốc tế để lên tiếng góp phần gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác trên thế giới. Phối hợp nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, tiến cử phụ nữ tham gia các tổ chức, cơ chế hợp tác về an ninh, chính trị của khu vực và thế giới. Tôn vinh phụ nữ tham gia lĩnh vực an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Tăng cường sự tham gia hiệu quả của phụ nữ tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế,...
Nhận thức sâu sắc về cơ hội, thách thức của hội nhập quốc tế cũng như vai trò, vị trí của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại, hơn ai hết, các cấp hội Phụ nữ đang tích cực triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và coi đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, mà trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò nòng cốt là tổ chức đại diện cho các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, phấn đấu trở thành tổ chức có tầm ảnh hưởng trong khu vực, quốc tế.
Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, mỗi cán bộ hội, hội viên, phụ nữ và cộng đồng cần phải nâng cao nhận thức của mình về hội nhập quốc tế. Mỗi cán bộ hội, đặc biệt là cán bộ đối ngoại chuyên trách cần tăng cường năng lực hội nhập quốc tế. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia, tình nguyện viên, tổ chức quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị, điều hành và tổ chức hoạt động hội. Đặc biệt, mỗi cấp hội hiện nay cần chú trọng đầu tư hiệu quả cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế theo cả bề rộng và chiều sâu; xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho phụ nữ trong hội nhập quốc tế; tăng cường vận động nguồn lực phục vụ công tác hội nhập quốc tế. Đồng thời, các cấp hội chủ động đưa vào kế hoạch hoạt động hằng năm để đề xuất chính quyền các cấp tạo điều kiện về nguồn lực cho các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế; tiếp cận và vận động tài trợ quốc tế, vận động kinh phí xã hội hoá từ doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước.
Ngọc Anh