Vấn đề về quyền và tự do trên in-tơ-nét

Pháp luật quốc tế về các quyền và tự do trên in-tơ-nét

Các quyền con người trên không gian mạng có thể được hiểu là các quyền và tự do cơ bản của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa được thể hiện trên không gian in-tơ-nét, có thể gọi chung là tự do in-tơ-nét. Nguyên tắc cơ bản của luật nhân quyền quốc tế là mọi người đều có quyền tự do biểu đạt mà không bị can thiệp (Điều 19). Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế năm 1948 (UDHR) và khoản 1 điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 (ICCPR). Khoản 2 điều 19 ICCPR quy định quyền biểu đạt được thực hiện bằng bất cứ hình thức nào và phương tiện nào: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức truyền đạt bằng miệng, bằng bản viết, in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Tại thời điểm đó in-tơ-nét chưa xuất hiện, nhưng in-tơ-nét là một hình thức biểu đạt, một công nghệ thể hiện, một phương tiện thông tin đại chúng và kết nối cộng đồng, vì thế quy định của UDHR và ICCPR cũng đã bao gồm quyền và tự do biểu đạt cả trực tuyến và trực tiếp.

Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về quyền và tự do in-tơ-nét như Nghị quyết số 12/16 ngày 2-10-2009 về việc bảo đảm thực hiện các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, Nghị quyết số 23/2 ngày 13-6-2013 về vai trò của tự do ngôn luận và biểu đạt trong việc tăng quyền cho phụ nữ, Nghị quyết A/HRC/32/L20 ngày 27-7-2016 của Hội đồng Nhân quyền nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do thông tin và tự do biểu đạt quan điểm, ý kiến trên in-tơ-nét… Có thể khẳng định rằng quyền và tự do in-tơ-nét là một quyền tự do thiêng liêng, cần được cộng đồng quốc tế và các quốc gia ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

Theo quy định của Luật Nhân quyền quốc tế (Khoản 1 và 2 điều 19 ICCPR) thì tự do biểu đạt nói chung và kể cả trên in-tơ-nét nói riêng là một quyền con người cơ bản mà các quốc gia phải bảo đảm thực thi. Mặc dù vậy theo quy định tại khoản 3 Điều 19 ICCPR thì quyền tự do biểu đạt có thể phải chịu những hạn chế nhất định, nhưng không thể tùy tiện mà phải được quy định trong Luật và chỉ để nhằm tôn trọng các quyền và tự do của người khác, sức khỏe cộng đồng hoặc đạo đức xã hội, vì lý do an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng. Theo quy định tại Điều 20 ICCPR thì tôn trọng quyền và tự do ngôn luận nhưng phải cấm tuyên truyền chiến tranh, phân biệt đối xử hoặc gây hằn thù dân tộc, chủng tộc, tôn giáo hoặc kích động bạo lực, thù địch.

Một báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Úc cho rằng, thách thức lớn nhất đối với các nhà nước thường gặp và phải xử lý là những phát ngôn, thông tin thù hận với chính quyền trên không gian mạng. Những thách thức về quyền và tự do in-tơ-nét được thể hiện ở 6 nội dung cụ thể: Một là, mức độ rộng rãi của những thông tin thù hận; Hai là, sự tương tác, tương ứng giữa những thông tin thù hận trên mạng với những hành vi chống đối ngoài môi trường mạng; Ba là, xác định ranh giới giữa việc bảo đảm quyền tự do thông tin với việc vi phạm pháp luật; Bốn là, xác định ranh giới giữa “công luận” và quyền riêng tư trong thế giới ảo; Năm là, mức độ biện pháp cần sử dụng để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các thông tin thù địch; Sáu là, chính sách và pháp luật để bảo đảm xây dựng môi trường mạng an toàn cho trẻ em. Sáu thách thức trên đây đặt ra cho nhà nước phải xác định rõ ràng và chuẩn xác các điểm cân bằng mới giữa quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận với các lợi ích chung của cộng đồng trên không gian mạng.

Nội luật hoá các công ước quốc tế

Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng in-tơ-nét cao nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng in-tơ-nét theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Năm 1982 Việt Nam tham gia ICCPR và Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR), thừa nhận các giá trị pháp lý về quyền con người trong Luật Nhân quyền quốc tế, trong đó có các quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến. Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam là thành viên tích cực thực hiện các cam kết trong thực thi các quyền con người.

Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện và mở rộng quyền và tự do in-tơ-nét là cam kết của Việt Nam để thực hiện thành công Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đến năm 2030 (SDGs) của LHQ, do các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Việt Nam và gần 200 quốc gia thông qua năm 2015 nhằm bảo đảm không một người dân nào phải chịu thiệt thòi do không được cung cấp hoặc trang bị in-tơ-nét.

Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp đã được quy định ngay từ Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được tái quy định trong tất cả các bản Hiến pháp sau đó. Quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận và bảo vệ trong Chương 2 Hiến pháp năm 2013, trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng 2018 và nhiều luật quan trọng khác của Việt Nam. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Tiếp cận thông tin ban hành năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, quy định cụ thể chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, chủ thể và trách nhiệm cung cấp thông tin, trình tự và thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin, phạm vi thông tin được tiếp cận, các hành vi bị nghiêm cấm… Luật Tiếp cận thông tin có ý nghĩa và giá trị pháp lý quan trọng thực hiện quyền và tự do in-tơ-nét, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân khi tham gia không gian mạng. Luật An ninh mạng ban hành ngày 12-6-2018 thay thế Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và tự do in-tơ-nét thông qua các hệ thống các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông và in-tơ-nét. Một trong những điểm gây chú ý nhiều của Luật An ninh mạng là quy định tại Điều 29 về tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng, trong đó xác định rõ ràng các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng. Việc đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ quyền riêng tư và các quyền con người khác trên không gian mạng cũng được Luật An ninh mạng lựa chọn làm đối tượng điều chỉnh.

Tuy vậy vẫn cần tiếp cận quyền và tự do in-tơ-nét một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Dù sao quyền tiếp cận thông tin và an ninh mạng cũng chỉ mới là một bộ phận của quyền tự do thông tin, tự do in-tơ-nét và cách tiếp cận pháp lý của các luật trên lĩnh vực này vẫn dưới góc độ quản lý nhà nước là chủ yếu. Khung pháp lý về quyền và tự do internet cần tập trung nhiều hơn đến bảo vệ danh dự nhân phẩm và lợi ích cá nhân, bí mật đời tư, quyền sử dụng và thụ hưởng in-tơ-nét. Điều 19 ICCPR xác định: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt”. Một số quyền liên quan tới tự do in-tơ-nét cũng cần được xác định rõ ràng, phù hợp và đầy đủ hơn với tính khả thi cao hơn: quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của Nhà nước; quyền tham gia quản lý nhà nước; quyền dân chủ trực tiếp; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền bày tỏ quan điểm; quyền lập hội; quyền bí mật đời tư, bí mật thư tín… Một số lĩnh vực liên quan đến quyền và tự do in-tơ-nét cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn: báo chí, xuất bản, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, sự công khai , minh bạch trong quản lý nhà nước…

Luật An ninh mạng năm 2018 xác định phạm vi điều chỉnh của Luật là: “Bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Để việc giới hạn quyền là hợp lý và cần thiết thì Luật phải xử lý tốt hơn quan hệ tương quan giữa quyền và tự do in-tơ-nét với các quyền con người khác được thể hiện trong cùng một chủ thể là con người. Không chỉ quy định về hạn chế quyền và các hành vi cấm đoán, Luật cần quy định rõ ràng hệ thống các biện pháp được sử dụng, trong đó có các biện pháp hạn chế, giới hạn tự do đồng thời xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các chủ thể khi vi phạm. Đặc biệt, Luật cần xác định rõ hơn trách nhiệm pháp lý của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và tạo điều kiện tốt hơn để các chủ thể có thể dễ dàng cùng tham gia bảo vệ và bảo đảm thực hiện tự do in-tơ-nét, cụ thể hóa rõ ràng hơn quy định tại khoản 2 Điều 4: “Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc”. Bên cạnh việc phòng và chống những hành vi vi phạm an ninh mạng thì cần bám sát mục tiêu của LHQ là bảo vệ và gia tăng các quyền và tự do cho con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt trên in-tơ-nét.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và kỹ thuật số, nhiều khi có những nhà nước đã tỏ ra “bất lực” trước thách thức. Tuy nhiên không ít nhà nước thông minh đã biết cách thích ứng và nắm bắt cơ hội để tận dụng quản trị mạng xã hội, thậm chí thay thế nhiều chức năng nhiệm vụ và hoạt động cụ thể của nhà nước, khẳng định được các giá trị phát triển bền vững của quản trị nhà nước phù hợp với không gian mạng, bằng cách xây dựng các bộ quy tắc xử sự phù hợp.

Mặc dù đã được quy định trong Hiến pháp và Luật, nhưng quyền và tự do in-tơ-nét vẫn đang là vấn đề thời sự nóng bỏng và là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi. In-tơ-nét giờ đây đã trở thành công cụ quen thuộc và không thể thiếu của đa số người dân Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, giải trí, quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh.... Không gian mạng và những thách thức của công nghệ 4.0 càng đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ và đúng đắn để bảo đảm quyền và tự do in-tơ-nét. Cần tiến tới bảo đảm môi trường pháp lý cho in-tơ-nét trên cơ sở quyền và tự do của con người. Quyền và tự do in-tơ-nét đã đến lúc trở thành một mục tiêu và động lực của phát triển và phát triển bền vững đất nước, vì dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ, văn minh.

Khoản 3 Điều 4 Luật An ninh mạng 2018 xác định: “Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng”. Nguyên tắc này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thiết lập một cơ chế xử lý hài hòa giữa những quy định giới hạn quyền với việc bảo đảm quyền và tự do in-tơ-nét. 


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất