|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi đối tượng người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (Ảnh: Người lao động).
|
Dự kiến trao hơn 121.000 suất quà dành tặng người có công
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023). Theo đó, Hà Nội dự kiến trao 121.215 suất quà tới các đối tượng với tổng kinh phí hơn 192,8 tỷ đồng.
Mức quà cá nhân (bằng tiền mặt) 2.000.000 đồng/người tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên.
Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi) và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp được tặng quà mức 2.000.000 đồng tiền mặt.
Mức quà (bằng tiền mặt) 1.000.000 đồng/người tặng đại diện thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/1 suất quà).
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng tặng quà các đơn vị, trung tâm nuôi dưỡng người có công, ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà một số đơn vị, cá nhân tiêu biểu...
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thăm hỏi, tặng quà bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, trục lợi chính sách, chi trả tặng quà không đầy đủ theo quy định. Cùng với đó, các địa phương cũng huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người có công và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Đồng thời, trong 3 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết trên 5.276 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 18,7 tỷ đồng (riêng tháng 3, tiếp nhận và giải quyết 1.500 hồ sơ với kinh phí thực hiện khoảng 5,7 tỷ đồng). Tổng kinh phí quý I-2023 chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 506,1 tỷ đồng.
Chi trợ cấp BHXH hơn 3000 tỷ đồng/tháng
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, toàn thành phố có hơn 590.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng/tháng, lớn nhất cả nước.
Theo đó, đợt 1, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội sẽ lập danh sách chi trả cho các trường hợp đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và các trường hợp đã được ban hành quyết định hưởng mới; tiếp nhận chuyển đến từ bảo hiểm xã hội tỉnh khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân tính đến hết ngày 27 hằng tháng.
Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội hoàn thành việc lập và chuyển danh sách chi trả vào ngày 28 hằng tháng (nếu trùng vào ngày nghỉ thì thực hiện vào ngày làm việc cuối cùng trước ngày nghỉ).
Đợt 2, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội lập danh sách chi trả lương hưu, trợ cấp bổ sung cho các trường hợp có quyết định hưởng mới; tiếp nhận chuyển đến từ Bảo hiểm xã hội tỉnh khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân chuyển đến từ ngày 28 hằng tháng đến hết giờ hành chính ngày làm việc cuối cùng của tháng.
Bảo hiểm xã hội các quận, huyện cần phối hợp với cơ quan Bưu điện thực hiện quyết toán đầy đủ số đã chi trả, số chậm lĩnh chưa nhận để cập nhật dữ liệu vào danh sách chi trả tháng sau.
Để quá trình chi trả lương hưu, trợ cấp được thuận lợi, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội yêu cầu Bảo hiểm xã hội các quận, huyện phối hợp với Bưu điện thông báo kế hoạch chi trả đến người hưởng.
Mặt khác, yêu cầu Bưu điện tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đến nhận. Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cũng khuyến nghị người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng nên nhận qua tài khoản cá nhân để được hưởng nhanh chóng, tiện lợi.
Hỗ trợ 2.000 đoàn viên, người lao động khó khăn
Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, nhân dịp Tháng Công nhân 2023 (tháng 5) và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ hỗ trợ 2.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Mức hỗ trợ là 1.000.000đ/người từ nguồn tài chính của Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội.
Theo đó, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc rà soát số lượng đoàn viên, người lao động để hỗ trợ. Đối tượng là đoàn viên Công đoàn, người lao động trực thuộc các cấp, công nhân lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn nhưng đã đóng kinh phí Công đoàn theo quy định.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc căn cứ đặc thù từng địa phương, đơn vị xây dựng tiêu chí để áp dụng thực hiện lựa chọn đoàn viên, người lao động khó khăn nhất đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ (theo số lượng phân bổ). Đoàn viên, người lao động đã được hỗ trợ bằng tiền theo Kế hoạch 60/KH LĐLĐ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và Kế hoạch 71/KH-LĐLĐ dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tổng kết phong trào thi đua "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà" năm 2022 không thuộc đối tượng hỗ trợ từ nguồn Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội.
Cũng trong dịp này, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ nguồn lực tài chính hiện có và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đảm bảo thiết thực, phù hợp.
PV