Những khó khăn cần tháo gỡ
Người DTTS hầu hết sinh sống ở vùng núi sâu, vùng xa khiến công tác bảo đảm quyền giáo dục gặp nhiều thách thức, bất cập.
Giao thông khó khăn là trở ngại không nhỏ khiến cho việc tiếp cận giáo dục của người dân gặp hạn chế. Các cung đường miền núi xa xôi, hiểm trở, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm; nhiều nơi còn thiếu hạ tầng giao thông cơ bản như cầu, đường khiến cho việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt, vẫn còn tình trạng trẻ em phải qua sông bằng những cây cầu thiếu chắc chắn, chui vào túi nilon, đu dây vượt sông đến lớp; phương tiện giao thông thiếu thốn.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, năm 2019, vùng DTTS còn 5,2% thôn chưa có đường giao thông đến xã, huyện được rải nhựa, bê tông hay sỏi, đá; khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học và THCS gần nhất của đồng bào DTTS lần lượt là 2,2km và 3,7km; còn 10,9 % tỷ lệ hộ DTTS chưa có mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện phục vụ sinh hoạt cũng như làm phương tiện đưa đón con đi học hàng ngày. Vấn đề phủ lưới điện quốc gia cũng là một tồn tại cần giải quyết. Tính đến năm 2019, còn 1,4% thôn thuộc vùng DTTS không có điện lưới quốc gia.
Trường học một số nơi vẫn còn tạm bợ, thiếu cơ sở vật chất, ứng thành tựu khoa học công nghệ còn hạn chế. Năm 2019, vẫn còn 16,3% địa bàn đồng bào DTTS khu vực biên giới chưa có phòng học kiên cố, đặc biệt là ở một số tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ như: Bắc Kạn là 26%; Tuyên Quang 25,8%; Điện Biên 24,6%; Đắk Lắk 20,9%; Hậu Giang 29,5%...
|
Với sự quan tâm đặc biệt đối với vùng DTTS, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng như mở ra “cách cửa” thay đổi tương lai cho trẻ em DTTS. Ảnh: Ngọc Anh.
|
Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; trẻ em nói tiếng dân tộc phải học tiếng phổ thông cũng là một trở ngại không nhỏ; tình trạng trẻ em đi học không đúng độ tuổi còn tồn tại ở tất cả các cấp học (đến năm 2019, tiểu học 3,1%, THCS 18,4%, THPT 53%); tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 80,9%.
Theo thống kê, năm 2019, số hộ DTTS nghèo chiếm 22,3%, hộ cận nghèo chiếm 13,2%. Thu nhập thấp, kinh tế khó khăn là một rào cản đáng kể cho giáo dục phát triển. Trẻ em phải tham gia vào nhiều công việc để thêm thu nhập, phụ giúp gia đình; thậm chí là bỏ học kiếm tiền.
Hôn nhân cận huyết, tảo hôn vẫn còn tồn tại, cùng với đó là những hủ tục lạc hậu chưa được bãi bỏ cũng là nguyên nhân kiềm chế giáo dục vùng DTTS phát triển. Vùng DTTS, tỷ lệ kết hôn cận huyết năm 2018 là 5,6%; năm 2019, tỷ lệ tảo hôn lên tới 21,9%. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của trẻ, nhất là đối với trẻ em gái; làm giảm cơ hội được đi học của các em.
Ở một số địa phương, vai trò của các cấp chính quyền thúc đẩy giáo dục chưa thực sự phát huy hiệu quả mặc dù hệ thống chính sách ưu tiên, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em người DTTS được ban hành khá nhiều; kèm theo đó là việc thực thi, giám sát thực thi có lúc chưa hiệu quả; sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan còn chưa chặt chẽ.
Chính sách đúng đắn, hiệu quả
Với sự quan tâm đặc biệt đối với vùng DTTS, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo cũng như mở ra “cách cửa” thay đổi tương lai cho trẻ em DTTS.
Hiện nay có khoảng 50 văn bản từ luật đến quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTS và miền núi. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng có ý nghĩa thiết thực trong thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo vùng DTTS như: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) nhấn mạnh “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách...”.
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo… Tiến tới phổ cập trung học phổ thông gắn với phân luồng trong giáo dục. Giảm tỷ lệ mù chữ, bỏ học ở miền núi”…
Với chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho trẻ em DTTS được đến trường, nhiều học sinh thuộc các trường dân tộc nội trú (DTNT) được miễn học phí và hưởng chính sách học bổng… Thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ, tính riêng năm 2021, học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ 3.446 tỷ đồng. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp bình quân mỗi năm học khoảng 68.556 tấn gạo để hỗ trợ cho học sinh bán trú.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 7-2017 đến tháng 7-2022, đã có 104.219 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên của 16 DTTS có dân số dưới 10.000 được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9-5-2017 của Chính phủ. Những chính sách trên đã tạo tiền đề, là cơ sở quan trọng để nâng bước trẻ em vùng DTTS đến trường; gỡ bỏ phần nào gánh nặng về kinh tế cho các hộ dân, tạo cơ hội cho các em được đi học.
Bên cạnh đó, hệ thống điện, đường giao thông mới đã được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Đến nay, hầu hết các xã vùng núi cao đã có đường trải nhựa chạy đến trung tâm của xã; mạng lưới quốc gia đã được bao phụ rộng khắp, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đến 99% các hộ dân vùng đồng bào DTTS.
Cơ sở vật chất, hệ thống trường từ cấp tiểu học đến THPT được quan tâm, xây dựng khang trang với trang thiết bị đạt tiêu chuẩn phục vụ học tập. Tính đến tháng 9-2021, Đề án củng cố, phát triển các trường PTDT nội trú, các tỉnh, thành phố đã nâng cấp được 935 phòng học thông thường và bộ môn; 631 phòng phục vụ học tập, giáo dục; 2.875 phòng nội trú, 219 công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh… Tính đến hết năm học 2019-2020, toàn quốc có 325 trường PTDT nội trú ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với gần 106 nghìn học sinh; có 1.124 trường PTDT bán trú với hơn 237 nghìn học sinh. Hệ thống 1.097 trường PTDT bán trú được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô gần 186 nghìn học sinh. 15,2% số trường PTDT bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh bán trú hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,9%, cấp trung học cơ sở đạt 92%. Đối với hệ thống trường DTNT, hiện toàn quốc có 318 trường DTNT với 102.757 học sinh.
Cùng với đó, giáo viên người dân tộc và giáo viên biết tiếng dân tộc được đặc biệt quan tâm, thực hiện các chính sách ưu đãi về phụ cấp, tăng thu nhập, bảo đảm điều kiện sống và làm việc. Điều này cũng tạo nên điều kiện để trẻ em DTTS được tiếp cận giáo dục và học tập tốt hơn. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ giáo viên DTTS và miền núi đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ 98,07%. Thực hiện Quyết định số ngày 1625/QĐ-TTg ngày 11-9-2014 Chính phủ, đã chi 5.370 tỷ để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn từ 2014-2020. Tính đến 30/6/2019, đã giải ngân 83,76% tổng số vốn được giao, hoàn thành đưa vào sử dụng 6.795 phòng học.
Để trẻ em DTTS thụ hưởng quyền giáo dục
Để trẻ em người DTTS được hưởng thụ đầy đủ các giá trị của nền giáo dục nước nhà, có điều kiện phát triển toàn diện, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và nhân dân về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển giáo dục ở vùng DTTS. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về quan tâm, chăm lo giáo dục cho trẻ em người DTTS, xem đây là động lực phát triển bền vững ở địa phương. Tập trung, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đến các hộ nghèo về vai trò, tác dụng của giáo dục đối với việc thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục đối với DTTS và vùng đồng bào DTTS đảm bảo tính khoa học, khả năng thực thi với từng khu vực, từng vùng miền.
Ba là, huy động tối đa mọi nguồn lực, đầu tư cở sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục, đào tạo vùng DTTS. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước để phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm thân thiện với trẻ, tạo ra môi trường học tập an toàn, thuận lợi cho trẻ. Tăng cường xã hội hóa nguồn vốn, kêu gọi sự chung tay, trách nhiệm cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp tạo điều kiện cho trẻ em DTTS đến trường.
Bốn là, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác giáo dục tại vùng DTTS. Có cơ chế khuyến khích, thu hút đội ngũ giáo viên bám thôn, bản cũng như chính sách hỗ trợ người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xây dựng kế hoạch, xác định quy trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ, giáo viên người DTTS công tác phù hợp theo từng địa bàn.
Năm là, tối ưu hóa, đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đào tạo vùng DTTS. Xây dựng, hoàn chỉnh các chương trình và phương pháp dạy học phù hợp với học sinh của từng dân tộc, từng vùng. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các điều kiện thực tế để có phương án tăng cường kiến thức; có cơ chế hỗ trợ riêng học sinh người DTTS. Quy định hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS. Tăng cường giáo dục song ngữ, vừa sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ, vừa sử dụng thông thạo, lưu loát tiếng phổ thông.
Sáu là, phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng DTTS động viên các hộ gia đình tạo điều kiện cho con em được tiếp cận giáo dục. Chú trọng lan tỏa các giá trị của hương ước, quy ước của thôn bản, dòng họ nhằm khuyến khích cổ vũ cho trẻ em DTTS học tập tiến bộ; từng bước khắc phục, loại bỏ những hủ tục lạc hậu không để trở thành các rào cản ngăn bước trẻ em DTTS đến trường.
Hiện nay, có khoảng 50 văn bản từ luật đến quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người DTTS và miền núi. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng có ý nghĩa thiết thực trong thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo vùng DTTS. |
Quang Thành
Đức Thành