|
Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. (Ảnh: dangcongsan.vn).
|
Thiếu tính đồng bộ với các luật, điều ước liên quan
Từ khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2012) đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ, không chỉ tạo thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, trấn áp tội phạm mua bán người, mà còn là cơ sở để bảo đảm tốt hơn quyền của người bị mua bán.
Tính từ ngày 1-1-2011 đến tháng 2-2023, đã khởi tố 1.744 vụ án, 3.059 bị can về mua bán người (100% được kiểm sát theo quy định); Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.661 vụ, 3.209 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 1.634 vụ (đạt 98,4%), 3.137 bị cáo (đạt 97,8%). Việc xác định, hỗ trợ nạn nhân đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ quyền con người, nạn nhân bị mua bán.
Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân về nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, y tế, tâm lý; trợ giúp pháp lý; học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật có ý nghĩa to lớn, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người, đồng thời thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, với sự biến đổi không ngừng của thực tiễn, Luật hiện hành đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập, vướng mắc, gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Một số quy định của Luật hiện hành không đồng bộ và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau. Việc xác định nạn nhân bị mua bán của Luật được quy định theo Điều 119, Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23-7-2013. Tuy nhiên, tội phạm mua bán người đã được sửa đổi tại Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11-1-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, dẫn đến căn cứ xác định nạn nhân của Luật chưa thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), gây khó khăn trong việc xác định nạn nhân, không giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng bị mua bán.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành còn một số quy định chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Định nghĩa về hành vi "mua bán người" giữa Điều 3 Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn khác biệt dẫn đến nhiều trường hợp phía nước ngoài xem là nạn nhân bị mua bán (theo phán quyết của Tòa án) nhưng theo pháp luật Việt Nam lại chưa đủ cơ sở xác định nạn nhân (ví dụ như trường hợp ngư dân Việt Nam bị phía Thái Lan xem là nạn nhân bị mua bán trên tàu cá).
Chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn. Việc hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân hiện nay mới chỉ được áp dụng trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân bị sang chấn về mặt tâm lý kéo dài, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho cơ quan chức năng hoặc sau khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu chỉ áp dụng với nạn nhân thuộc hộ nghèo; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu còn thấp (1.000.000 đồng/người), không bảo đảm cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng khi về địa phương; trong khi đó, trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ chưa được quy định cụ thể trong Luật nên áp dụng chưa thống nhất…
Một số vấn đề, chế độ chưa được luật hóa cũng như quy định tại các văn bản dưới luật khiến cho việc thực thi gặp nhiều khó khăn. Luật hiện hành chưa quy định hỗ trợ đối với người đang trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân, trong khi trên thực tế, những người này cần được hỗ trợ một số điều kiện thiết yếu như ăn, mặc, ở, y tế, hỗ trợ tâm lý…
Thời gian qua, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, các cơ quan chức năng đã tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên nhưng do Luật không quy định nên không có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện và chi ngân sách Nhà nước. Chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận, lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, còn tồn tại sự mâu thuẫn, chưa phù hợp giữa các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Cơ quan được giao quyết định hỗ trợ văn hóa, học nghề theo quy định của Luật hiện hành và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11-1-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật còn khác nhau; không thống nhất về quy định người được trợ giúp pháp lý giữa Điều 36 Luật hiện hành với khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Chưa có cơ sở pháp lý về các tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế và hỗ trợ khác cho nạn nhân. Khoản 2 Điều 40 Luật quy định về tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân nhưng quá trình thực hiện Luật cho thấy, chưa có tổ chức, cá nhân nào xin cấp phép thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; nhưng, thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và việc xây dựng, thí điểm các mô hình trong Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, cũng như sự chủ động của các tỉnh, thành phố, một số cơ sở, địa điểm đã được thành lập với chức năng hỗ trợ nạn nhân như: Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang; Ngôi nhà bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển … Sự thiếu sót về cơ sở pháp lý này làm ảnh hưởng đến nguồn lực tham gia hỗ trợ và công tác phòng, chống mua bán người.
Thời gian tới, tình hình mua bán người vẫn sẽ diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng về số vụ, số nạn nhân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt trong khi tình trạng nghèo đói diễn ra với xu hướng tăng khiến hoạt động tội phạm mua bán người càng thêm phức tạp. Nạn nhân của tội phạm mua bán người phải chịu những tổn thất lớn về sức khỏe, tâm, sinh lý. Hậu quả của hành vi mua bán người không chỉ tác động đến cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Trước tình hình nêu trên và để khắc phục những khó khăn, bất cập trong quy định của Luật trong thời gian qua; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, nâng cao hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân thì việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.
Lấy nạn nhân bị mua bán làm trung tâm
Để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống mua bán người và khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật thời gian qua, việc sửa đổi Luật cần thực hiện theo các định hướng sau:
Một là, về phạm vi sửa đổi, dự án Luật (sửa đổi) cần sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định trong Luật hiện hành nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan (Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021)...).
Hai là, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán để thống nhất nhận thức trong phòng, chống mua bán người, đặc biệt; tạo cơ sở pháp lý cho công tác hỗ trợ và thực hiện chế độ, chính sách ngay từ đầu đối với nạn nhân; hỗ trợ các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ án mua bán người. Các cơ sở này phải cụ thể; được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, thống nhất với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng như Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia năm 2020).
Ba là, bổ sung chế độ hỗ trợ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán nhằm bảo đảm tốt hơn quyền cho đối tượng này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người theo hướng: người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, y tế, tâm lý, pháp lý, phiên dịch…; quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ các đối tượng này.
Bốn là, hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và một số đối tượng liên quan (trẻ nhỏ, thân nhân) theo hướng nâng mức trợ cấp khó khăn ban đầu, cho vay vốn với thủ tục đơn giản, nhanh chóng; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán.
Năm là, bổ sung quy định về việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập cơ sở hỗ nhằm huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân; góp phần thể hiện cam kết của Việt Nam cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý cơ sở đang thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hiện nay.
Sáu là, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người. Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý chung; Bộ Công an chủ trì; các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp (theo chức năng, nhiệm vụ) với Bộ Công an để thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Bảy là, xây dựng các quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước ta, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, đổi sung năm 2021), Luật Điều ước quốc tế năm 2016, cũng như pháp luật, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; xác định rõ cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.