|
Các phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho các đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022.
|
Những "mặt nạ" ẩn danh
Trong nhiều năm qua, chính giới phương Tây đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn chính trị để điều khiển, chi phối, khống chế hệ thống báo chí truyền thông và các phương tiện truyền thông xã hội ngày một cách vừa tinh vi, vừa trắng trợn hơn, không chỉ ở quy mô một quốc gia, mà còn trên quy mô toàn cầu để can thiệp vào an ninh và công việc nội bộ của nước khác, nhất là các quốc gia có sự khác biệt về ý thức hệ.
Cùng với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống như báo chí..., các phương tiện truyền thông mới, trong đó có các phương tiện truyền thông xã hội (Social media), hiện cũng được chính giới phương Tây lợi dụng triệt để để củng cố quyền lực chính trị và thúc đẩy đấu tranh ý thức hệ trong kỷ nguyên số.
Nhiều tổ chức truyền thông đặt ở nước ngoài ban hành riêng những hướng dẫn công chúng báo chí các kỹ năng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để trở thành “nhà báo công dân” như: RFA hướng dẫn cách áp dụng công cụ StoryMaker để công chúng tự thực hiện các bản tin và phóng sự...
Trong vô vàn các “nhà báo công dân” đó, họ chiêu dụ, gây dựng những “ngọn cờ” nòng cốt, làm "bút nô" viết bài xuyên tạc chống phá ta trên các phương tiện truyền thông xã hội như những cái tên "nổi danh": Trương Duy Nhất, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phạm Chí Dũng, Nguyễn Hữu Vinh (anh Ba Sàm), Nguyễn Vũ Bình...
Thay vì chỉ những bài viết thô tục, sặc mùi chợ búa trước đây, chúng còn chuyển sang khoác áo “trí thức cấp tiến” để viết bài xảo biện ngày càng tinh vi, lắt léo hơn, mượn danh nghĩa “phản biện khoa học”, thậm chí thành lập hẳn những tạp chí giả khoa học, dân chủ, như “Luật khoa Tạp chí” của Trịnh Hội, Phạm Đoan Trang, Trịnh Hữu Long - những đối tượng công khai chống đối ta, đứng đằng sau là Việt Tân, VOICE - để đánh lừa độc giả, tạo diễn đàn dụ dỗ cả những đối tượng bất mãn chính trị hay non nớt chính trị tham gia, nhất là nhắm vào những đối tượng thường dao động, nghiêng ngả lập trường.
Những bài viết này được chúng ngụy trang bằng lớp vỏ bọc bày tỏ các “tư tưởng cấp tiến”, nhưng bản chất là lấy quan điểm, tiêu chuẩn phương Tây để phủ nhận, công kích thẳng vào hệ thống luật pháp và hệ tư tưởng của ta; cố tình bịa đặt hòng gây chia rẽ, mâu thuẫn giữa Việt Nam và các nước khác.
Nguy hiểm hơn, chúng mang mặt nạ trao đổi, dịch thuật khoa học, chúng còn sử dụng những trang web có các bài viết chứa nội dung chống phá ta được cài ẩn rất kín, thậm chí nhiều tờ báo của ta còn trích dẫn lại hay ngộ nhận ca ngợi. Các website này đều tích hợp các nền tảng mạng xã hội như Facebook để kết nối với độc giả và tăng khả năng tập hợp lực lượng ủng hộ.
Các thế lực thù địch đã lợi dụng khả năng số hóa thông tin, tính đa phương tiện và đa tiện ích để ngụy tạo rất nhiều các sản phẩm truyền thông bẩn, độc, phát tán với tần suất, cường độ rất lớn trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là trên YouTube, Facebook, Google+, Blog, Wikipedia...
Nhiều tổ chức, cá nhân phản động tạo hẳn các kênh riêng trên YouTube để chống phá; không ít nội dung trên trang tìm kiếm tri thức nổi tiếng Wikipedia "núp bóng" tự do học thuật để đưa ra thông tin thiếu khách quan, sai lệch, bày tỏ thái độ chính trị thiếu thiện chí với ta... Đặc biệt, chúng ngụy tạo bối cảnh, tình tiết giả và lợi dụng khả năng quay phát trực tiếp trên các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là tính năng Livestream của Facebook) để truyền trực tiếp tới cộng đồng mạng nhằm “tăng tính thuyết phục” của những thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang, nhất là nhằm vào những địa bàn vốn đang là “điểm nóng”, có những xung đột nhất định giữa người dân và chính quyền, từ đó đẩy lên cao tâm trạng bất bình, đi liền với kích động các hành vi chống đối...
Vai trò người cầm bút trên mặt trận đấu tranh chống suy thoái
Trong cuộc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, lực lượng báo chí, truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của mình luôn thể hiện vai trò tiên phong và có những đóng góp hết sức quan trọng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016 xác định rõ: “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”.
Kết luận số 23-KL/TW ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư “về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” xác định 11 nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cơ quan liên quan; đề ra yêu cầu đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Báo chí, truyền thông đã phát huy vai trò của mình, thể hiện trên một số phương diện chủ yếu sau đây:
Một là, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin kịp thời, đa dạng diễn biến, kết quả đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, gương cán bộ, đảng viên vì nước vì dân, với tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy xây” làm cơ bản.
Hai là, tích cực tham gia phát hiện, đưa ra ánh sáng các biểu hiện, hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Trên thực tế, nhiều vụ việc vi phạm được đưa ra ánh sáng là do báo chí, truyền thông phát hiện, đưa tin, đấu tranh, tạo áp lực dư luận mạnh mẽ, thúc đẩy các cơ quan thanh tra, điều tra và xét xử, đưa các vụ việc ra xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Ba là, báo chí, truyền thông định hướng tư tưởng, nhận thức cho công chúng, góp phần giám sát và phản biện xã hội
Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã cung cấp thông tin thời sự về những sự kiện, vấn đề đã và đang xảy ra, có ý nghĩa xã hội, liên quan trực tiếp và gián tiếp tới công tác đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Báo chí công khai thông tin, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, có khả năng huy động nguồn lực xã hội để đấu tranh.
Bốn là, báo chí, truyền thông tích cực đấu tranh, phản bác thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc, đấu tranh với biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và trao cho báo chí nhiều trọng trách, trong đó có nhiệm vụ là lực lượng tiên phong, cất lên tiếng nói đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động.
Trách nhiệm những nhà báo là đảng viên ở nước ngoài
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí, truyền thông nhận dạng các luận điệu sai trái, thù địch, trên cơ sở đó, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tạo sự thống nhất hành động. Đồng thời, bằng những tác phẩm báo chí đa dạng, giàu sức thuyết phục, báo chí truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thành quả cách mạng Việt Nam, văn hóa, con người Việt Nam... giúp toàn xã hội nhận thức đúng, thống nhất tư tưởng, hành động, không có khoảng trống cho các thế lực thù địch chống phá.
Trên mặt trận tư tưởng và truyền thông, các nhà báo là đảng viên ở nước ngoài phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi đây chính là địa bàn của nhiều thế lực thù địch, là "hang ổ" của nhiều tổ chức phản động luôn tìm cách thông tin, tuyên truyền sai lệch, bôi nhọ, bịa đặt về Đảng, Nhà nước và các lãnh đạo Việt Nam, gây chia rẽ, gây mất lòng tin trong nhân dân để từ đó kích động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, dẫn tới tự chuyển hóa và tự diễn biến.
Với đặc điểm công tác ngoài Việt Nam, các nhà báo là đảng viên cần luôn nhớ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, trau dồi đạo đức nghề nghiệp và bản thân, tinh thần yêu nước, luôn tuân theo những điều đảng viên không được làm, luôn cập nhật và nắm rõ tình hình trong nước bao gồm chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có thể phản bác lại những luận điệu của các thế lực thù địch thông qua đấu tranh trực tiếp bằng các phương tiện thông tin đại chúng hoặc gián tiếp bằng cách tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam, người dân nước sở tại một cách đúng đắn và chân thực về thực tiễn đang diễn ra tại Việt Nam.
Các nhà báo là đảng viên ở nước ngoài cần gắn bó chặt chẽ với nhau, sinh hoạt đảng, sinh hoạt nghiệp vụ thường xuyên để liên tục cập nhật, quán triệt các nghị quyết của Đảng, cùng nhau phối hợp nâng cao hiệu quả tuyên truyền cả trong nước, lẫn ở nước sở tại, qua đó góp phần bảo vệ đất nước, quảng bá cho Việt Nam, giúp nâng cao hiểu biết của người dân nước sở tại về Việt Nam, tăng cường quan hệ giữa các nước với Việt Nam để từ đó đánh bại các âm mưu của các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá chúng ta.
Để thực hiện được những điều trên, ngoài các cuộc sinh hoạt định kỳ, các chi bộ báo chí ở nước ngoài có thể kết hợp sinh hoạt đảng với hoạt động nghiệp vụ, thực hiện các chuyến về nguồn, đi thực tế, tổ chức sinh hoạt mở rộng với các chi bộ khác để cùng chia sẻ các hình thức hoạt động đa dạng, thiết thực. Phối hợp cùng các chi bộ khác, đảng bộ khác phát hiện các biểu hiện tiêu cực, các đảng viên có dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" do có thể bị tác động bởi các thế lực thù địch để từ đó kịp thời có các biện pháp xử lý. Ngoài các hoạt động trên, làm báo chính là làm chính trị nên mỗi nhà báo là đảng viên trong nước hay ở nước ngoài đều cần có có những bài viết hiệu quả, có tính phát hiện, tính thuyết phục cao để vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa góp phần đấu tranh với các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, truyền thông.