|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao chứng nhận đặc xá năm 2022 tại Trại giam Vĩnh Quang, thuộc Cục C10, Bộ Công an. Ảnh: VGP.
|
Không bỏ sót đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch
Ngay sau khi có Quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá, Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo đặc xá Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, chặt chẽ, đúng đối tương, điều kiện quy định, không để sai sót và tiêu cực xảy ra. Ban Chỉ đạo Đặc xá của Bộ Công an ban hành nhiều quy định, các văn bản hướng dẫn, xây dựng phần mềm về đặc xá, cấp cho các cơ sở giam giữ có người thuộc diện đặc xá đợt này. Bộ Công an cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác đặc xá. Công an các địa phương đã xây dựng kế hoạch, bám sát nội dung được phân công, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tốt công tác đặc xá ở địa phương, đơn vị mình. Cơ quan thi hành án Công an cấp huyện, trại tạm giam cũng đã nỗ lực triển khai đúng quy định.
Để việc xét duyệt người đủ hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2022 bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, đúng với các quy định của pháp luật và tránh dư luận trái chiều, Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan thi hành án Công an các tỉnh và trại giam, trại tạm giam rà soát các phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị để lập danh sách trích ngang.
Các trại giam đã chủ động ban hành chương trình, kế hoạch triển khai; thực hiện niêm yết công khai tại bảng tin, buồng giam, khu giam, thư viện, nhà thăm gặp, căng tin; phổ biến cho phạm nhân về đối tượng, điều kiện đặc xá năm 2022 để phạm nhân tự liên hệ với bản thân, viết đơn đề nghị đặc xá…
Sau khi các trại giam “chốt” xong danh sách đề nghị đặc xá, các tổ thẩm định liên ngành gồm: Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, MTTQ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thẩm tra từng hồ sơ. Nếu phát hiện có sai sót, chưa đủ điều kiện hoặc phạm nhân tha ra ảnh hưởng đến ANTT sẽ kiến nghị xem xét. Ban Chỉ đạo đặc xá Bộ Công an cũng đã họp, xem xét từng trường hợp. Hội đồng Tư vấn đặc xá cũng xem xét cụ thể các đối tượng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương theo dõi, chỉ đạo hoặc các loại án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Theo đánh giá Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và một số cơ quan liên quan, công tác đặc xá năm nay được thực hiện đúng thời điểm, đúng Hiến pháp và Luật Đặc xá, đúng trình tự thủ tục, bài bản, bảo đảm đúng yêu cầu của Chủ tịch nước là đúng đối tượng, không bỏ sót, không có dư luận xấu và khiếu kiện.
Mong ngày trở về
Một trong 39 phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá lần này ở Trại giam Thanh Lâm là bác sĩ Thân Thái Phong, SN 1977, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với mức án 8 năm tù giam. Phong vốn là bác sĩ có tay nghề tốt, nguyên Phó Trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Bộ Y tế. Vì lợi ích cá nhân, anh ta đã làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm giúp đối tượng côn đồ thoát tội. Chỉ với 85 triệu đồng, Phong đã trả giá đắt cho hành vi của mình.
Lúc mới bị bắt, Phong suy sụp, chán nản vô cùng vì bản thân là người được học hành bài bản, có nghề nghiệp ổn định, chỉ vì hám lợi trước mắt nên đã đánh mất tất cả. Bị kết án 8 năm, thi hành án ở Trại giam Thanh Lâm - nơi rừng núi xa xôi, Phong càng chán nản hơn. Thấy Phong như vậy, các cán bộ đã phân tích, động viên nếu không nỗ lực cải tạo thì không thể hưởng khoan hồng, thời gian trở về sẽ xa hơn. Chính sự quan tâm, động viên của các cán bộ đã khiến Phong bình tâm lại, quyết tâm cải tạo tốt hơn.
Nhận thức được sai lầm, Phong hoạt bát, nỗ lực cải tạo hơn. Với chuyên môn của mình, Phong đã hỗ trợ nhiều cho công tác phòng bệnh dịch, bảo vệ môi trường, khám chữa bệnh thông thường cho các phạm nhân. “Do tôi bị tội nhận hối lộ, không liên quan đến chuyên môn nên không bị Toà cấm hành nghề. Chính vì vậy, tôi đã sử dụng chuyên môn, khả năng của mình để làm việc, nỗ lực vượt qua lỗi lầm để sớm được trở về”, Phong cho biết. Nhờ cố gắng cải tạo, Phong đã được giảm án 2 lần, mỗi lần 24 tháng.
Một trường hợp khá đặc biệt đó là phạm nhân Lữ Thị Thiên, SN 1988, trú ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An, người dân tộc Khơ mú. Phạm nhân gần như không biết chữ, chỉ biết viết nguệch ngoạc tên mình. Học ít, hiểu biết hạn chế nên khi có người rủ sang Trung Quốc lấy chồng, Thiên đi theo. Khi có đứa con trai được gần một tuổi, Thiên câu kết với các đối tượng khác quay về quê, lừa bán các phụ nữ ở quê sang Trung Quốc. Chính vì vậy, Lữ Thị Thiên bị Công an Quảng Ninh bắt giữ vì phạm tội mua bán người.
Đến nay, Thiên đã chấp hành án được gần 8 năm trong tổng số án 11 năm, đủ điều kiện được đề nghị đặc xá. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con trai chưa đầy một năm tuổi của Thiên phải theo mẹ vào Trại. Thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến, không người thăm nuôi, giúp đỡ nhưng do có con nhỏ nên Ban Giám thị Trại giam đã tạo điều kiện tốt nhất cho Thiên cải tạo, sửa chữa lỗi lầm.
“Ngày Tết, cán bộ cho mẹ con tôi nhiều quà lắm. Bánh trưng này, kẹo, bánh này, sữa, quần áo cho cháu, thịt cá, giò để mẹ con tôi ăn Tết. Ngày thường cán bộ cũng rất quan tâm, những khi con tôi ốm đau đều được cấp thuốc đầy đủ, được các cô quản giáo thường xuyên động viên, cho quà bánh nên cháu rất vui vẻ, không biết mình đang phải sống trong môi trường trại giam” - Thiên cho biết.
Khi cháu đủ 36 tháng, gia đình không có ai đón về nên Trại giam Hoàng Tiến đã gửi cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của TP. Chí Linh (Hải Dương). Đến nay, cháu đã học lớp 2. Chính vì vậy, Thiên luôn háo hức chờ ngày được trở thành công dân tự do, có giấy tờ, được làm việc, nuôi con. Thiên cho biết: “Tôi đi khỏi địa phương sang Trung Quốc từ rất lâu rồi, không có giấy tờ gì. Nay được cấp căn cước công dân (CCCD), tôi mừng lắm. Nếu không được cán bộ đến trại cấp CCCD cho tôi, tôi cũng chưa biết thủ tục thế nào, đến đâu để làm. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã tạo điều kiện cho những người lầm lỗi như chúng tôi”.
Cùng với 6 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam được đề nghị đặc xá, phạm nhân Trần Chánh Đức vui mừng và hồi hộp chờ ngày chính thức nhận được Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước. Với phạm nhân Trần Chánh Đức, do một phút lỡ lầm trong quá khứ đã phạm tội và phải trả giá với mức án 48 tháng tù giam. Ăn năn, hối cải với những lỗi lầm của mình, trong thời gian chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh, phạm nhân Đức đã nỗ lực cải tạo, phấn đấu tốt, mong muốn được làm lại cuộc đời. Với nỗ lực đó, phạm nhân Đức được đề nghị đặc xá tha tù trước thời hạn 18 tháng. “Khi biết được bản thân mình đã được xét đề nghị, chờ quyết định của Chủ tịch nước để được đặc xá trong dịp lễ 2/9 năm nay, tôi đã rất hồi hộp, mong đợi để sớm được về. Tôi mong từng ngày, từng giờ và cảm thấy biết ơn các cán bộ quản giáo đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, trong suốt thời gian tôi chấp hành án tại trại, giúp tôi nhận biết lỗi lầm, ăn năn phấn đấu cải tạo tốt”, phạm nhân Đức chia sẻ.
Hành trang cho cuộc sống mới
Một trong những điểm rất mới về đặc xá năm nay, đó là lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD) phối hợp với các đơn vị chức năng cấp CCCD gắn chíp cho phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được đề nghị đặc xá năm 2022 theo Quyết định của Chủ tịch nước.
Thực hiện chỉ đạo, Cục Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD đã trực tiếp làm việc với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH về việc cấp CCCD cho người được đặc xá; chuyển danh sách các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá cùng với dữ liệu phạm nhân liên quan để chủ động thu thập dữ liệu dân cư, làm các thủ tục cấp CCCD cho người được đặc xá kịp thời; chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương trong việc thu nhận hồ sơ phục vụ việc cấp CCCD nhanh chóng, thuận lợi, đạt kết quả tốt. Tại Công an các tỉnh, lực lượng chức năng đã tập trung lực lượng, khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin từng trường hợp bảo đảm chính xác, đồng thời tổ chức thu nhận hồ sơ CCCD theo quy định.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc thu nhận dữ liệu, cấp CCCD cho người được đặc xá là một trong những công tác chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân; để khi họ trở về nhà có đầy đủ giấy tờ để sử dụng giao dịch trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Cùng với việc làm CCCD, các đơn vị giam giữ đã tổ chức các lớp học tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá. Theo đó, trong 15 ngày, các phạm nhân này được miễn lao động để tập trung cho việc học. Các bài học về Luật Giao thông đường bộ; Luật Cư trú; Luật CCCD; Luật An ninh mạng; quyền và nghĩa vụ công dân và các quy định đối với người được đặc xá, tha tù …; phối hợp tuyên truyền về HIV/AIDS; dịch bệnh COVID-19; bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, các cán bộ cũng nói chuyện thời sự về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và một số địa phương, để sau khi trở về cộng đồng, các phạm nhân không bỡ ngỡ. Đặc biệt, các cán bộ cũng hướng dẫn phạm nhân vận dụng nghề đã học trong trại để làm việc, kiếm sống hoặc làm những công việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.
Đại tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước cho biết: “Ngoài việc tổ chức các lớp học về kiến thức pháp luật cho phạm nhân, chúng tôi còn chiếu phim tài liệu về gương các phạm nhân đã hoàn lương, biết vươn lên làm lại cuộc đời, hiện đã có cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, chúng tôi liên hệ với Công an các địa phương có các phạm nhân được đề nghị đặc xá, hỗ trợ họ tái hoà nhập cộng đồng”.
Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát QLTG, CSGDBB, TGD phối hợp với các đơn vị chức năng cấp CCCD gắn chíp cho phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được đề nghị đặc xá năm 2022 theo quyết định của Chủ tịch nước. |
Phương Thuỷ