Vấn đề bình đẳng giới trong môi trường số

Nguyễn Thanh Thảo Trưởng Phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông

Tác động với việc thực hiện bình đẳng giới

Theo Báo cáo khoảng cách số về giới năm 2022, gần 2/3 dân số thế giới sử dụng in-tơ-nét và công nghệ số để truy cập mạng xã hội, các dịch vụ số do chính phủ các quốc gia, doanh nghiệp cung cấp.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong quá trình chuyển đổi số, ở các quốc gia đang phát triển, khoảng cách về kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trên toàn cầu, 62% nam giới sử dụng in-tơ-nét, trong khi đối với nữ giới là 57%.

Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định cụ thể về bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, các biện pháp thúc đẩy mình đẳng giới. Trong công cuộc chuyển đổi số, xu hướng số hóa, đưa hoạt động thuộc các lĩnh này này lên môi trường số đang diễn ra, điều này có nghĩa rằng chuyển đổi số tác động tới quá trình thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta cũng như các quốc gia khác trên thế giới, trong đó, có cả vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.

Báo cáo tương lai về việc làm tại Diễn đàn kinh tế thế giới chỉ ra rằng, cả nam giới và phụ nữ đều bị tác động tới việc làm trong xu thế chuyển đổi số, trong đó, xu hướng thất nghiệp nhiều hơn đối với nam giới trong các lĩnh vực mà nam giới chiếm ưu thế như sản xuất, xây dựng và lắp đặt; nhiều hơn đối với nữ giới trong các lĩnh vực nữ giới chiếm ưu thế như: việc làm ở các trung tâm chăm sóc khách hàng, lĩnh vực bán lẻ và hành chính, các quy trình giản đơn trong sản xuất. Trong xu hướng phát triển này, con người dần được giải phóng sức lao động, một số công việc trước đây do con người đảm nhiệm, dần sẽ được máy móc làm thay, đặc biệt trong những ngành nghề sử dụng lao động giản đơn, thậm chí ngay cả một số công việc văn phòng cũng có xu hướng được giải phóng bằng cách tích hợp các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trên các nền tảng số.

Các nghiên cứu đánh giá tác động của chuyển đổi số, cũng chỉ ra rằng lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất.

Các nghiên cứu đánh giá tác động của chuyển đổi số chỉ ra rằng lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nghiên cứu về thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới, cho rằng những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa có mức độ rủi ro cao nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn bán lẻ. Số việc làm phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng bị tác động dịch chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới, những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất là dệt may và da giày, chế biến… là những lĩnh vực lao động nữ chiếm đa số từ 80% đến 90%.

Phụ nữ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Các nghiên cứu đánh giá tác động của chuyển đổi số, cũng chỉ ra rằng lao động nữ sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất, do phụ nữ phải đối mặt với những vấn đề về trình độ chuyên môn, kỹ thuật và những ràng buộc liên quan tới gia đình; các công việc giản đơn phụ nữ chiếm đa số; các rào cản, định kiến xã hội; phụ nữ còn chịu tác động bởi gánh nặng bảo đảm an sinh xã hội của các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, họ là đối tượng có nguy cơ bị cắt giảm, mất việc làm trước tiên trước áp lực bảo đảm nguồn lực, tài chính cho tổ chức, doanh nghiệp, ngay cả khi chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Trong xu thế chuyển đổi các hoạt động lên môi trường số, các dịch vụ cung cấp trên môi trường số được quan tâm hơn môi trường thực, trong khi phụ nữ, trẻ em gái vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng và tương tác với công nghệ số do tác động bởi các chuẩn mực xã hội đối với phụ nữ; các chương trình giáo dục giảng dạy kỹ năng số có thể chưa đủ độ khuyến khích, kích thích nhu cầu tham gia môi trường số,… dẫn tới phụ nữ dễ bị tác động hơn, có nguy cơ không tiếp cận, sử dụng được các dịch vụ số.

Phụ nữ, trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực giới trên môi trường số. Do còn bị hạn chế về năng lực tiếp cận, sử dụng các thiết bị số, kỹ năng số trên môi trường số nên phụ nữ, trẻ em gái cũng dễ bị các hành vi bạo lực giới trên các nền tảng trực tuyến, các ứng dụng tin tức, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… Các hành vi bạo lực giới trên môi trường số như: gửi tin nhắn quấy rối, ảnh chụp lén, xúc phạm, phát tán thông tin cá nhân và thậm chí cả hình ảnh, video không được phép của cá nhân. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như rối loạn tâm lý, xa lánh cộng đồng, đau khổ về tinh thần…

Cơ hội cho phụ nữ trong xu thế chuyển đổi số

Ngoài một số tác động nêu trên, chuyển đổi số đem lại nhiều cơ hội và rất quan trọng cho phụ nữ, trong đó kể đến như:

Tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và tài nguyên học tập chất lượng: Chuyển đổi số giúp phụ nữ, trẻ em gái tiếp cận với tài liệu học tập và giáo dục một cách dễ dàng hơn. Các nền tảng học trực tuyến và các tài liệu trực tuyến có thể giúp phụ nữ học tập và phát triển kỹ năng, nghề nghiệp đồng thời giúp họ nâng cao trình độ và cơ hội việc làm. Cơ hội học tập được “bình đẳng” trên môi trường số bất kể khoảng cách địa lý, vùng miền.

Cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng: Chuyển đổi số giúp phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, miền núi có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế từ xa, giúp tăng cường sức khỏe, chăm sóc sức khỏe nữ giới và chăm sóc sức khỏe gia đình. Điều này, thúc đẩy giảm khoảng cách giới về y tế.

Tham gia thị trường lao động tiềm năng: Chuyển đổi số giúp phụ nữ tham gia thị trường việc làm trực tuyến, đồng thời cho phép họ làm việc tại nhà và linh hoạt hơn, giúp cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, khắc phục các ràng buộc về chăm sóc gia đình, con cái. Điều này giúp phụ nữ có thể tham gia vào nền kinh tế một cách tích cực hơn và giảm bớt khoảng cách giới trong việc làm.

Khơi dậy năng lực khởi nghiệp: Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh trực tuyến. Họ có thể tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử, thị trường việc làm trực tuyến để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình.

Giúp tăng cường quyền phụ nữ và giảm bớt khoảng cách giới: Chuyển đổi số giúp phụ nữ có thể giao tiếp và truyền tải thông tin một cách dễ dàng hơn, đồng thời tăng cường quyền phụ nữ và giảm bớt khoảng cách giới trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

Thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực

Với các cơ hội và tác động của chuyển đổi số đối với thực hiện bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nêu trên, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, một số giải pháp căn bản để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới nên được thúc đẩy, bao gồm:

Gắn kết chính sách bình đẳng giới và chính sách chuyển đổi số: Nâng cao nhận thức, gắn kết giữa các nhà hoạch định chính sách về chuyển đổi số, bình đẳng giới trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội của quốc gia, của các bộ, ngành, địa phương với các doanh nghiệp công nghệ số để lồng ghép, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thu hẹp khoảng cách giới về số; thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Trang bị kỹ năng số cho phụ nữ, trẻ em gái để chủ động thích ứng trong chuyển đổi số, nâng cao năng lực tiếp cận, sử dụng công nghệ số: Xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực số cho phụ nữ, bồi dưỡng, huấn luyện kỹ năng số người dân, lực lượng lao động nữ ở cả khu vực nông thôn và thành thị; phát triển các nền tảng số để phổ cập kỹ năng số cho người dân, cung cấp các dịch vụ y tế, môi trường, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, học tập, giải trí... để cải thiện năng lực tiếp cận công nghệ số và in-tơ-nét. Điều này sẽ giúp phụ nữ tăng cường kỹ năng và khả năng sử dụng công nghệ, từ đó giảm bớt khoảng cách giới về số.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ: Chuyển đổi số có thể giúp phụ nữ khởi nghiệp và trở thành những nhà lãnh đạo chuyển đổi số. Chính phủ và các tổ chức có thể tạo điều kiện để giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn lực, đào tạo và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, từ đó giúp họ trở thành những nhà sáng lập công nghệ.

Tăng cường giáo dục STEM: Thúc đẩy mối quan tâm của học sinh nữ ở các cấp học đối với các môn khoa học tự nhiên STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở cả khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. 

Phát triển các ứng dụng, nền tảng số dành riêng cho phụ nữ, trẻ em gái: Các nền tảng số có thể được thiết kế cung cấp trên các kênh số phù hợp để hỗ trợ các nhu cầu riêng biệt của phụ nữ, trẻ em gái bao gồm sức khỏe, giáo dục và an toàn, chống bạo lực giới… Điều này sẽ giúp tăng cường truy cập của phụ nữ đến các dịch vụ và giúp họ nâng cao địa vị xã hội của mình.

Phát triển các nền tảng số: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu để phát triển các dịch vụ tư vấn trực tuyến; nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn về y tế, giáo dục, bình đẳng giới, bạo lực giới; xây dựng, tư vấn chính sách về bình đẳng giới; lắng nghe, nhận biết trên mạng xã hội, môi trường số để cảnh báo, ngăn chặn, kịp thời các tình huống về bạo lực giới; Xây dựng cộng đồng trên không gian số để chia sẻ kinh nghiệm, tình huống nhằm ngăn ngừa bạo lực giới.

Hướng dẫn, trang bị kỹ năng số an toàn: Hướng dẫn, trang bị kỹ năng số an toàn trên nền tảng số, mạng xã hội cho phụ nữ, trẻ em gái và người dân để tránh bạo lực giới trên môi trường số.

Rõ ràng, ngoài các tác động, chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều cơ hội giúp thúc đẩy bình đẳng giới và để thúc đẩy bình đẳng giới bởi công nghệ số, cần có sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan, tổ chức để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, gắn kết chặt chẽ với thực hiện chính sách bình đẳng giới bằng công nghệ số, trang bị kỹ năng số và các nền tảng số an toàn để phụ nữ, trẻ em gái và người dân nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác hiệu quả các dịch vụ số và nắm bắt các cơ hội chuyển đổi số đem lại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất