Phóng viên: Thưa Đại sứ, với kinh nghiệm của Trưởng SOM ASEAN, ông nhận định thế nào về việc ASEAN nhất trí cao đề cử Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025? Nếu đắc cử, chúng ta nên tập trung đóng góp gì cho Cộng đồng?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Xuyên suốt quá trình phát triển, ASEAN luôn chú trọng QCN. Từ khi khởi thảo Hiến chương ASEAN và bước cao hơn là thành lập Cộng đồng ASEAN (31-12-2015), các thành viên đã cùng vượt qua nhiều khác biệt trong nhận thức về QCN. Đến tháng 10-2009, với nhiều nỗ lực hợp tác và đối thoại, ASEAN cho ra đời Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Từ dấu mốc này, ASEAN đã có thêm nhiều bước tiến về nhận thức và thực tiễn phát huy QCN.
Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã góp phần thực hiện sứ mệnh bảo đảm hòa bình, hợp tác, phát triển, cũng chính là tạo ra môi trường tốt nhất để phát huy QCN. Đồng thời, cũng đóng góp nhiều kinh nghiệm phát triển đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi mô hình kinh tế, bắt kịp được nhịp độ “cuộc chơi” trong quá trình hội nhập… Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm hài hòa trách nhiệm quốc gia và đóng góp cho khu vực, quốc tế, được ASEAN đánh giá cao. Ngoài ra, các nước cũng nhìn nhận thành tựu của Việt Nam trong tham gia Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ...
Nếu Việt Nam trúng cử Hội đồng nhân quyền LHQ với nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2025 cũng là lúc kỷ niệm, tổng kết một thập kỷ hình thành Cộng đồng ASEAN. Chắc chắn thành tựu từ nhiệm kỳ này, đặt trong sự kết nối với các thành quả khác của Việt Nam trong hợp tác ASEAN, sẽ đóng góp không nhỏ vào tổng kết 10 năm hình thành Cộng đồng cũng như định ra tầm nhìn sau năm 2025. Trong năm 2020, Việt Nam vừa là Chủ tịch luân phiên ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, đã tạo những cầu nối quan trọng giữa Cộng đồng và thế giới.
Tóm lại, với những phát triển vượt bậc, những thành tựu QCN trong nước và đóng góp quốc tế trong thúc đẩy tiến bộ QCN, Việt Nam đủ tự tin ứng cử và hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đồng thời, ASEAN cũng hoàn toàn tin tưởng đề cử Việt Nam, xuất phát từ kinh nghiệm tham gia các tổ chức quốc tế, trong phát triển đất nước cũng như sự tôn trọng của Việt Nam với những giá trị nhân quyền phổ quát, được thể hiện trong các công ước quốc tế, các chương trình nghị sự quan trọng của thế giới, Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025…
Phóng viên: Thúc đẩy, bảo đảm QCN là mục tiêu phát triển của tất cả các quốc gia, tuy nhiên quan điểm về QCN lại có sự khác biệt. Ông đã từng giải quyết những khó khăn từ sự khác biệt đó trong thời gian là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Vậy theo ông, nếu Việt Nam đắc cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, để xử lý ổn thỏa các vấn đề nhân quyền quốc tế, chúng ta cần đặc biệt chú ý điều gì?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có hai khía cạnh cần nhìn nhận là vấn đề QCN trong quan hệ Việt - Mỹ và những vấn đề quốc tế có liên quan tới hai nước.
Thứ nhất, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ (thiết lập từ ngày 11-7-1995) rất đặc biệt, đầy thăng trầm nhưng cũng thu về những thành tựu lớn. Hai nước đã đạt được những nguyên tắc quan trọng làm cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương, đó là tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Trong tiến trình hợp tác, Mỹ ghi nhận thành tựu 35 năm Đổi mới của Việt Nam, trong đó có đổi mới trên lĩnh vực bảo đảm QCN.
Dù vậy, hai nước vẫn có những khác biệt quan điểm về QCN, nhưng càng hội nhập, Việt Nam càng nhận thấy những khác biệt và đó không phải là đặc thù trong quan hệ với Mỹ mà có thể thấy trong quan hệ với các nước khác. Hai nước có nhiều kênh đối thoại để xử lý khác biệt, nhất là cơ chế Đối thoại Lao động, Đối thoại Nhân quyền hàng năm nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm thu hẹp khác biệt theo hướng vì tiến bộ QCN của nhân loại.
Thứ hai, có thể thấy Việt Nam đã cùng nhiều nước, trong đó có Mỹ, hợp tác xử lý các vấn đề nhân quyền quốc tế. Tháng 2-2021 vừa qua, Mỹ đã quyết định quay trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ là thay đổi đáng chú ý. Việt Nam nhất quán trong chủ trương hội nhập song cần nhìn nhận thấu đáo những thay đổi của đối tác để hợp tác trong lĩnh vực QCN... Nếu Việt Nam tham gia với Mỹ và các nước để giải quyết những vấn đề nhân quyền quốc tế thì đó là sự đóng góp vào vị thế, uy tín quốc gia.
Gần đây, Việt Nam nêu rõ quan điểm về diễn biến chính trị tại Mi-an-ma và thể hiện năng lực làm cầu nối giữa ASEAN và thế giới để bảo đảm nhân đạo ở nước này. Trong bối cảnh thế giới có quan điểm trái chiều về xử lý vấn nạn lạm dụng, mạng xã hội, Việt Nam đã khẳng định sự cần thiết kiểm soát an ninh mạng, chống tin giả, các loại tội phạm mới,…để bảo vệ cộng đồng người dùng. Hiện nay, chính các nước phương Tây phải nhìn nhận và có biện pháp thắt chặt hơn với các tập đoàn công nghệ nhằm kiểm soát các mạng xã hội lớn.
Phóng viên: Là nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm, ông có thể đưa ra tham vấn về những ưu tiên của Việt Nam nếu đắc cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ quan mang tính toàn cầu về thúc đẩy đảm bảo QCN và nếu trúng cử, Việt Nam sẽ phải tham gia một cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội… Tôi cho rằng, Việt Nam đã tham gia hiệu quả vào các chương trình toàn cầu lớn, các công ước quốc tế về thúc đẩy QCN, nhất là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030. Chiến tranh, xung đột luôn được quan tâm vì vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ nhiều nơi trên thế giới, liên tục đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ QCN. Việt Nam cần thường xuyên quan tâm diễn biến tình hình nhân quyền thế giới nếu trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng hợp tác chung của LHQ vì sự phát triển lấy người dân làm trung tâm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục phát huy những thành tựu hợp tác đã đạt được và khai thác những lĩnh vực mới về đảm bảo bình đằng, công bằng trong phát triển, tăng cường giáo dục, tạo việc làm… Thế giới vẫn còn xung đột, chiến tranh, cho nên chủ đề quan trọng vẫn là chấm dứt đổ máu thiết lập nền hòa bình và bảo đảm QCN, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến ý nghĩa, thiết thực khi tham gia ở cấp khu vực, toàn cầu như bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong và hậu chiến tranh, khắc phục hậu quả bom mìn,... Mới đây, trong nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về vấn đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân và được thông qua với 15/15 phiếu thuận. Trong nỗ lực vì tiến bộ QCN của nhân loại, không phải quốc gia nào cũng thuận lợi, ngoài đề ra các sáng kiến, Việt Nam cần đóng góp những kinh nghiệm phát triển toàn diện trên các lĩnh vực cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của mình.
Trong ứng xử với các vấn đề nhân quyền cụ thể, Việt Nam cần có cách tiếp cận công bằng, khách quan, có cái nhìn thấu đáo giữa các giá trị nhân quyền phổ quát chung của thế giới và đặc thù của từng quốc gia. Một mặt, không sử dụng vấn đề nhân quyền để can dự nội bộ, mặt khác không thể chấp nhận các hành động dẫn tới các vi phạm về nhân quyền. Để làm được điều này, Việt Nam cần thúc đẩy đối thoại, tăng cường hiểu biết để tìm ra giải pháp phù hợp. Trong trường hợp Việt Nam đắc cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, có thể đem những kinh nghiệm giải quyết các xung đột phức tạp, thúc đẩy đối thoại, kiến tạo hòa bình… của ASEAN ra thế giới. Đồng thời, cũng có thể thu về những hỗ trợ khách quan, mang tính xây dựng từ cộng đồng quốc tế trong giải quyết phức tạp ở khu vực.
Nếu đắc cử thành viên Hội đồng Nhân quyền, đặc biệt là tham gia giải quyết các vấn đề nhạy cảm, bài toán với Việt Nam là làm sao vun đắp, thúc đẩy đồng thuận, khi các nước khác biệt quan điểm. Việt Nam có đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, ưu tiên hội nhập phát triển và hướng tới người dân, vừa tham gia nhiều công ước, văn bản quốc tế về nhân quyền, tôn trọng các giá trị phổ quát về QCN đồng thời cũng chú trọng bản sắc văn hóa riêng. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin có thể hài hòa được nhiều khác biệt quan điểm nhân quyền của các nước, có thể soi chiếu những điểm chung để vun đắp vào đồng thuận.
Phóng viên: Vậy để thúc đẩy đồng thuận giữa các bên có sự khác biệt về quan điểm thì đâu là mấu chốt, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đúc kết từ lịch sử ngoại giao cũng như đường lối đối ngoại Việt Nam, chúng ta tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu với “tinh thần không vụ lợi và vì trách nhiệm quốc tế cao cả”. Bất kì nước nào muốn vun đắp đồng thuận, kể cả trong vấn đề nhân quyền nhạy cảm, cần phải nhớ nguyên tắc: với mình thì phải làm tốt nhất cho dân mình; với hợp tác quốc tế thì chân thành, xây dựng và căn cứ vào luật pháp quốc tế. Chúng ta phải dám đưa ra tiếng nói về những điều không đúng, dám bảo vệ cái đúng, chính nghĩa. Đồng thời, Việt Nam phải có khả năng trao đổi với các bên để tìm ra “công thức” phù hợp, đồng thời nêu các sáng kiến tìm “điểm ra” cho các vấn đề nhân quyền phức tạp. Thực tế trong nhiều sự việc như vậy, Việt Nam trước hết đã mạnh dạn nêu quan điểm rõ ràng, bảo vệ chính nghĩa, lí tưởng, bảo vệ QCN, kêu gọi nhân đạo...
Phóng viên: Như vậy, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ không phải là nhiệm vụ dễ dàng gì, Đại sứ có thể chia sẻ một số gợi ý giải pháp cho Việt Nam thực hiện tốt vai trò nếu chúng ta trúng cử?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước tiên, Việt Nam cần tiếp tục phát huy những giá trị đã đóng góp vào tiến bộ QCN của nhân loại, trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng đất nước và Cộng đồng ASEAN, bám sát mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía” sau trên toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là bảo vệ người yếm thế trong chiến tranh, xung đột, cũng như những gì đang ở trên bàn tròn nghị sự thế giới về hợp tác phát triển QCN.
Thứ hai, trong bối cảnh thế giới chống COVID-19, Việt Nam có thể đóng góp những kinh nghiệm, sáng kiến bảo đảm QCN trong và hậu đại dịch. Đảng và Nhà nước ta vô cùng sáng suốt đặt ra “mục tiêu kép” bảo đảm sinh kế cho người dân, vừa chống dịch hiệu quả, trong đó chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương. Bước vào trạng thái “bình thường mới”, Việt Nam đã có những sáng kiến, biện pháp để người dân thích ứng với đại dịch khi mà nếp sống thay đổi, cơ cấu nền kinh tế - xã hội thay đổi, tốc độ hồi phục của các lĩnh vực kinh tế hậu đại dịch cũng khác nhau…
Thứ ba, Việt Nam có thể đổi mới về sáng kiến trong lĩnh vực như môi trường, chuyển đổi số. Trong đó, có những sáng kiến, kinh nghiệm ứng phó tác động biến đổi khí hậu đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long như chống nước biển dâng, chuyển đổi cây trồng, phát triển rừng ngập mặn,… Việt Nam cần thúc đẩy các bên khơi dậy các tiềm năng từ các bộ phận dân số trẻ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận số, tiến hành giáo dục, định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh tốc độ chuyển đổi số tăng nhanh, để chuẩn bị cho lực lượng lao động trong tương lai.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Hà Lê - Nguyễn Tất Đạt