|
Khóa họp lần thứ 62 Ủy ban Phát triển Xã hội (CsocD).
|
Cơ sở thực hiện cam kết
Ở Việt Nam, công bằng xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển và ổn định xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Mục tiêu xây dựng đất nước của Đảng là hướng tới một xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tham gia Khóa họp lần thứ 62 Ủy ban Phát triển Xã hội (CsocD), Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam là xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng, tự cường, không ai bị bỏ lại phía sau với việc tiếp tục công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ xã hội đối với người dân... Bên cạnh đó, những thành tựu bảo đảm quyền con người những năm qua cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để Việt Nam thực hiện tốt những cam kết trên.
Công tác hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện kịp thời. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới đời sống của người dân khi nhiều người bị mất việc làm, không còn nguồn thu nhập. Để hỗ trợ người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều sách kịp thời. Tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến 30-6-2022, gần 36,5 triệu người lao động, người dân, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh đã được hỗ trợ với tổng số tiền là 45.600 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả, giải quyết phần nào tình trạng thất nghiệp, tái cơ cấu việc làm sau đại dịch. Hiện nay, người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 2 tỉ đồng/dự án để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Ngoài ra, người lao động cũng được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở thông qua gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng để mua, thuê nhà ở xã hội với giá và lãi suất thấp.
|
Hàng triệu người lao động được hỗ trợ trong đợt đại dịch COVID-19.
|
Chính sách cải cách chính sách BHXH với tỉ lệ bao phủ BHXH rộng khắp. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện; bảo hộ quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ... Năm 2023, 18,26 triệu người tham gia BHXH đạt 39,25% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi; khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,92% LLLĐ trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025); 14,7 triệu người tham gia BHTN đạt gần 31,6% LLLĐ trong độ tuổi. Đặc biệt, diện bao phủ BHYT tiếp tục phát triển bền vững qua các năm, năm 2023 có trên 93,3 triệu người tham gia đạt tỉ lệ 93,35% (vượt 0,15%) tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.
Làm tốt công tác chính sách người có công. Hiện cả nước có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Từ ngày 1-7-2023, mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng. Đến nay, 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nới cư trú, 99% số xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều thành quả vượt bậc. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Từ một quốc gia nghèo, quy mô GDP của Việt Nam theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỉ đồng, tương đương 430 tỉ đô-la Mỹ. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 đô-la Mỹ so với năm 2022. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo, từ 60% dân số nghèo đói (năm 1990) đến năm 2023 cả nước còn hơn 1,58 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, tỉ lệ nghèo đa chiều chung toàn quốc là 5,71%.
Với việc thường xuyên bổ sung, hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới, điển hình là việc ban hành Luật Bình đẳng giới, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 châu Á và đứng đầu ASEAN về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý; nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%...
|
Việt Nam là quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới.
|
Một bước tiến vượt bậc trong công tác bảo đảm quyền của cộng đồng người LGBT+ đó là Bộ Y tế đã khẳng định đồng giới không phải là bệnh. Nhiều người thuộc cộng đồng LGBT+ cũng đã có cuộc sống được bảo đảm hơn, đặc biệt là những chính sách, pháp luật bảo vệ nhóm người LGBT khi tham gia các hoạt động tố tụng hình sự, nhất là khám xét, tạm giam và tạm giữ…
Quyền của người khuyết tật được bảo đảm hơn. Người khuyết tật được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để tiếp cận với các tiện ích công cộng. Đến hết năm 2023, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ BHYT miễn phí đạt trên 1,6 triệu người. Hằng năm, có khoảng 19 nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm, giới thiệu việc làm với tỉ lệ thành công đạt trên 50%. Gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi… Nhiều chính sách khác như: miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật…
Có thể nói, chính những thành tựu đã đạt được trong những năm qua là tiền đề, cơ sở vững chắc để Việt Nam thực hiện những cam kết của mình trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam là xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng, tự cường, không ai bị bỏ lại phía sau.
Thách thức, khó khăn và giải pháp
Bên cạnh những thành tựu đạt được làm cơ sở cho việc thực hiện cam kết trong thời gian tới, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề về nguồn lực, đòi hỏi cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy mục tiêu chung về phát triển và công bằng xã hội.
Những thách thức trong nước: tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường làm tăng nguy cơ phân hóa giàu nghèo; thất nghiệp, thiếu việc làm; sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền; việc bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi; tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước trong khi đó một số người dân, địa bàn nghèo chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo; đặc biệt, vẫn còn hiện tượng tham ô, tham nhũng, lãng phí, buôn lậu phức tạp dẫn đến tình trạng mất công bằng xã hội. Đặc biệt, vấn đề nguồn lực kinh tế, nguồn lực con người, điều kiện tiếp cận với dịch vụ cộng đồng đều giữa các vùng miền, các đối tượng hiện cũng là thách thức cho việc bảo đảm công bằng xã hội.
Những thách thức từ bên ngoài: các yếu tố biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo… ở trên thế giới cũng phần nào tác động đến việc bảo đảm công bằng xã hội ở nước ta.
Vì vậy, thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện toàn điện, đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, về kinh tế. Đẩy mạnh phát triển triển kinh tế, làm nguồn lực cho việc bảo đảm công bằng xã hội. Tăng cường đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, kết hợp với phát huy nguồn lực kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng DTTS. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển kinh tế vùng, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nghiêm minh trong xử phạt các hành vi trục lợi bất chính.
Hai là, về mặt chính trị. Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội của Nhà nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, nhất là vai trò giám sát, phản biện xã hội. Tạo ra môi trường chính trị ổn định để phát triển và tăng trưởng kinh tế, xây dựng nền dân chủ XHCN; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, về mặt xã hội. Xử lý hài hòa các quan hệ xã hội và giải quyết kịp thời, hiệu quả các rủi ro góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi và trợ giúp xã hội, chú trọng bảo đảm quyền con người, lấy con người làm trung tâm, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng yếu thế nhằm rút ngắn khoảng cách về mức sống và mức độ tiếp cận các nguồn lực xã hội khác thông qua các giải pháp tiếp cận cơ hội bình đẳng. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, cải cách hệ thống BHXH đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Ưu tiên hoàn thiện chính sách đối với người nghèo, đồng bào DTTS và các vùng đặc biệt khó khăn; tránh cào bằng, bảo vệ giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tự an sinh.
Bốn là, về mặt văn hóa. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chú trọng phát triển đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn, vùng DTTS, miền. Nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng DTTS và miền núi.
Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, bàn về vấn đề công bằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”"… |
ThS. Phan Viết Thịnh