Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 (Ảnh: TTXVN).


Những con số biết nói

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".

Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng các khuôn khổ pháp lý, chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người phụ nữ Việt Nam phát huy tiềm năng to lớn trong thời đại mới, tiên phong đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Thời gian qua, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới như: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Gần nhất, ngày 3-3-2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020), Việt Nam thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Hiện nay, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Những đồng chí nữ lãnh đạo tiêu biểu trong các nhiệm kỳ gần đây như đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, đồng chí Tòng Thị Phóng, đồng chí Trương Mỹ Hoa, đồng chí Nguyễn Thị Doan, đồng chí Trương Thị Mai, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân…

Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 đồng chí nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chí nữ, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. 

Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2010-2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện 24,62%, cấp xã 21,71%; tỷ lệ này đã được nâng lên ở nhiệm kỳ 2016-2021 tương ứng là 26,54%, 27,85% và 26,59%. Đến cuối nhiệm kỳ 2011-2015, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 32,14%; 32,64%; 21,95%.

Ngoài ra, thành tựu về bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ đã trở thành các "sứ giả" của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại… Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể. Nhiều phụ nữ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng giải thưởng Kô-va-lép-xkai-a trong 35 năm qua, hàng nghìn nữ trí thức có nhiều thành công trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn cao cả, sâu sắc. 

Về mặt quốc tế, tại Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam tích cực thúc đẩy ưu tiên xuyên suốt về "Phụ nữ, Hòa bình và An ninh" với việc chủ trì thông qua Nghị quyết 1889 về vai trò của phụ nữ trong tái thiết hậu xung đột (năm 2009) và tổ chức Hội nghị quốc tế duy nhất với quy mô toàn cầu về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh trong năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ra đời chương trình nghị sự này. Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; con số này hiện chiếm khoảng 16% lực lượng của Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cao hơn tỷ lệ khuyến khích của LHQ.

Trong hợp tác song phương, thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ được lồng ghép vào hoạt động đối ngoại ở các cấp, từ trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao, đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và ký kết, thực hiện các thỏa thuận hợp tác cụ thể, thiết thực với các đối tác.

Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Hiện nay, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp 87/156 về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới. Mặc dù được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại và gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Tỷ lệ lao động nữ phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với với mức 31,8% của lao động nam.

Dẫu vậy, Đảng và Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đề ra mục tiêu: trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương và giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm lần lượt là 50%, dưới 30% vào năm 2025, và khoảng 60%, dưới 25% năm 2030; Tỷ lệ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ đạt ít nhất 27% năm 2025 và 30% năm 2030.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngoài việc giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình được trả công của phụ nữ, các chỉ tiêu đặt ra yêu cầu đến năm 2025, có 80% số người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản và 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn và phấn đấu đến năm 2030 lần lượt đạt được mục tiêu là 90% và 70%...

Những đánh giá khách quan

Chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển của LHQ tại Việt Nam (UNDP), bà Caitlin Wiesen đánh giá cao tỷ lệ tham gia của phụ nữ Việt Nam trong các cơ quan dân cử cũng như đề cao kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,26%, tăng 3,54% so với nhiệm kỳ trước.

Bà Caitlin Wiesen khẳng định mạnh mẽ những đóng góp của Việt Nam trong Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ với sự cam kết nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nữ quân nhân trong các hoạt động này. “Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan vào năm 2018. Từ đó đến nay tỷ lệ nữ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tăng đều và hiện ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Bà Caitlin Wiesen cũng chia sẻ với tư cách là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ giai đoạn 2020-2021, Việt Nam đóng vai trò tiên phong ở khu vực trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Bên cạnh đó, bà Caitlin Wiesen cam kết UNDP sẽ tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho các nữ doanh nhân và cơ sở của họ phát triển.

Đại sứ Vê-nê-zuê-la tại Việt Nam, Tatiana Pugh Moreno đề cập đến vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập giải phóng dân tộc, phụ nữ Việt Nam được biết đến với tên gọi “đội quân tóc dài”. Ngày nay, trong công cuộc Đổi mới và phát triển kinh tế, phụ nữ tiếp tục khẳng định vai trò của mình khi tham gia tích cực và đảm nhận ngày càng nhiều hơn các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Bà Tatiana Pugh Moreno đánh giá cao Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Đại sứ Vê-nê-zuê-la tại Việt Nam chia sẻ hiện ở nhiều nước trên thế giới phụ nữ vẫn đang phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình, trong khi đó, tại Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng chính sách về bình đẳng giới, coi đây là nhu cầu và là quyền con người cần được bảo vệ và thúc đẩy. Điều này cho thấy, Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

Đại sứ Cô-lôm-bi-a tại Việt Nam, Miguel Ángel Rodríguez Melo nhấn mạnh Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách, chương trình tạo cơ hội phát triển cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực, nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 (MDG5) của LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong khuôn khổ Chương trình Nghị sự 2030.

Đại sứ Miguel Rodríguez cũng đề cao việc Việt Nam không ngừng bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ như đưa ra những quy định cụ thể về bình đẳng giới trong Hiến pháp, thông qua Luật Bình đẳng giới vào năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Những công cụ pháp lý này có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi mà bất bình đẳng giới xuất hiện trong công sở hay đơn giản như phân công việc nhà và tình trạng bạo lực gia đình gia tăng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất