Năm 1982, Trung Quốc tập trung tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ, nhân viên, nâng cao chất lương hoạt động. Các cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện giảm từ 100 cơ quan xuống còn 61 cơ quan; các bộ giảm từ 52 xuống còn 43 bộ; cắt giảm 1/3 biên chế cán bộ, nhân viên của các cơ quan thuộc Quốc vụ viện. Trước đó, Trung Quốc đã quy định rõ số lượng chức danh, độ tuổi, trình độ, tiêu chuẩn đối với từng chức danh; tập trung giảm cấp phó, đồng thời thực hiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp bộ trưởng, thứ trưởng với độ tuổi bình quân từ 64 giảm xuống còn 58 tuổi.
Năm 1988, sau 10 năm cải cách, mở cửa, kinh tế phát triển nhanh đã chuyển trọng tâm cải cách từ nông thôn sang thành thị, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế. Số cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện tiếp tục giảm từ 72 cơ quan xuống còn 68 cơ quan; các bộ giảm từ 45 xuống 41 bộ; biên chế giảm hơn 9.700 người. Lần cải cách này đã sáp nhập các bộ liên quan đến công nghiệp như Bộ Công nghiệp than, Bộ Công nghiệp Dầu mỏ, Bộ Công nghiệp Hạt nhân…thành Bộ Năng lượng. Tuy nhiên, do kinh tế phát triển quá nóng nên sau thời gian ngắn, Trung Quốc lại thành lập thêm một số bộ mới. Do vậy, công cuộc cải cách rơi vào vòng luẩn quẩn (sau cải cách, tinh gọn, bộ máy lại phình, rồi tiếp tục cải cách và lại tiếp tục bị phình bộ máy…). Từ đó, đặt ra yêu cầu xác định trọng tâm cải cải cách thể chế hành chính trong thời gian tới là cùng với việc tinh giản bộ máy phải chuyển đổi chức năng của chính quyền mà trước hết là Quốc vụ viên.
Năm 1993, trong bối cảnh số lượng các cơ quan, các bộ thuộc Quốc vụ viên tăng lên sau đợt cải cách giai đoạn 1988 – 1992, Trung Quốc thực hiện chủ trương điều phối thống nhất (hợp nhất) các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Đợt cải cách này tập trung vào việc cắt giảm số lượng các cơ quan của Quốc vụ viên, theo đó số bộ từ 41 giảm còn 40 bộ; số cơ quan ngang bộ từ 70 giảm xuống còn 59 cơ quan; biên chế các cơ quan Quốc vụ viện giảm 20%...Kết quả nổi bật nhất là xây dựng mô hình Ủy ban kiểm tra, kỷ luật Trung ương Đảng hợp nhất với cơ quan kiểm toán, thanh tra.
Năm 1998, thực hiện chủ trương xác định lại chức năng của chính quyền, hạn chế sự can thiệp của cơ quan nhà nước đối với hoạt động của thị trường, doanh nghiệp, Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách cơ cấu Quốc vụ viện, các cơ quan ngang bộ giảm từ 59 cơ quan xuống còn 53 cơ quan; các bộ giảm từ 40 bộ xuống còn 23 bộ. Quốc vụ viện giảm được 50% nhân viên; cả nước giảm được 1.150.000 người.
Năm 2003, với chủ trương minh bạch, tăng cường hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan thuộc chính quyền, Trung Quốc tập trung cải cách thể chế để quản lý các tài sản công; hoàn thiện hệ thống điều phối vĩ mô, hệ thống giám sát tài chính…Theo đó, đã thành lập Ủy ban Giám sát và Quản lý Vốn nhà nước, Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia; đổi tên Ủy ban Phát triển và Kế hoạch quốc gia thành Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước. Số lượng bộ thuộc Quốc vụ viện giảm từ 29 xuống còn 28 bộ.
Năm 2008, nhằm khắc phục tình trạng chức năng chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính quyền, từng bước xây dựng Chính phủ phục vụ, Trung Quốc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy. Theo đó, Trung Quốc đã thành lập Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông, Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội, Bộ Nhà ở và Xây dựng thành thị - nông thôn, Bộ Bảo vệ Môi trường; thực hiện sáp nhập Bộ Năng lượng Quốc gia vào Ủy ban Phát triển và Cải cách, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm vào Bộ Y tế; tiếp tục giảm 1 bộ thuộc Quốc vụ viện xuống còn 27 bộ.
Năm 2013, Trung Quốc tiếp tục thực hiện lồng ghép các cơ quan có chức năng trùng lặp, chồng chéo như: xóa Bộ Đường sắt; thành lập Tổng Công ty Vận hành Đường sắt Trung Quốc, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; bộ phận thực hiện chức năng quản lý nhà nước thành lập Cục Đường sắt nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải… Nhờ vậy, Quốc vụ viện tiếp tục giảm còn 25 cơ quan. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể thực hiện chủ trương không hành chính hóa, không “quý tộc hóa”,…
Từ Đại hội XIX (2017) đến nay, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh thực hiện cải cách thể chế chính trị một cách toàn diện, đã cắt giảm 15 bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Quốc vụ viện. Hiện nay, ngoài Văn phòng Quốc vụ viện, Trung Quốc có 26 bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó có một số điểm đáng chú ý sau:
Thành lập Ủy ban Giám sát cơ quan sát Nhà nước. Đây là cơ quan giám sát tối cao, lãnh đạo hoạt động ủy ban giám sát các cấp; căn cứ theo luật để thực hiện thẩm quyền giám sát độc lập mà không bị can thiệp bởi các cơ quan hành chính, đoàn thể xã hội và cá nhân.
Do việc tách Đảng với chính quyền làm giảm sức mạnh trong lãnh đạo toàn diện của Đảng, vì vậy Trung Quốc đã hành lập 8 ủy ban của Trung ương Đảng hoạt động trong cơ cấu nhà nước chuyên ngành như: Thành lập Ủy ban Quản lý Nhà nước theo pháp luật toàn diện Trung ương; trụ sở đặt tại Bộ Tư pháp; thành lập Ủy ban Kiểm toán Trung ương; trụ sở đặt tại Cục Kiểm toán; thành lập Tiểu ban Lãnh đạo Công tác Giáo dục Trung ương; trụ sở đặt tại Bộ Giáo dục; nâng cấp 4 Tiểu ban lãnh đạo Trung ương Đi sâu cải cách toàn diện, An ninh mạng và Thông tin hóa, Kinh tế và Tài chính, Công tác Ngoại vụ lên thành Ủy ban Đi sâu cải cách toàn diện Trung ương, Ủy ban An ninh mạng và Thông tin hóa Trung ương, Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương, Ủy ban Công tác Ngoại vụ Trung ương.
Sáp nhập cơ quan đảng với cơ quan nhà nước theo hai hướng: sáp nhập hai cơ quan thành một cơ quan như hợp nhất Ủy ban Công tác cơ quan trực thuộc Trung ương và Ủy ban Công tác cơ quan nhà nước Trung ương thành Ủy ban Công tác Nhà nước và Trung ương; hợp nhất Cục Công chức Nhà nước vào Ban Tổ chức Trung ương; hợp nhất Văn phòng nghiên cứu Lịch sử Đảng và Văn phòng nghiên cứu Văn kiện Trung ương thành Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng và Văn kiện Trung ương. Thực hiện một cơ quan treo hai biển như Trường Đảng Trung ương với Học viện Hành chính Quốc gia.
Sáp nhập và xóa bỏ các cơ quan có chức năng gần nhau để thành lập một bộ mới, cụ thể: Bộ Tài nguyên tự nhiên (xóa Bộ Tài nguyên đất đai, Cục Hải dương quốc dương, Cục Thông tin đo đạc, bản đồ); Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương (xóa Đài Truyền hình Trung ương, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Đài Phát thanh Nhân dân Trung Quốc); Bộ Văn hóa và Du lịch (xóa Bộ Văn hóa, Tổng cục Du lịch quốc gia); Bộ Nông nghiệp nông thôn (xóa Bộ Nông nghiệp), Bộ Môi trường sinh thái (xóa Bộ Bảo vệ môi trường)…
Thành lập mới một số cơ quan như Bộ Cựu Chiến binh, Bộ Quản lý Ứng phó khẩn cấp; lập lại một số cơ quan như Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tư pháp, Tổng cục quản lý giám sát thị trường quốc gia.
Bài học kinh nghiệm trong cải cách hành chính của Trung Quốc
Một là, phải kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; có quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo nhất quán, thông suốt từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên; thiết kế, hoạch địch, quản lý vĩ mô ở cấp cao; tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm ở cơ sở.
Hai là, cải cách hành chính đặt trong tổng thể cải cách chung và có kế hoạch, lộ trình cụ thể gắn kết nhịp nhàng, đồng bộ với cải cách trong các lĩnh vực khác như lập pháp, tư pháp…
Ba là, cải cách cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, do vậy cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và nhận thức của các cấp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức và doanh nghiệp, người dân về chủ trương, đường lối, các biện pháp cải cách do Đảng, Nhà nước đề ra.
Bốn là, trước sau như một, lấy nhân dân làm gốc, từ đó từng bước thúc đẩy chuyển đổi chức năng của chính quyền.
Năm là, kiên trì xuất phát từ tình hình đất nước Trung Hoa, đồng thời chú trọng nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế; kịp thời bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
T.X