Cây quất ấy lạ và đẹp không phải chỉ vì nó cao lớn, sum suê, đứng trong khu vườn quất 500 cây của cậu chủ Hùng, trông nó như người anh cả. Cũng không phải nó đẹp và lạ vì lá dày, vì có đủ quả chín, quả xanh, hoa đầu lộc phô hết ra bên ngoài, trong khi ở khe lá, lại kết từng chùm quả chìm như trốn lẩn. Cây quất ấy đẹp và lạ còn vì cái dáng, cái thế của nó. Giữa xanh um các hàng quất đủ thế song thụ, thế phụ tử, đủ dáng trực, dáng hoành, dáng siêu, cây quất nọ có cái thế hiếm hoi độc nhất và quý giá khác thường: Thế Thăng Long, thế rồng bay.
|
Quất cảnh tạo hình rồng độc đáo được trưng bày tại đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội).
|
Cái gai đã nhọn là nhọn từ bé. Ấy thế! Thực tình là khởi nguyên, khi mới đi mua cây giống từ đất quê Văn Giang (Hưng Yên) về vào tháng tư mùa đảo quất, cây quất nọ mới chỉ mang thế thác đổ thôi. Và lúc ấy, người bán quất giống đã bảo Hùng rằng, đó là cái thế rất quý của tự nhiên và không thể có cái thứ hai, tức không thể nhân tạo được. Tháng tư, tháng năm, tháng sáu, gặp đất màu, cây quất nọ cùng đồng loại bốc cao phần phật như đám lửa. Và điều kỳ lạ, thật sự chỉ xảy ra vào tháng bảy, khi ấy bỗng như phát tiết anh hoa, cây nảy lộc, vọt lên một ngọn mầm to bụ, như cái đầu rồng, rồi thoáng cái xanh om, rùng rùng sóng lượn, quẫy động như sắp cất cánh bay lên.
Cây quất có thế cao sang kỳ lạ lập tức thu hút hết công sức chăm sóc và tâm huyết của anh chủ Hùng. Chả có ngày nào Hùng không đảo qua nó vài lần. Nó, cậu chàng chính là đứa con cưng được Hùng yêu chiều hết mực. Cậu thường xuyên được ăn nước luộc đậu tương pha với lân loãng. Sợ cậu yếu, vào kỳ dưỡng hoa, lập quả, cậu còn được Hùng bồi dưỡng thêm B1. Và hết phun thuốc trừ sâu, vẽ bùa, Hùng lại lo ngừa bệnh muội đỏ cho cậu chàng.
Cho tới tháng áp Tết Giáp Thìn năm nay thì phong độ cây quất đã lên tới đỉnh cao và cái dáng vừa hào hoa vừa kiêu hùng của cậu lập tức lọt vào mắt xanh của không ít khách hàng sành điệu ngày ngày tới ngắm nghía, tăm tia, đòi đặt cọc, dấm sẵn. Còn Hùng, thì như một kẻ làm cao, không biết bao nhiêu lần đã lắc đầu quầy quậy, rằng tôi chưa có ý định bán cây quất đặc biệt này, rằng thì các bác, các anh chị có trả tôi cả chục triệu tôi cũng xin chịu.
Còn bây giờ, đứng cạnh cây quất là bốn chàng trai vóc dáng lực sỹ thể hình, trời rét căm căm mà da thịt đỏ au, bắp vế như đắp nặn, nổi căng từng con chuột.
- Nào! Các cậu cùng tôi đánh cây quất vào cái chậu thống này, rồi giúp tôi vận chuyển vào thành phố nhé!
Hùng chỉ tay vào cái thống gốm cỡ đại thành cao, xam xám màu gan gà. Nhưng khi bốn tay thợ chuyên đánh quất với cuốc thuổng trong tay xô tới, định vào việc thì Hùng gạt tay:
- Hãy khoan! Để tôi làm cữ đã.
Nói đoạn, Hùng cầm chiếc dầm thép khoanh nhẹ một vòng tròn quanh gốc quất. Tiếp đó, mắt đăm đăm, môi mím chặt, anh gượng nhẹ và thận trọng ấn nhè nhẹ lưỡi dầm xuống mặt đất từng li, từng tí một, như sợ đau đến từng sợi rễ tôm của cây. Cho tới lúc cây quất đã tách khỏi đất liền, nổi hình nổi khối như một cù lao xanh, theo cái khoát tay ra lệnh của Hùng, bốn tay thợ chuyên mới được phép vào việc. Ngay lập tức bị lây truyền sự cẩn trọng của anh chủ, họ tỏ ra thật nhẹ nhàng trong mỗi động tác, thậm chí tất cả gần như là cùng nín thở khi bênh cậu chàng quý tử này lên và đặt cậu vào lòng chiếc thống gốm.
Ngọn cây cất cao ngạo nghễ. Hai bên rậm rà sắc lá như đôi cánh. Cả thân mình uốn sóng uyển chuyển nhịp nhàng. Tách riêng ra càng thấy cái thế uy nghi, cái dáng lồng lộng của cây quất. Bốn chàng trai lộc ngộc nhìn cây quất mà ngẩn ngơ. Thì cũng là cây, là lá thôi mà sao thần thái lại cao sang rồng phượng vậy! Sau cùng, cây quất cỡ đại được đặt trên một cái giá đỡ gá vào sau chiếc xe Hucky phân khối lớn của Hùng. Rồi theo lệnh Hùng, hai chiếc Future mỗi chiếc hai anh thợ, cùng đồng thời nổ máy, cặp hai bên xe Hùng, rì rầm lăn bánh, trang trọng như hộ tống vị đại thượng khách.
Đích tới của cây quất là một căn nhà nhỏ hai tầng nằm trong một khu tập thể ở nội thành. Và chủ nhân của nó, một bác sỹ trẻ, nghe tiếng chuông, mở cửa, vừa nhìn thấy cây quất và Hùng, liền kinh ngạc kêu:
- Chà! Cây quất đẹp quá. Lại đúng năm Giáp Thìn. Nhìn nó mà không khỏi nhớ tới hai câu thơ: “Đâu phải người xưa giàu tưởng tượng/ Đất nước mình đẹp thế rồng bay”. Nhưng mà Hùng, chẳng lẽ tôi lại được em tặng báu vật tượng trưng cho thế nước đang cữ thịnh khai đẹp như thế này?
Hùng ngay tức khắc chắp tay, kính cẩn và lắp bắp:
- Thưa bác sỹ! Đầu năm nay thầy em mắc trọng bệnh, phải vào Bệnh viện thành phố cấp cứu. Cả gia đình em thực tình rất lo lắng. May thay, nhờ cậy ở tấm lòng và tài năng của bác sỹ, thầy em đã qua cơn hoạn nạn. Là nông dân trồng quất, em chỉ biết cách dùng cây quất này để biểu lộ lòng tri ân và kính chúc bác sỹ thăng hoa trong sự nghiệp cứu nhân độ thế. Còn bây giờ, xin bác sỹ cho phép em cùng các bạn đem cây quất vào kính biếu bác sỹ.
Nói câu cuối cùng, Hùng vừa đánh mắt ra hiệu bốn chàng trai cùng chung sức bứng chiếc thống quất lên, nhưng họ chưa kịp làm gì thì người bác sỹ trẻ đã bước ra, giơ tay ra hiệu hãy khoan rồi ôn tồn:
- Hùng ơi! Bây giờ tôi có ý kiến thế này. Em tặng tôi, tôi xin nhận. Từ giờ, cây quất là của tôi, đúng không? Vậy Hùng và các em hãy giúp tôi chuyển cây quất quý này tới một ân nhân của tôi nhé!
Đột ngột quá! Nhưng đâu có cách nào để từ chối lời yêu cầu của bác sỹ. Vậy là, đoàn người cùng cây quất lại tiếp tục lên đường, theo sau chiếc xe máy của người bác sỹ trẻ. Thì ra, cây quất tiếp tục cuộc hành trình mười hai cây số nữa. Nó đến một ngôi nhà gỗ ở một làng ngoại thành của Hà Nội. Đó là nơi tá túc của một vị bác sỹ đầu Ngành đã cao niên, làm việc ở Viện Tim mạch quốc gia. Người bác sỹ trẻ chắp hai tay, rưng rưng nói: Thưa thầy, mọi thành công của em đều khởi sự từ thầy. Xin thầy nhận ở em lòng kính trọng và biết ơn! Thế nhưng, cây quất thế quý chưa dừng ở đấy.
Cây quất thế rồng bay đã nối dài hành trình. Và cuối cùng, cái đích đi tới của cây quất thế rồng bay là Đài tưởng niệm liệt sỹ phường N.K. Nơi ấy là một quảng trường nho nhỏ bên cạnh một ngôi chùa cổ. Ở đó, trên một tấm bia đá lớn khắc ghi tên tuổi của 98 liệt sỹ là con em nhân dân trong phường đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận biên giới phía Bắc và Tây Nam. Cây quất chiu chít quả vàng trên nền lá xanh thế Thăng Long cùng những chậu đào, hoa hồng bạch và những bồn cúc vàng tươi thắm thiết từ các nơi tụ hội về đứng bên một chiếc đỉnh đồng cao lớn, uy nghi tỏa hương trầm thơm ngát cả không gian.
Nhiều người nước ngoài nghe người Việt Nam giải thích ý nghĩa của phong tục tri ân thờ cúng ngày Tết mà không khỏi ngỡ ngàng cảm động. “Mồng một Tết cha. Mồng hai Tết mẹ. Mồng ba Tết thầy”. “Uống nước nhớ nguồn”. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã chuyển lại cho chúng ta”(1).
Người Việt mình là thế! Thờ cúng, trân trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, đền ơn đáp nghĩa những anh hùng, liệt sỹ đã có công với đất nước, với nhân dân là một phẩm chất, một giá trị, một di sản tinh thần vô giá được hình thành trong trường kỳ lịch sử của dân tộc. Đó không phải là tín ngưỡng, không phải là tôn giáo. Nó là một hằng số lịch sử. Là truyền thống dân tộc, là nét đẹp văn hóa tinh thần đã ăn sâu vào tình cảm, tâm hồn, ý thức, tính cách của người Việt Nam. Chính nó đã tạo nên sức mạnh nội sinh của người Việt chúng ta. Có người nói rằng giá trị tinh thần ấy bền vững còn hơn cả Kim Tự Tháp, là nền móng tạo nên sức sống trường tồn của dân tộc ta.
-----
(1) Bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ma Văn Kháng