Một cuộc họp chi bộ ở xa Tổ quốc

Tác giả (thứ 2 từ phải sang), bác sĩ Đặng Kim Châu (thứ 3 từ phải sang) và Đoàn chuyên gia Bộ Y tế Việt Nam đón Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Công Thắng (thứ 4 từ phải sang) trong chuyến công tác An-giê-ri tháng 5-1982.

Vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ

Đoàn chúng tôi là nhóm áp chót lên đường, được bác sĩ Nguyễn Công Thắng, khi đó là Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn chuyên gia và bác sĩ Cát Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế) gặp, căn dặn chúng tôi cần thông tin cho đồng nghiệp sang trước hiểu rõ hơn tình hình đất nước, để cùng Nhà nước tháo gỡ khó khăn. Phòng tránh tiêu cực như vi phạm kỷ luật lao động, lãn công, đình công có thể xảy ra. Nếu ai đó vi phạm bị nước bạn sa thải sẽ tự túc vé máy bay về nước và chịu kỷ luật. Hai vị giao chúng tôi bức thư của Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân gửi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại An-giê-ri Trần Văn Hưng khi đến Thủ đô An-giê. Đại sứ Trần Văn Hưng cùng cán bộ, nhân viên sứ quán nước ta ra đón chúng tôi tại sân bay quốc tế U-a-ri Bu-mê-đi-en thật thân tình, chúng tôi cảm thấy ấm áp, khi thời tiết cuối năm gió biển Địa Trung Hải mang mưa tuyết rét cóng từ lục địa châu Âu tràn về. Thư của Bộ trưởng được gửi tận tay Đại sứ.

Trong số 200 chuyên gia y tế nước ta sang An-giê-ri đợt 1, phần lớn là chuyến đi lần đầu nên không khỏi bỡ ngỡ. Bản thân tôi vừa trải qua khó khăn không nhỏ: Cha tôi vừa đi xa, sau khi Bộ Chỉ huy Quân sự Thủ đô đến nhà làm Lễ truy điệu liệt sỹ Lâm Đức Trường hy sinh tại mặt trận Xvây Riêng, Căm-pu-chia vào năm 1978, và tôi phải vượt qua căn bệnh sốt xuất huyết khá nặng; mặt khác, vốn tiếng Pháp bị “rơi rụng” khá nhiều vì hơn 30 năm loại bỏ học ngoại ngữ tại các trường trung học kháng chiến ở Việt Bắc. Hiểu được hạn chế đó, khi đến nơi tôi nhờ anh kỹ thuật viên nước bạn đặt giường ngủ liền kề giá sách và công tắc điện để thức đêm ôn luyện tiếng Pháp. Ngày nghỉ cuối tuần, tôi mang túi kẹo xuống sân nhà chung cư, rủ bọn trẻ ăn kẹo chuyện trò và chúng đã uốn cho tôi kỹ năng phát âm tiếng Pháp rất quý giá.

Ngày làm việc, được các anh y tá cao tuổi nhiệt tình giúp đỡ về ngôn ngữ, giúp bản thân cải thiện khả năng giao tiếp. Bệnh viện nơi chúng tôi làm việc là bệnh viện chuyên khoa lớn nhất ở miền Đông nước này, có quy mô 600 giường bệnh, chia ra 2 khu vực cách biệt: Khu bệnh nhân nam có 400 giường, do bác sĩ Bảo và tôi chia đều nhau phục vụ, còn 200 giường người bệnh nữ giao 2 vợ chồng bác sĩ Xéc-gây Na-da-ri-an và Na-ta-li-a Na-da-ri-an, người Liên Xô đảm nhiệm. Hằng tuần, ngoài việc chăm sóc bệnh nhân nội trú, 2 bác sĩ Việt Nam và bác sĩ Xéc-gây Na-da-ri-an luân phiên ngồi khám bệnh tại phòng khám và đón tiếp bệnh nhân cấp cứu ngoài giờ. Nhờ đội ngũ y tá thông thạo, việc thăm khám bệnh nhân của chúng tôi rất thuận lợi. May mắn hơn các đoàn khác, chúng tôi được dùng bữa ăn tại nhà bếp dành cho gia đình Giám đốc bệnh viện và 7 chuyên gia nước ngoài, với mức chi trả khá rẻ (bữa sáng miễn phí, còn 2 bữa trưa và tối, mỗi bữa chỉ trả 1 đi-na). Với mức lương tháng nhiều ngàn đi-na (tiền An-giê-ri), nên chúng tôi tiết kiệm được nhiều.

Thời gian đó số dân An-giê-ri có khoảng 10 triệu người, đất đai rộng hơn 1 triệu km2, có nguồn dầu khí dồi dào, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu nên có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn. Khí hậu nơi đây mỗi năm có hai mùa, mùa hè nhiệt độ khô nóng đến 39-40 độ C, cuối năm có mưa tuyết do ảnh hưởng khí hậu châu Âu. Các tỉnh phía Bắc chạy dọc theo ven biển Địa Trung Hải, đất đai màu mỡ, trồng cây ăn quả, như: Nho, mận, đào, lê, táo, chà là có chất lượng cao và giá rẻ. Nhờ nguồn thu ngoại tệ lớn từ dầu khí và số dân ít, nên phần lớn lương thực, thực phẩm nhập từ châu Âu, châu Mỹ, được Nhà nước bao cấp bằng giá thấp. Thuốc chữa bệnh, được cấp 100% không mất tiền. Mọi người trong bệnh viện và người bệnh đến khám, chữa bệnh đều được sử dụng thuốc nhập từ Pháp và nhiều nước châu Âu có chất lượng cao. Giao thông phát triển, đường sá bền đẹp, xe ô tô lưu thông với tốc độ cao, từ An-giê về nơi chúng tôi làm việc xa 700km, chỉ mất không quá 4 giờ đồng hồ, cảm thấy bình thường. Máy bay đi về như mắc cửi từ thủ đô đến cả nước. Đường bay quốc tế kết nối nước này với thế giới được mở rộng. Tiếng Pháp và tiếng Ả rập cùng là quốc ngữ.

Đạo Hồi là quốc đạo, nhà thờ Hồi giáo được xây cất bề thế khắp cả nước. Hằng ngày, Kinh Cô-ran vọng qua loa phóng thanh có cường độ lớn, định giờ vang vọng khắp vùng miền. Hằng năm, tháng Ra-ma-đan theo lịch đạo Hồi - từ Tổng thống đến người dân đều phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn hút thuốc hằng ngày từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn (miễn trừ đối với người già, trẻ nhỏ, người lao động nặng, người bệnh, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú và chuyên gia nước ngoài), nhằm thấu hiểu và chia sẻ với lớp người nghèo khó. Tín đồ Hồi giáo có vinh dự lớn lao trong đời là một lần được xét chọn đi dự Lễ cầu nguyện tại Thánh địa Méc-ca (thuộc nước Cộng hòa Ả-rập Xê-út). Nhờ ảnh hưởng sâu sắc của đạo Hồi, chế độ chính trị và nền văn hóa của nước sở tại được giữ vững. Nơi chúng tôi làm việc, các nữ nhân viên nước bạn khi giáp mặt, chỉ gật đầu hoặc cất lời chào: “Bonjour Docteur - chào bác sĩ”, chứ không bắt tay hoặc nói chuyện. “Nam nữ thụ thụ bất thân” thật đúng nghĩa. Giờ làm việc được giữ thành nền nếp. Không đi muộn về sớm, không làm việc riêng trong giờ hành chính. Giám đốc bệnh viện họp với chuyên gia trong 1 giờ vào sáng thứ hai. Nhà nước bạn đãi ngộ chuyên gia các nước với mức lương khá cao (khoảng hơn 2.000 đô-la Mỹ mỗi tháng), một nửa lương tháng trả bằng đô-la Mỹ, nửa phần còn lại trả bằng đi-na để chi dùng hằng ngày (riêng tháng nghỉ phép hằng năm và tháng kết thúc nhiệm kỳ, chúng tôi được bạn trả lương 100% bằng đô-la Mỹ mà Nhà nước ta không thu thêm nhiều như các tháng khác trong năm) nên chúng tôi có mức sinh hoạt sung túc, còn dành tiền mua vải vóc, len dạ và đồ dùng sinh hoạt gửi về gia đình.

Cuộc họp chi bộ Mi-la tối 3-2-1982

Nơi tôi làm việc không đủ thành viên thành lập chi bộ nên tôi phải sang Mi-la cách xa hơn 100km, họp ghép hằng tháng vào buổi tối ngày 3 dương lịch. Kỳ này, chi bộ xét chuyển đảng viên chính thức cho bác sĩ Đặng Kim Châu, Tổng Trưởng đoàn. Anh được kết nạp vào Đảng tháng 2-1981 (khi anh là Chủ nhiệm Khoa Chấn thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội). Sau lời tuyên bố của Bí thư chi bộ, bác sĩ Châu đọc bản tự nhận xét. Hội nghị phát biểu ý kiến rất sôi nổi. Nhiều đồng chí ghi nhận những ưu điểm, nhưng cũng có những đánh giá về khiếm khuyết của bác sĩ Châu mà lớn nhất - theo suy nghĩ của các đồng chí đó - là Tổng Trưởng đoàn đã “không đấu tranh bảo vệ quyền lợi anh em” theo Thông tư 14 của Bộ Tài chính nước ta (nếu Thông tư 14 được thực thi, thì phần lương bằng đô-la Mỹ chuyên gia được hưởng cao hơn 5 lần Thông tư 19 hiện hành). Không khí cuộc họp nóng lên từng phút. Tâm trạng bức xúc phát sinh từ Thông tư 19 bị nén lại lâu nay, giờ đã bộc lộ. Nếu quy “tội” Tổng Trưởng đoàn “không đấu tranh bảo vệ quyền lợi anh em” được số đông đồng tình, thì nhiều khả năng thời gian đảng viên dự bị đối với bác sĩ Châu sẽ bị kéo dài.

Nhưng có nhiều ý kiến là cần có nhận xét đúng mức, khách quan, để đánh giá công bằng, chính xác và mang tính xây dựng. Đồng chí L so sánh mức sống khi ở nhà và hiện tại. Anh nói: “Các đồng chí có khi nào nhận ra rằng thu nhập một ngày lương ở đây bằng một tháng lương ở Việt Nam hay không?” Đồng chí M nhận xét, rằng bác sĩ Tổng Trưởng đoàn đã “ăn cơm nhà, vác tù và…”, mà không được hưởng quyền lợi nhỏ nào từ nhiệm vụ được giao phó, và cùng hưởng mức lương đô-la Mỹ bị hạ thấp tại quy định của Thông tư 19 như mọi người. Hơn thế, đồng chí Tổng Trưởng đoàn luôn sát cánh cùng các đồng nghiệp trong mọi việc, tạo lập sự tôn trọng và tín nhiệm của phía bạn. Mặt khác, Tổng Trưởng đoàn không có thẩm quyền tái lập Thông tư 14 mà sự thay đổi (nếu có) phải do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định. Chúng tôi nêu lên những khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gánh chịu khi chiến tranh giải phóng kết thúc chưa lâu, Việt Nam đã phải đối mặt với hai cuộc xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc gây tổn thất lớn về nguồn lực và đang bị cấm vận ngặt nghèo, làm chậm quá trình xây dựng lại đất nước. Cần lưu ý là nước ta còn mắc nợ nhiều tỷ đô-la Mỹ do mua chịu xăng dầu của các nước Bắc Phi (trong đó có An-giê-ri) và các nước Trung Cận Đông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và đã đến hạn thanh toán. Nhà nước ta đã huy động mọi nguồn tài chính để trang trải (trong đó có phần đóng góp không nhỏ của chuyên gia). Nhiều đồng chí nhắc lại tình cảm và những lời nhắn nhủ của người thân qua các bức thư nhà.

Sau hơn hai giờ bàn luận, không khí vui vẻ, đồng cảm của chi bộ đã trở lại. Hội nghị cử ra tổ kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu kín. Kết quả số phiếu đồng ý chuyển đảng viên chính thức đúng kỳ hạn theo quy định tại Điều lệ Đảng cho bác sĩ Châu đạt tỷ lệ 90%. Biên bản cuộc họp được Bí thư chi bộ ký xác nhận, gửi lên Đảng ủy chuyên gia lập công văn rồi cử người mang đến Thủ đô An-giê trình đồng chí Trần Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Đại sứ Việt Nam tại An-giê-ri để ra Quyết định.

Trở về buồng nghỉ, chúng tôi xiết chặt tay nhau chúc mừng, cắt bánh ga-tô để chia vui. Thức gần trắng đêm, chúng tôi tâm sự đủ điều, cùng trải nghiệm kỷ niệm đáng nhớ của những người con xa xứ, đã gây dựng được lòng tin và tình cảm đoàn kết gắn bó của Đoàn chuyên gia Y tế đầu tiên ở nước bạn, góp phần tích cực hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ công tác, đáp lại tình cảm và kỳ vọng của đất nước và người thân.

Phản hồi (1)

LÊ DƯƠNG 09/09/2021

Bài viết hay, góp phần làm cho người đọc hiểu về vai trò của Đảng.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất