Ban Chỉ đạo Đề án 165 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm tổ chức các đoàn phân cấp và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2018

Ngay sau khi Đề án đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 165 chủ trương phân cấp cho các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập ngắn hạn ở nước ngoài để bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành.

Từ năm 2010 đến nay, Đề án đã phân cấp được 324 đoàn với 7.023 cán bộ tham gia bồi dưỡng ở 25 quốc gia trên thế giới với những nội dung nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, quản trị nhân lực, hành chính công, tài chính công, khoa học quản lý chuyên ngành, bình đẳng giới, chính sách dân tộc… Các nội dung nghiên cứu của các đơn vị phân cấp đều được lãnh đạo đơn vị phê duyệt phù hợp, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị từng năm cũng như các giai đoạn. Sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng, 100% các đoàn đều có báo cáo thu hoạch gửi về Ban Chỉ đạo. Lãnh đạo bộ, ban, ngành, nhiều đơn vị phổ biến tới các vụ chuyên đề làm tài liệu tham khảo, phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách. Đặc biệt, hai năm gần đây, đồng chí Trưởng Ban Đề án yêu cầu tất cả các thành viên đoàn đều phải có báo cáo thu hoạch cá nhân và phải có cam kết trước khi đi.

Việc phân cấp tổ chức đoàn bồi dưỡng ngắn hạn cho các ban, bộ, ngành của Đề án được đánh giá là chủ trương đúng đắn của Ban Chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ, lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và phương pháp làm việc đối với đội ngũ cán bộ của các cơ quan, đơn vị. Hầu hết lãnh đạo các đơn vị được phân cấp nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong việc tổ chức các đoàn từ việc xây dựng nội dung chương trình, cử cán bộ tham gia đoàn đến việc tổ chức đoàn. Các bộ, ban, ngành chủ động hơn trong việc tổ chức, xây dựng nội dung chương trình, cử cán bộ tham gia đoàn đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn và tìm kiếm cơ sở đào tạo phù hợp. Cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng đều thực hiện nghiêm túc các quy định của đoàn, chấp hành kỷ luật học tập, các quy định của cơ sở đào tạo và luật pháp nước sở tại…

Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm tới công tác chỉ đạo dẫn đến tình trạng chậm trễ về thời gian, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Có đơn vị được phân cấp nhưng không tổ chức đoàn. Một số cán bộ tham gia đoàn nhận thức chưa đúng, coi đây là chuyến tham quan du lịch hoặc thăm thân, chưa nghiêm túc trong nghiên cứu, học tập, ý thức học tập thiếu nghiêm túc, văn hóa ứng xử, sinh hoạt chưa tốt, có cán bộ tự ý bỏ đoàn ngay khi còn ở trong nước không báo cáo với đơn vị chủ quản và Đề án. Một số báo cáo thu hoạch chất lượng kém, sơ sài, chủ yếu mô tả đặc điểm nước đến, chưa đi sâu nội dung nghiên cứu, đề xuất kiến nghị chưa thực sự thiết thực, chủ yếu đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cá nhân. Một số đơn vị và cán bộ có tư tưởng chọn nước đến không muốn đi các nước gần như Trung Quốc, Sing-ga-po và một số nước châu Á…

Tại hội nghị, đã có 7 ý kiến đóng góp để cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đề án thời gian tới được tốt hơn như: Đề nghị tuổi của cán bộ tham gia học tập cần được trẻ hóa hơn, hạn chế số cán bộ còn thời gian công tác một hoặc hai năm tham gia đoàn, ít nhất cũng phải từ 36 tháng trở lên đến 5 năm; mở ra độ tuổi nhưng cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí. Hết sức chú trọng tới công tác phiên dịch bởi khâu phiên dịch là một trong những khâu quan trọng nhất, phiên dịch cần phải có những hiểu biết nhất định về lễ tân đối ngoại. Nội dung bài học cần phải được dịch trước để cho người học chủ động hơn trong việc tìm hiểu, tiếp thu bài, trao đổi, thảo luận… Các cơ quan làm đoàn cần phải chủ động liên hệ với Đề án 165 và các cơ quan ngoại giao của ta ở các nước đến để tham vấn về các cơ sở đào tạo. Cũng cần có thêm phần đánh giá về quá trình học của cán bộ từ các cơ sở đào tạo để chất lượng đào tạo được thực chất hơn. Nên có ít nhất một ngày để chuẩn bị cho thành viên đoàn những kiến thức, thông tin nhất định về nội dung học, văn hóa, lễ tiết đối ngoại của nước đến, tránh cho người học những bất ngờ, băn khoăn về nội dung học cũng như khi ăn, ở, đi lại…

Kết thúc hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý để phát huy những ưu điểm, khắc phục tối đa hạn chế, yếu kém của những năm trước đây, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng theo Chương trình 165.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất