Ban Chỉ đạo Đề án 165 triển khai nhiệm vụ năm 2019


                                     Đ/c Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 165; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 165.

Năm 2018, Đề án 165 đã tổ chức được 20 đoàn với 485 cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Đức, Xin-ga-po. Chủ đề và nội dung bồi dưỡng chủ yếu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; quản lý công; chính sách công; xây dựng hệ thống chính trị… Phân cấp cho các bộ, ngành được 40 đoàn với 780 cán bộ. Về bồi dưỡng trung hạn, Đề án đã đưa 104 cán bộ tham gia bồi dưỡng 2,5 tháng tại Mỹ, Pháp, Anh.

Công tác quản lý học viên cử đi học thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài được thực hiện tốt, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Năm 2018, đã có 35 học viên về nước. Hiện có 12 học viên đang học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, dự kiến kết thúc chương trình trong năm 2019.

Về hợp tác quốc tế, trong năm 2018, Ban Chỉ đạo Đề án đẩy mạnh việc hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài tại Xin-ga-po, Nhật Bản, Anh, Pháp. Riêng với Nhật Bản, trong năm đã có 2 lượt các chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam thuyết trình về chủ đề đạo đức công vụ và phát triển nguồn nhân lực. Dự kiến từ 2018 đến 2023, Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp học bổng cho hơn 800 cán bộ của Việt Nam đi đào tạo, bồi dưỡng tại Nhật Bản, trong đó mỗi năm sẽ có 100 cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn; 60 học bổng thạc sỹ; 5 học bổng tiến sỹ.

Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo Đề án 165 triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tổ chức tốt các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, tăng cường chất lượng các đoàn phân cấp. Mở rộng đối tượng bồi dưỡng trung hạn.

2. Tiếp tục bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ gồm các thứ tiếng: Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Anh. Trong quá trình học, tăng cường kiểm tra để đánh giá quá trình tiến bộ của học viên.

3. Tiếp tục đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ để tạo nguồn cán bộ lâu dài. Đối tượng là cán bộ trẻ, tuổi đời dưới 40, được quy hoạch từ cấp phòng trở lên.

4. Hoàn thiện quy định về tuyển chọn cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài và quy định về quản lý học viên trong quá trình đào tạo và quản lý sau đào tạo.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động của Đề án 165, trong đó thống nhất khẳng định cần tiếp tục chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước trên cơ sở đổi mới nội dung, chương trình, phương thức tổ chức để bảo đảm chất lượng gắn với sử dụng kinh phí đào tạo phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gắn với quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 165 nhấn mạnh, hoạt động của Ban Chỉ đạo cần bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; các cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có tuổi dưới 45 cần tập trung đào tạo về ngoại ngữ; đa dạng hóa các loại hình đào tạo gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Tiếp tục phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, coi trọng giám sát, kiểm tra và công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao cần tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo trong công tác đào tạo. Chú trọng đào tạo cán bộ cấp chiến lược, nhất là đào tạo về chính sách công. Tăng cường điều tra, đánh giá hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; cụ thể hóa các nội dung đào tạo phù hợp với điều kiện, yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất