1. Hai mươi nhăm Tết. Ông Trang đang dọn dẹp nhà cửa, sửa sang quét tước, trang hoàng lại ban thờ tổ tiên thì nghe ngoài cửa có tiếng gọi của ông Đoan. Ông Đoan và ông là đôi bạn chí cốt, cùng một thời bộ đội chống Mỹ, năm nay cùng nhận Huy hiệu 40 năm tuổi đảng. Quay lại thấy ông bạn dựa xe đạp vào thềm, ông Trang tươi cười:
- Tôi đoán nhé, chắc là ông định rủ đi Nhật Tân mua đào, đúng không?
Lắc lắc mái đầu đã lấm chấm sợi bạc, ông Đoan nghiêng nghé hai con mắt:
- Sai toét rồi. Nhưng thôi. Để tôi đọc đôi câu đối hai bên bàn thờ của ông đã. Hà, “Niên tăng phú quý, nhân tăng thọ. Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” (tạm dịch: Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ. Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà). Chữ bác viết đẹp mà thoáng lắm. Thật không ngờ đấy!
- Cũng là võ vẽ học đòi, đánh trống qua cửa nhà sấm thôi. Nhưng mà này, ông định rủ đi đâu bây giờ?
- Xuân đang về tưng bừng trên khắp phố phường. Ông có nhớ bài thơ “Ông đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên chứ?
- Làm sao tôi quên được. Để tôi đọc ông nghe và kiểm tra lại xem có đúng không nhé: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”…
- Chính xác! “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay”…Thế nào, ông bạn vàng, ngày Tết mà không đi xin chữ ông đồ thì có phải là uổng quá không?
“Ông đồ” là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ thương cảm của thi sĩ Vũ Đình Liên trong phong trào Thơ Mới. Bài thơ này in trên báo Tinh Hoa năm 1936. Từ đó đến nay, trải bao thăng trầm, qua bài thơ, hình ảnh ông đồ mỗi độ Tết đến xuân về ngồi cho chữ đã khắc sâu trong tâm khảm nhiều lớp người Việt Nam. Yêu chữ, trọng chữ đến mức “Nhất là chữ, nhì là tranh” vốn là quan niệm của người dân nước mình. Thành ra trong mỗi gia đình Việt, chữ thường được treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Thờ chữ, kính chữ là tập quán, là một trong những nét đẹp trong cội nguồn văn hóa dân tộc sao có thể mai một được!
2. Quả nhiên đúng như hai ông bạn già dự đoán. Đâu có phải nơi các ông đồ cho chữ chỉ là Văn Miếu - Quốc Tử giám. Trên vỉa hè các đường phố lớn đều thấy cảnh ông đồ ngồi trên chiếu hoa cùng giấy đỏ, mực tàu và khách đến xin chữ đông chen.
Hai người tìm đến một ông đồ ngồi trên hè phố Bà Triệu, trông còn trẻ, chỉ trạc ba mươi tuổi. Nhưng dáng dấp và phong vẻ đích thị ông đồ, một nhà thư pháp. Khăn xếp. Áo the đen. Quần ống sớ. Và kìa, hãy quan sát. Xúm quanh ông, thôi thì đủ, nhà chính trị, vị doanh nhân, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, giáo viên, học sinh... Người xin chữ Quang minh chính đại. Người xin chữ Phú. Người xin chữ Thọ. Người chữ Quý, người chữ Phúc, chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Đức, chữ An... Quanh ông còn là du khách thập phương: người Mỹ, người Anh, người Nga, người Tây Ban Nha, người Cu-ba, người Lào… và bà con Việt kiều. Xuýt xoa quanh ông đủ các ngôn ngữ, giọng điệu, vì chữ ông viết đã rồng bay phượng múa, bên cạnh lại còn lời đề từ có hàm ý mênh mang.
Chẳng hạn, tặng chữ Thọ cũng có thêm lời đề từ bằng chữ Nôm “Thọ tỉ nam sơn”. Cạnh chữ Phúc lớn bằng cả một bức ảnh thờ là hàng chữ nhỏ“Ngũ phúc lâm môn”. Cùng với một chữ Tâm lớn nằm trong thế vừa nức nở, vừa thanh nhàn là hai câu thơ của Văn Thiên Tường “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử. Lưu thuỷ đan tâm chiếu hãn thanh” (Tạm dịch: Con người tự cổ ai không chết/ Một tấm lòng son với sử xanh). Năm nay không hiểu sao có nhiều ông già đến xin chữ Nhẫn thế! Hay, ngoài giá trị là bức thư họa đẹp bi hùng, còn thích cả cái triết lý toát ra từ lời bình kèm theo “Nhẫn nhất khắc phong bình lãng tịnh/ Thoái nhất bộ hải khoát thiên không” (Tạm dịch: Kiên trì, nhẫn nại, nhẫn nhục trong một khoảnh khắc, thời điểm nhất định, thì mọi khó khăn sẽ qua đi, gió yên, sóng lặng/ Lùi một bước, thì trước mặt mình là trời biển mênh mông).
“Xin lỗi, hai bác chờ một chút. Cháu gái đây chờ đã lâu”. Ông Đoan và ông Trang chen được tới cạnh ông đồ thì vừa lúc ông đồ ngẩng lên. Khách là một thiếu nữ nhỏ nhắn, mặc cái áo bu-dông len rộng và đeo cặp da lớn sau lưng. Nhìn nét mặt non tươi và xem trang phục có thể đoán chắc thiếu nữ nọ là sinh viên.
- Thưa bác, cháu xin hỏi bác giá cả thế nào ạ - Thiếu nữ rụt rè - Cháu hỏi thế để định liệu thôi. Chứ cháu không dám mua chữ của bác. Cháu chỉ xin chữ của bác thôi ạ.
- Thế cháu định xin chữ gì?
- Dạ, cháu xin chữ Chí!
- Được rồi.
- Dạ. Cháu xin bác cho thêm một lời đề từ “Đem hết tâm thành vào một mũi tên có thể bắn tan được đá cứng!”.
- Hay lắm! Một lời vàng ý ngọc của chí sĩ Phan Bội Châu, thể hiện ý chí quyết liệt của thế hệ trẻ lúc này đang hăm hở khởi nghiệp, góp phần làm cho đất nước ngày càng phồn thịnh, nhân dân ngày càng được sống trong hạnh phúc và ấm no.
Thiếu nữ nọ đã cầm vuông giấy hồng điều có chữ Chí đi. Ông Đoan cúi xuống ông đồ:
- Tôi chỉ xin thầy một chữ thôi.
- Dạ, bác cứ nói.
- Tôi xin chữ Trung.
- Em cũng đoán thế! Ông Trang chen vào: “Tôi cũng một chữ Trung nhé!”.
Ông Đoan thêm: “Hai anh em chúng tôi, cả cuộc đời 40 năm nay, khi có mặt ở chiến trường Tây Nguyên gian khổ, lúc đánh B52 Mỹ ở đất Bắc, kề bên bom đạn ác liệt và cái chết trong gang tấc, chỉ một lòng một dạ trung thành với lý tưởng của Đảng mình đã chọn. Chỉ một con đường đã đi như viên đạn đã ra khỏi nòng súng. Không suy chuyển, đổi thay, dao động!”.
Hai ông bạn bốn con mắt cùng soi xuống. Ông đồ cầm cây bút, quệt vào nghiên mực. Một nét dọc, một nét uốn vòng. Nào đâu có phải là múa bút lên để vẽ chữ. Mà là dành toàn bộ tâm trí vào từng thao tác để mỗi đường nét có dáng vẻ vừa thanh nhã, vừa khoáng đạt, lại thể hiện được thần thái của ý nghĩa; để mỗi đường nét ánh xạ xúc cảm được truyền dẫn từ con tim qua mấy đầu ngón tay. Sau cùng thì một chữ Trung đã hiện lên đen nhánh trên nền giấy hồng tươi, ánh ỏi uy nghiêm và tràn đầy khí phách. Trung là trung thành, trung thực, trung hậu, trung tín, là vững vàng, không lay chuyển rung rinh! Hai đôi tay nâng hai chữ Trung, hai ông bạn già cùng rưng rưng cảm động. Nhìn chữ thấy được một nét đẹp trong tính cách, tâm hồn người Việt ta. Nhìn chữ thấm thía triết lý nhân sinh, cốt cách bản lĩnh con người chiến sĩ đấu tranh cho lý tưởng ngụ trong mỗi đường nét. Chữ! Như văn hào Lỗ Tấn khẳng định: Từ khi loài người sinh ra chữ thì quỷ thần trong núi cũng phải thất kinh!
Ma Văn Kháng