Sáng 21-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật Trọng tài thương mại.
Dự luật này gồm 11 chương, 75 điều, quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên và tố tụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp theo sự thoả thuận của các bên.
Theo tờ trình của Hội Luật gia Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo, thực tiễn giải quyết tranh chấp trên thế giới cho thấy trọng tài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các thương nhân. Ở Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ góp phần giảm tải hoạt động xét xử của tòa án.
Đại đa số các đại biểu nhất trí với ý kiến của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về tên "Luật Trọng tài thương mại", vì nếu để tên "Luật Trọng tài" dễ dẫn đến hiểu lầm khi trên thực tế có rất nhiều loại trọng tài...
Ý kiến của hầu hết các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Trọng tài thương mại, thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo bí mật trong các tranh chấp thương mại đang có xu hướng gia tăng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thảo luận các nội dung cụ thể của Dự án Luật, ý kiến chung của các đại biểu tập trung vào 4 vấn đề lớn: Phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại; tiêu chuẩn trọng tài viên; quy định hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ngày mai, Chủ nhật 22-11, Quốc hội nghỉ làm việc.
Thu Huyền