Sáng 18-11-2009, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiến hành chất vấn và nghe trả lời chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh 4 nhóm vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm quản lý và phát triển thị trường hàng hóa nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam, hạn chế việc nhập siêu các mặt hàng mà trong nước sản xuất được, các biện pháp thực hiện có hiệu quả chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thứ hai, về công tác xúc tiến thương mại, điều hành xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quan trọng, nhất là gạo và thủy sản.
Thứ ba, về trách nhiệm quản lý của Bộ trước tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các giải pháp khắc phục.
Thứ tư, về công tác quy hoạch phát triển thủy điện và việc thực hiện quy hoạch, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, để hạn chế tác động tiêu cực làm thay đổi hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, gây lũ lụt.
Chiều 18-11, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề về cải cách hành chính; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; chấn chỉnh lệch lạc trong công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn thẳng thắn thừa nhận vấn nạn chạy chức, chạy quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Giải quyết vấn nạn này là một việc khó, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành, cả bộ máy chính trị. Theo Bộ trưởng, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc các quy chế về công tác lựa chọn, đào tạo, thử thách, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ; công tác cán bộ cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, dân chủ và phát huy trách nhiệm và vai trò của tập thể, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành.
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn khẳng định việc phân cấp tăng thẩm quyền cho đơn vị cơ sở là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được thực tiễn minh chứng. Việc tăng quyền ở cơ sở dẫn đến tăng khối lượng công việc, nên Bộ đã nghiên cứu tăng biên chế cho các cơ sở, nhưng phải theo nguyên tắc và có lộ trình, có mức độ, đủ để đáp ứng công việc.
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về chế độ tiền lương của cán bộ ngành y, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở xã, phường còn chưa hợp lý. Theo Bộ trưởng, để khắc phục những vấn đề này, cần có lộ trình cụ thể sau khi nghiên cứu và bàn bạc với các bộ, ngành hữu quan, để tránh tình trạng điều chỉnh mức lương ở nơi này sẽ ảnh hưởng, kéo theo sự điều chỉnh ở nơi khác.
Ngày mai 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có trọn buổi sáng để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.