Chiều nay (28-3), Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Tham dự bế mạc Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị, các cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, cấp cơ sở của các tỉnh ủy… cùng hơn 959 nghìn cán bộ, đảng viên ở 7.439 điểm cầu từ Trung ương tới cơ sở trên toàn quốc.
Toàn cảnh Hội nghị.
Ngày 28-3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã bước sang ngày làm việc thứ 2. Trong buổi sáng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”. Báo cáo tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, chủ đề chiến lược là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập bình quân cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Hội nghị.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu đặt ra hiện nay là đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Đồng thờ, phải phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, phát triển thị trường nội địa. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới. Tập trung khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, xây dựng các mô hình mới, tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư khu vực toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra những nội hàm mới trong các đột phá chiến lược. Đột phá thứ nhất là tiếp tục hoàn hiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng thể chế, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học - công nghệ. Đột phá thứ hai là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam. Đột phá thứ ba là tiếp tục hoàn hiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo tại Hội nghị.
Buổi chiều, các đại biểu đã nghe đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng truyền đạt chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”. Thông tin về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, đồng chí Phan Văn Giang nêu rõ, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Đồng chí Phan Văn Giang nhấn mạnh, đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Thượng tướng Phan Văn Giang nêu rõ, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhằm thực hiện kế sách giữ nước từ sớm, từ xa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tại Hội nghị.
Tiếp đó, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã quán triệt chuyên đề: “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”. An ninh con người chính thức được đưa vào văn kiện.
Theo đồng chí Tô Lâm, an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề hệ trọng của mọi quốc gia, dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia, BCH Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Qua 13 kỳ đại hội Đảng, nhiệm vụ “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia luôn được đề cập và được bổ sung, phát triển từ nhận thức, tư duy đến đánh giá, dự báo tình hình, xác định mục tiêu, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện.
Theo đồng chí Tô Lâm, so với Đại hội XII, Đảng ta xác định chuyển từ trạng thái “từng bước hiện đại” sang “một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Đồng thời xác định mục tiêu phấn đấu: “đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đây là tư duy rất mới trong việc định hướng xây dựng lực lượng Công an nhân dân phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tiềm lực của đất nước hiện nay. Đồng thời, để cụ thể hóa định hướng đó, Đại hội XIII cũng xác định lộ trình cụ thể: “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu bế mạc tại Hội nghị (Ảnh: Phạm Cường).
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của Đảng, của mỗi tổ chức đảng, đồng thời cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Hội nghị này được triển khai đầu tiên, thể hiện được tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chính vì vậy, có thể khẳng định thành công của Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cấp ủy các cấp, là cơ sở quan trọng để các tổ chức đảng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết.
Trên tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức đảng cần phải quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại buổi khai mạc Hội nghị; những quan điểm lớn, những nội dung cơ bản, nội dung mới và cốt lõi trong các văn kiện Đại hội đã được báo cáo viên truyền đạt. Đồng thời, tiếp tục triển khai tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt ở địa phương, đơn vị cho các đồng chí cán bộ, đảng viên chưa được dự Hội nghị hôm nay yêu cầu bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội, có sự thống nhất với Nghị quyết đại hội đảng bộ cấp trên và của cấp mình, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, các mục tiêu của cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra phải có tính chiến đấu cao, thể hiện ý chí, quyết tâm khát vọng vươn lên của từng cấp, từng ngành, từng tập thể, cá nhân và có giải pháp thực hiện đảm bảo khả thi, hiệu quả. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, báo cáo viên các cấp và tuyên truyền ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài về những nội dung cơ bản của các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm lấy xây làm chính, lấy đẹp dẹp xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Cán bộ, đảng viên của Ban Tổ chức Trung ương học tập Nghị quyết ở Phòng họp Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội) và Hội trường G (Ban Tổ chức Trung ương).
Ngô Khiêm