Như tin đã đưa, từ 13 đến sáng 15-6, Quốc hội đã dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Những vấn đề tuy rằng không mới nhưng theo tình hình có nhiều nội dung mới cần phải đặt ra, cần phải chất vấn, cần phải làm rõ trách nhiệm, giải pháp để tổ chức thực hiện những nội dung này.
1- Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Một, tập trung giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chính sách giá cả trong đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, tình trạng sử dụng đất lãng phí v.v... Bảo đảm đến năm 2013 hoàn thành căn bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Tích cực chuẩn bị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ tư tháng 11 năm 2012.
Hai, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Thanh tra Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp từ nay đến 31-12-2012 tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp kéo dài được dư luận xã hội quan tâm và công bố, công khai việc giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là việc đền bù giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp, khu đô thị bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi.
Ba, có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.
2- Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Một là, tập trung mọi nguồn lực của cả nước, toàn quân, toàn dân, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ hai, từng bước hoàn thiện và tổ chức thực hiện có kết quả đề án tái cơ cấu đầu tư công, đẩy nhanh việc giải ngân gắn với quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư vốn nhà nước, trong đó có đầu tư vào doanh nghiệp, xử lý đồng bộ các vấn đề về cơ chế chính sách, phân cấp quản lý, huy động nguồn lực, bảo đảm tăng cường chất lượng và giải quyết các bất cập yếu kém trong lĩnh vực đầu tư công theo đúng tinh thần đề án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình, Chính phủ đã duyệt và Quốc hội đã thảo luận để tiếp tục hoàn thiện đề án đó và tổ chức thực hiện cho tốt.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chú ý việc sử dụng vốn, quản lý vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty và vốn của chủ sở hữu do tập đoàn, tổng công ty đại diện làm chủ sở hữu quản lý tại tập đoàn đó, tổng công ty đó. Cơ chế giám sát tài chính của tập đoàn, tổng công ty bao gồm cả giám sát từ bên ngoài và giám sát nội bộ, nghiên cứu ban hành qui định cụ thể về nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đặc biệt quan trọng của quốc gia.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, bảo đảm công bằng, hợp lý có ưu tiên cho vùng, miền, ngành, lĩnh vực cụ thể theo đúng định hướng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ. Đẩy nhanh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Năm là, rà soát tiến hành một cách thận trọng, chú ý tới hiệu quả trong việc tiết giảm đầu tư công, trong việc cắt giảm danh mục đầu tư hài hòa với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát để đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời cũng sẽ có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực bù vào nguồn cắt giảm từ đầu tư công.
3- Đối với lĩnh vực công thương
Một là, thực hiện các giải pháp đồng bộ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đồng bộ, linh hoạt, từng bước hạ lãi suất tín dụng, tăng tín dụng ở mức hợp lý. Đồng thời với việc cơ cấu lại và giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế.
Hai là, có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu, than, phân bón, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, rà soát quy hoạch ngành điện nói chung và quy hoạch phát triển thủy điện, kiên quyết loại bỏ và dừng các dự án không đạt các tiêu chí xã hội, môi trường, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra, bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, rà soát, nghiên cứu, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện.
Ba là, tích cực đấu tranh chống gian lận thương mại, nhất là trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản, có chính sách định hướng, vận động tiêu thụ sản phẩm nội địa, phát triển ổn định thị trường trong và ngoài nước, xây dựng thị trường hàng hóa phát triển hài hòa và bền vững.
4- Đối với lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm
Một là, tập trung chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức các đợt truy quét tội phạm, nhất là các tội phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, các tội phạm nguy hiểm, bảo đảm môi trường bình yên cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan, đảng bộ và chính quyền các cấp, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tạo những chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ba là, xây dựng lực lượng công an nói chung, các lực lượng chuyên ngành nói riêng trong sạch, vững mạnh, luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
5- Phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch, mục tiêu tổng quát, vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...
Làm rõ thêm những vấn đề Quốc hội đặt ra và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:
Thứ nhất, đặt ra quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch, mục tiêu tổng quát cũng như các chỉ tiêu. Đồng thời vừa tăng trưởng, vừa giảm lạm phát, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và vừa tìm mọi biện pháp kể cả những biện pháp mới để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo tích cực trong điều kiện đó.
Thứ hai, quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp, chú trọng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ hoàn thiện thể chế tới việc kiểm tra, kiểm soát. Ngay trong giai đoạn này tập trung vào những tập đoàn, tổng công ty đang có vấn đề để giải quyết một cách tích cực, tinh thần thái độ xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những sai phạm ở các vị trí đó.
Thứ ba, tập trung mạnh hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đào tạo lao động cho nông thôn, nông nghiệp và chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc ở vùng khó khăn, trong chính sách dân tộc các vùng khó khăn có chính sách tạo đột phá để giải quyết ngay đối với đồng bào tái định cư khi làm một số thủy điện.
Thứ tư, đồng thời với việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh tăng trưởng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của năm nay.
Thứ năm, quyết tâm trong phòng, chống tệ nạn, phòng, chống tai nạn, phòng, chống tội phạm đang diễn ra, đang là vấn đề nóng trong an ninh trật tự, an toàn xã hội.
T.H