Công tác tham mưu nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nội dung, bộ phận quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Hội thảo “Công tác tham mưu của các cơ quan đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới” do Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương tổ chức diễn ra tại Hà Nội sáng 3-10.

Tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Ban Nội chính Trung ương được Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương giao nghiên cứu Đề tài khoa học trọng điểm “Công tác tham mưu của các cơ quan đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới - Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”.

Đề tài nghiên cứu nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tham mưu, chiến lược của các ban, cơ quan đảng Trung ương về lĩnh vực này, đồng thời góp phần tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua và chuẩn bị cho việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng.

Hội thảo nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác tham mưu của các cơ quan đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác này.

Qua đó, chắt lọc các nội dung tham luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, của các cơ quan, cán bộ làm công tác thực tiễn ở Trung ương và địa phương phục vụ xây dựng hoàn thiện đề tài - đồng chí Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học của các cơ quan, cán bộ làm công tác thực tiễn ở Trung ương và địa phương đã có những ý kiến, tham luận tập trung vào sự phát triển nhận thức, lý luận của Đảng ta về công tác tham mưu của các cơ quan đảng Trung ương trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp qua 40 năm đổi mới; nhất là quan niệm về nội dung, phạm vi, phương thức và tiêu chí đánh giá chất lượng công tác tham mưu.

Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này qua 40 năm đổi mới nhìn từ thực tiễn công tác ở cả Trung ương và địa phương.

Hội thảo cũng tập trung vào những vấn đề đặt ra cần giải quyết và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, kiến nghị, đề xuất cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan đảng Trung ương về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực quan trọng này trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phan Thăng An khẳng định, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nội dung, bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Theo đồng chí Phan Thăng An, phải kiên trì xây - chống, xây để chống và chống để xây, lô-gic, hòa quyện vào để đạt được các thành tựu như trong thời gian qua.

Đồng chí Phan Thăng An cho rằng trong công tác này cần có cách tiếp cận từ gốc, từ bản chất, dựa vào trụ cột, cơ bản mới giải quyết, mới xây dựng "bền vững được", chứ không cứ làm nhiều, làm mãi.

Đồng chí Phan Thăng An dẫn lại bài thơ Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu và dù so sánh khập khiễng nhưng "tiếng chổi tre giữ sạch lề, đẹp lối" giống như làm trong sạch bộ máy, hệ thống chính trị bằng hành động quét rác sẽ làm sạch.

"Thời Tố Hữu quét bằng chổi tre nhưng giờ quan sát ở đường Phan Đình Phùng thấy ít chổi tre rồi mà dùng máy thổi lá vào một góc và gom lại.

Như vậy, phương pháp, hoạt động chỉ đạo của chúng ta có đổi mới, làm năng suất phòng, chống tham nhũng, quét rác hiệu quả, nhanh hơn nhưng cây lá vẫn rụng. Vậy cần nhìn lại nguyên nhân để làm sao lá ít rụng, đỡ quét...", đồng chí Phan Thăng An nêu.

Đồng chí Phan Thăng An nhấn mạnh cần tiếp cận 3 nền tảng cơ bản gồm pháp luật, kinh tế và văn hóa để công cuộc phòng, chống tham nhũng có thể làm từ gốc.

Trong đó, cần hoàn thiện, xây dựng pháp luật chặt chẽ hơn dẫn đến "không thể" và pháp luật xử lý nghiêm sẽ giải quyết được "không dám".

Cùng với đó, đẩy mạnh kinh tế, tăng nguồn thu, chế độ, chính sách với công chức được nâng lên đảm bảo sẽ giải quyết vấn đề "không cần". Còn từ văn hóa, giáo dục để sinh ra con người có lòng tự trọng nên "không muốn".

"Nếu các hệ thống chính trị nghiên cứu vấn đề gốc từ 3 nền tảng cơ bản pháp luật, kinh tế, văn hóa, giải quyết "4 không" thì hiện tượng lá rụng sẽ ít hơn, đỡ phải quét để cứ giữ sạch lề, đẹp lối như bài Tiếng chổi tre", đồng chí Phan Thăng An nói thêm.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất