Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND sắp tới sẽ có nhiều điểm mới

Ngày 25-1-2010, Quốc Hội đã đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) qua các kỳ bầu cử gần đây. Đánh giá thực tiễn bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 cho thấy các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND những khóa gần đây được tiến hành đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, dân chủ, tiết kiệm, đúng pháp luật. Các cuộc bầu cử đạt được những kết quả tích cực từ các công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử được các cơ quan Trung ương ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.


Trong các cuộc bầu cử gần đây, số lượng cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao (bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đạt tỷ lệ 99,64%; bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 đạt tỷ lệ 98,7%). Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu trúng cử cơ bản đảm bảo được tính đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội. Số người ứng cử, tự ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử tăng lên và trình độ tương đối đồng đều.


Tuy nhiên, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND còn có một số vấn đề chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, một số nội dung mới chưa được luật điều chỉnh, bổ sung… Như, đối với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội khi triển khai công tác bầu cử quỹ thời gian quá ngắn; tiêu chuẩn đại biểu chung chung, thiếu cụ thể và rất khó định lượng để cử tri xem xét, lựa chọn; dự kiến cơ cấu thành phần đại biểu do Trung ương giới thiệu về địa phương không đảm bảo số dư; số lượng cử tri trong mỗi khu vực bỏ phiếu chưa phù hợp với mật độ dân số từng địa phương và tốc độ tăng dân số của cả nước; về thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử chưa thật sát với tình hình thực tế khi triển khai công tác bầu cử...  Đối với Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi) bộc lộ một số hạn chế như tiêu chuẩn, số lượng đại biểu; quyền bầu cử, ứng cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử; quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chưa được cụ thể hóa và không phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra.


Để góp phần bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và là ngày hội của toàn dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 17 điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và sửa đổi 13 điều, bổ sung 1 điều của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Cụ thể như sau:


Sửa đổi quy định về Hội đồng bầu cử ở trung ương theo hướng bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử đại biểu Quốc hội thì tổ chức này còn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung đối với cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND, như: lãnh đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử. Đồng thời, sửa đổi quy định về trách nhiệm chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử của Chính phủ đối với bầu cử đại biểu HĐND cho phù hợp.


Sửa đổi các quy định về thành lập các Tổ chức phụ trách bầu cử. Thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh để thay thế và thực hiện chung nhiệm vụ, quyền hạn của cả Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Các hội đồng bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã được đổi tên tương ứng thành Ủy ban bầu cử. Quy định tổ bầu cử đồng thời thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại cùng một khu vực bỏ phiếu. Tổ bầu cử sẽ được tăng thêm số lượng thành viên. Thống nhất quy định về cơ quan chủ trì thành lập, thành phần và số lượng thành viên của tổ bầu cử. Cơ quan chủ trì thành lập, thành phần ban bầu cử đại biểu Quốc hội được sử đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất với việc thành lập tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp tỉnh và cấp xã. Các luật bầu cử hiện hành giao cho thường trực HĐND chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội; giao cho UBND chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu HĐND. Trong điều kiện bầu cử chung và thống nhất về tổ chức của một số tổ chức phụ trách bầu cử, dự thảo Luật giao cho Ủy ban nhân dân là cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc về cơ quan chủ trì thành lập tổ chức phụ trách bầu.


Sửa đổi thống nhất quy định về số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu và quy định khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri.


Sửa đổi thống nhất quy định về mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu, theo đó Hội đồng bầu cử quy định mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu của cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND;  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu bầu cử, phiếu bầu cho Ủy ban bầu cử; Ủy ban bầu cử chuyển cho ban bầu cử, ban bầu cử chuyển cho tổ bầu cử để phân phát cho cử tri.


Sửa đổi thống nhất về cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri nơi làm việc và nơi cư trú đối với cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND theo hướng giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, được sửa đổi theo hướng “Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử đó được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do hội đồng bầu cử quyết định”.


Các luật về bầu cử còn có các quy định khác nhau về thời hạn niêm yết danh sách cử tri, thời hạn giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, mẫu biên bản bầu cử, việc gửi biên bản, phiếu bầu và trình tự, thủ tục trong ngày bỏ phiếu như thời gian bỏ phiếu, việc kiểm tra hòm phiếu, việc bỏ phiếu của cử tri, việc đóng dấu trên thẻ cử tri… Những vấn đề này đã được sửa đổi cho thống nhất và khắc phục những điểm chưa hợp lý.


Thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử cũng được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc bầu cử chung.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất