Thảo luận về mức tăng trưởng kinh tế và dự toán, phân bổ ngân sách
Đại biểu thảo luận tại Hội trường

Ngày 22-10, trong chương trình hoạt động của kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XII, tại các tổ đã tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2010, kế hoạch phát triển kinh  tế - xã hội năm 2011 và về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 2010 và dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011. Tại các tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về nội dung trên.

Về tình hình kinh tế - xã hội, mặc dù năm 2010 gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã đạt được kết quả khá toàn diện. Kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao, khoảng 6,7%, cao hơn kế hoạch (6,5%); GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD; vốn đầu tư phát triển ước tăng 12,9% so với năm 2009 và bằng khoảng 41% GDP; có khoảng 85 nghìn doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 500 nghìn tỷ đồng. Kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm: Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, gấp 3 lần so với kế hoạch…

Trong điều kiện giảm bội chi ngân sách, nhưng các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn được quan tâm,  góp phần thiết thực ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Công tác giảm nghèo, nhất là ở 63 huyện nghèo nhất được triển khai đồng bộ, có các giải pháp thiết thực cả về sản xuất và đời sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85% xuống còn 9,5%... Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm đạt những kết quả thiết thực. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và thực hiện các cuộc đối thoại đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hoạt động phòng, chống tham nhũng. Tình hình chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt kết quả quan trọng, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải được phân tích thấu đáo và có biện pháp cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến cho những năm tiếp theo. Trong đó, đáng chú ý là kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo. Thể chế kinh tế chưa đồng bộ, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Quản lý nhà nước còn bất cập. Một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, phẩm chất, lạm dụng quyền hạn, vi phạm pháp luật. Kết quả phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm còn hạn chế. Vấn đề nợ công hiện nay của nước ta bằng 56,7%, nếu không có biện pháp hiệu quả sẽ vượt ngưỡng an toàn (là 60%). Nhiều đại biểu quan tâm vấn đề bội chi ngân sách, tình trạng lạm phát cao, đồng tiền bị mất giá, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, của các doanh nghiệp và sự phát triển bền vững. Các chương trình mục tiêu quốc gia chưa thật sự hiệu quả, phân bổ ngân sách nhà nước cần phù hợp hơn. Sử dụng ngân sách trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vẫn chưa tạo được kết quả mang tính đột phá…

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 mà Chính phủ báo cáo như: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; về 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) với tinh thần thẳng thắn và phân tích cụ thể, đã cho rằng điều quan trọng nhất trong năm 2010 là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý đã đạt được. Đại biểu Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh) kiến nghị Chính phủ cần tập trung nghiên cứu để sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 vì gần đây số đơn thư và số vụ khiếu kiện tăng lên, trong đó có khoảng 70% liên quan đến đất đai. Nhiều đại biểu của Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét để giảm bội chi ngân sách xuống 5,5% tới 5%; thực hiện nghiêm luật ngân sách và thời gian tới sửa đổi luật này; cần rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, tránh chồng chéo và chương trình nào thật sự cần tập trung hỗ trợ có hiệu quả; Chính phủ cần phân tích kỹ, sâu về nguồn tăng thu; có biện pháp phù hợp để giảm nợ công; cần phân bố hợp lý hơn ngân sách nhà nước năm 2011...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất