Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các vị khách quý,

Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,

Hôm nay, Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám. Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị trong Đoàn ngoại giao, các vị khách quý đã đến dự kỳ họp và xin gửi đến các đồng chí, các quý vị cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Kỳ họp thứ tám của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh cả nước ta vừa long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thời điểm sắp kết thúc năm 2010, năm mà đất nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã thực hiện có kết quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 6,7%. Các cân đối vĩ mô cơ bản được bảo đảm. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Thu ngân sách nhà nước ước sẽ vượt dự toán, lạm phát được kiểm soát. An sinh xã hội được chăm lo tốt hơn; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. An ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động đối ngoại được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA-31) trên cương vị Việt Nam là Chủ tịch, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế… Những kết quả đạt được trong năm 2010 có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 theo Nghị quyết của Quốc hội và tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong các năm sau.

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Đó là: kinh tế tăng trưởng nhưng còn thiếu tính bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; cơ sở hạ tầng vẫn yếu kém; hiệu quả đầu tư thấp; nhập siêu còn lớn, bội chi ngân sách còn cao. Giá cả nhiều mặt hàng có xu thế tăng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm trọng. Tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều, một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết… Đây là những vấn đề lớn, cần được đi sâu phân tích sâu sắc tìm ra nguyên nhân đích thực để có biện pháp giải quyết có hiệu quả nhằm hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Chương trình nghị sự của kỳ họp thứ tám gồm nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề sau đây:

Một là, xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, bổ sung ngân sách địa phương năm 2011.

Hai là, thảo luận và thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết, đó là: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính; Luật Viên chức; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cho ý kiến về 9 dự án luật: Luật Kiểm toán độc lập; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Đo lường; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Lưu trữ; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Thủ đô.

Ba là, tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Xem xét một số báo cáo kết quả giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ bảy; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét, thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Bốn là, xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ và các ngành Tòa án, Kiểm sát về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác thi hành án, đặc xá, phòng, ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh; các báo cáo về việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; về kết thúc thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; về hoạt động của Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin); về cho nước ngoài thuê, liên doanh trồng rừng ở khu vực biên giới và một số báo cáo chuyên đề khác.

Năm là, góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trong những ngày qua, liên tục và dồn dập xảy ra những trận lũ lớn tàn phá nặng nề trên diện rộng một số tỉnh miền Trung. Quốc hội một lần nữa xin chia sẻ những mất mát, đau thương về người và tài sản do thiên tai gây ra và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cùng các cấp uỷ Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó, phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để nhân dân những vùng bị thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Kỳ họp thứ tám là kỳ họp cuối năm, kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, có rất nhiều nội dung quan trọng. Trong thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phối hợp cùng Chính phủ và các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị về mọi mặt của kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tiến hành, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Đây cũng là thời điểm cả Trung ương và địa phương đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, đồng thời tích cực chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào năm 2011. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII.

Xin trân trọng cảm ơn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất