Ngày 17-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương cùng tham dự.
Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân do Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trình bày tại buổi làm việc cho thấy thực hiện công cuộc đổi mới, với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở đường cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hòa chung nhịp sống của đất nước, quyết tâm vượt qua thử thách của thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chuyển biến về chất lượng, nhất là từ khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1999). Đến tháng 9-2011 cả nước có trên 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (2005), 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133 ngàn hợp tác xã và trang trại, khoảng 2 triệu doanh nhân.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, đóng góp tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo... Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 7,4 triệu lao động, đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, góp phần tham mưu xây dựng đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, bảo đảm mọi doanh nghiệp đều hoạt động bình đẳng trước pháp luật.
Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, các ban, bộ, ngành hữu quan đã nêu những vấn đề cần quan tâm giải quyết, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, xây dựng và phát huy vai trò, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đại biểu cũng thảo luận về việc tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp; việc phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tiêu chí đánh giá, tôn vinh, khen thưởng, đào tạo doanh nhân. Có ý kiến đề nghị cần bảo đảm bình đẳng giới trong kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nữ doanh nhân tham gia hoạt động kinh tế, nâng cao vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới, nhưng việc thực hiện trong cuộc sống còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp, giải quyết hài hòa các vụ ngừng việc tập thể, bảo đảm quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ doanh nhân phát triển và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam, như hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thấp. Trình độ công nghệ, quản trị doanh nghiệp, công tác cán bộ, kỹ năng lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại tư tưởng e ngại đối với doanh nghiệp tư nhân, cần tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp cùng cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích việc sử dụng công nghệ cao.
Về phương hướng sắp tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh 3 khâu đột phá là đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Chính phủ sẽ tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân phát triển.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển lớn mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, sự phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong quá trình đổi mới, phát triển của đất nước, vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân ngày càng được coi trọng và đã được xác định rõ trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, doanh nhân Việt Nam càng cần có năng lực, trình độ quản lý kinh doanh giỏi, có phẩm chất đạo đức, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc cao....
Tổng Bí thư chỉ rõ, khác với các nước khác, ở Việt Nam phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Bởi vậy, doanh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh cần có ý chí, quyết tâm làm giàu chính đáng, đồng thời tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng... Việc tham gia công tác xã hội từ thiện không phải để đánh bóng mình, mà xuất phát từ cái tâm trong sáng, với tinh thần doanh nhân Việt Nam, tinh thần của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế. Để hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cần sự đồng tâm nhất trí, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và dân, trong đó cần có đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân không thể phát triển nếu tách rời người lao động, do vậy cùng với xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cần hết sức quan tâm chăm lo người lao động.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị xác đáng của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, Tổng Bí thư cũng nhất trí cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân phát triển.
Tổng Bí thư lưu ý VCCI cần phát huy hơn nữa vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư và hỗ trợ phát triển kinh doanh, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhanh và bền vững.
Nguồn: TTXVN