Đổi mới công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tình hình hiện nay ở nước ta

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã lựa chọn, xây dựng được một đội ngũ cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ qua các thời kỳ cách mạng. Điều đó chứng tỏ việc đánh giá cán bộ nói chung là đúng đắn. Tuy nhiên, có không ít trường hợp do đánh giá cán bộ chưa chính xác dẫn đến bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ không đúng, gây tổn thất không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhất là với trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều đó, đòi hỏi phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ.


Đề tài đã hệ thống hoá, làm rõ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phân tích những yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng tới đánh giá cán bộ và tình hình công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thời gian qua.


Sau khi nêu ra những kết quả đạt được như: Có sự đổi mới về nhận thức của Đảng trong công tác đánh giá cán bộ; về quy chế đánh giá, nguyên tắc, mục đích, tiêu chí đánh giá; về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong đánh giá; về quy trình, phương pháp đánh giá; về công tác kiểm tra, giám sát cán bộ; Đề tài đề cập tới một số vấn đề đang đặt ra qua thực tiễn triển khai công tác này: Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất và chậm được khắc phục; vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng cán bộ; đánh giá cán bộ chưa khách quan, công bằng, chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu; tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời kỳ mới chưa được xác định thống nhất


Nhóm nghiên cứu phân tích các nguyên nhân của những yếu kém, bất cập trong công tác đánh giá cán bộ là: Nhiệm vụ giao cho từng chức danh chưa thật cụ thể; quá trình quản lý, giám sát cán bộ còn lỏng lẻo; quy trình đánh giá còn máy móc, phức tạp và một số yêu cầu còn thiếu tính khả thi; sự thiếu đồng bộ, liên kết giữa các khâu trong công tác cán bộ; chưa quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ thể đánh giá; trong đánh giá còn biểu hiện dân chủ hình thức; phê bình và tự phê bình ít phát huy tác dụng, hiệu quả; cán bộ chưa chủ động thể hiện năng lực của mình qua hoạt động thực tiễn.


Đề tài xác định các quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cần quán triệt:

- Đổi mới nhận thức về đánh giá cán bộ.

- Phải nắm vững các yếu tố có sự chi phối, ảnh hưởng tới công tác đánh giá cán bộ.

- Phải đánh giá đúng cán bộ để trọng dụng người có năng lực và loại bỏ những cán bộ không đáp ứng yêu cầu.

- Phương pháp đánh giá phải phù hợp, cụ thể sát với từng đối tượng.

- Đổi mới tổng thể, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ.

Từ đó Đề tài đưa ra 8 giải pháp cơ bản để đổi mới công tác đánh giá cán bộ:

1. Đổi mới tư duy trong công tác đánh giá cán bộ.

2. Xây dựng chế độ đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý.

3. Tiếp tục hoàn thiện quy trình đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý.

4. Phân định rõ mối quan hệ về thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể cấp ủy và người đứng đầu trong đánh giá cán bộ.

5. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình công tác của cán bộ.

6. Dân chủ hóa trong đánh giá cán bộ.

7. Đổi mới các khâu trong công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ.

8. Coi trọng nâng cao chất lượng của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ.      


Đề tài đưa ra một số kiến nghị để tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý:

1. Xây dựng và ban hành các chế độ, quy chế như: Chế độ đánh giá định kỳ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chế độ quản lý và giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ. Quy chế dân chủ trong công tác cán bộ (trong đó có dân chủ trong đánh giá cán bộ). Quy chế tự phê bình và phê bình trong Đảng. Quy chế về sự giám sát của nhân dân trong công tác đánh giá cán bộ.

2. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải thực hiện phân tích công việc đối với từng chức danh trong tổ chức.

3. Cần đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ. Chú trọng phương pháp đánh giá, khảo sát định kỳ và phương pháp đánh giá trong thi tuyển vào chức vụ lãnh đạo, quản lý.

4. Hoàn thiện quy trình đánh giá cán bộ theo định hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp phụ trách cán bộ dưới quyền, từ đó phân định rõ mối quan hệ về thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể cấp ủy và người đứng đầu trong đánh giá cán bộ.

5. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự kiểm tra, giám sát trong mỗi tổ chức và cơ chế giám sát từ bên ngoài tổ chức, đặc biệt từ những đối tác trực tiếp của cơ quan, đơn vị.

6. Đổi mới đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ.


Hội đồng đánh giá cao chất lượng của Đề tài, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, tư liệu phong phú, các giải pháp có giá trị và khả thi. Đề tài được xếp loại khá.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất