Chủ trì buổi họp báo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Đến dự buổi họp báo có các Tùy viên báo chí đại sứ quán các nước tại Hà Nội, phóng viên các cơ quan báo chí, thông tấn nước ngoài và phóng viên báo chí trong nước.
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông báo: Hôm nay (30-6), Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo chuyên đề với 2 nội dung. Nội dung thứ nhất là thông báo việc ban hành các nghị định quy định các điều kiện chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1-7-2016.
Nội dung thứ hai rất quan trọng là cam kết của Thủ tướng Chính phủ là trong tháng 6 sẽ công bố nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam.
Về nội dung thứ nhất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là công việc hết sức quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và đây là nhiệm vụ ưu tiên số một; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để phát triển KTXH Việt Nam.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung xây dựng, ban hành các văn bản, khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản và không tạo ra khoảng trống pháp lý.
Trên cơ sở đó, trong quá trình xây dựng và dự thảo các văn bản quy định chi tiết thực hiện các luật, pháp lệnh của Việt Nam, đặc biệt là các luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ 1-7, đã có sự tích cực tham gia, thẩm định, thẩm tra của các bộ, ngành, cơ quan liên quan; sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện; tổ chức đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, các tập đoàn kinh tế lớn để rà soát với tinh thần bỏ các rào cản, bỏ các giấy phép con.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, đặc biệt 3 tháng gần đây của Chính phủ mới kiện toàn, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã ban hành được 91/100 văn bản cần ban hành. Số văn bản nợ đọng còn 10 văn bản của 13 luật, pháp lệnh. Đặc biệt, trên 50 văn bản cần ban hành để thực hiện 2 luật là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được ban hành đầy đủ. Như vậy việc hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ hết sức quan trọng vì điều hành đất nước bằng các thể chế, lãnh đạo đất nước bằng các quy định của luật, pháp lệnh. Do đó, việc ban hành các văn bản thực hiện chi tiết luật, pháp lệnh là để không có khoảng trống, tạo điều kiện cho người dân và DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Với tinh thần hết sức quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, việc ban hành các văn bản vừa qua bảo đảm tiến độ nhưng không vì tiến độ mà coi nhẹ chất lượng. Chất lượng vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Từ đó tổ chức việc rà soát, xem xét kỹ lưỡng và đối thoại công khai, minh bạch trên cơ sở đủ căn cứ pháp lý, không đặt vấn đề nâng các thông tư thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng lên nghị định. Tất cả những việc liên quan đến tình trạng chồng chéo, chồng lấn, không rõ… thì lần này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo minh bạch làm rõ. Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một cơ quan chỉ giao cho một đầu mối và có người đứng đầu để tổ chức thực hiện.
Việc hoàn thiện pháp luật là một quá trình liên tục và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo sau khi văn bản được ban hành, cần tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện, sửa đổi bổ sung hoặc loại bỏ các quy định nếu thấy không hợp lý. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành và kêu gọi cộng đồng DN, các cơ quan, tổ chức và nhân dân tăng cường giám sát phản biện, kiến nghị sửa đổi hoặc loại bỏ các quy định điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp. Như vậy việc ban hành văn bản trong 6 tháng đầu năm 2016 đã hoàn thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, và công tác quản lý đất nước.
Về nội dung thứ hai: Nguyên nhân sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Trong tháng 4-2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, hủy hoại môi trường biển; ảnh hưởng đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; đồng thời tập trung chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân và đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thu thập dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn nhất xuất phát từ khu vực Vũng Áng của Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, Xyanua, hydoxit sắt 2, tạo thành một dạng phức hợp, hỗn hợp có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát nguồn thải; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của cán bộ, chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có một số hành vi vi phạm; và xác định được sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của Formosa xả thải ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép. Từ các căn cứ trên, các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong nước, quốc tế và đã kết luận. Đó là những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong tháng 4 vừa qua.
Với những chứng cứ khách quan, khoa học, chính xác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cùng tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành khác có liên quan đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Ngày 28-6-2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường trên, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết 5 điểm.
- Thứ nhất là công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
- Thứ hai là thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền trên 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD).
- Thứ ba là khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh; và không để tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra.
- Thứ tư là phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
- Thứ năm là thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Với nhận thức sâu sắc là sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp: Thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định trên tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có sự tham gia, giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan báo chí; giám sát và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm với các cam kết trên. Triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại 4 tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường; triển khai việc xử lý và phục hồi môi trường bị ô nhiễm và tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, không để kẻ xấu lợi dụng, các tổ chức phản động lợi dụng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua.
Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm, đồng tình của nhân dân trong và ngoài nước, nhất là nhân dân 4 tỉnh miền Trung; sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà khoa học; sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự vào cuộc, phối hợp kịp thời của các Ban Đảng ở Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính - xã hội, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước; sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong suốt quá trình giải quyết sự cố môi trường. Đồng thời Chính phủ hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm vừa qua, yêu cầu Formosa hợp tác để xử lý vụ việc.
Từ sự cố môi trường nêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Có thể nói đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tại cuộc họp báo, các cơ quan chức năng cũng đã công bố video clip nội dung lãnh đạo Tập đoàn Formosa xin lỗi Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
Cũng tại họp báo, đại diện các cơ quan đã trả lời câu hỏi của các nhà báo:
Hỏi: Xin cho biết quá trình xác định nguyên nhân cá chết được thực hiện thế nào, sự tham gia các nhà khoa học vào quá trình đó ra sao?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà: Qua clip vừa rồi, có thể thấy là việc xác định nguyên nhân đòi hỏi phải có chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản. Thủ tướng đã chỉ đạo, đây là vụ ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng nghiêm trọng, phức tạp, cần xác minh cẩn trọng, khoa học, khách quan, bài bản, chính xác. Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu chính đáng của người dân đang cần biết thông tin, tạo nên sức ép lớn nên các cơ quan chức năng phải xác định có kế hoạch, tính toán đầy đủ, bảo đảm thu thập đủ chứng cứ, xác định thủ phạm và đấu tranh để có kết quả như hôm nay.
Việc điều tra chia ra làm 3 nhóm triển khai: Nhóm thứ nhất là xác định nguyên nhân, hình dung giải thích cái gì đang diễn ra trên biển 4 tỉnh miền Trung, tìm ra cơ chế gì đang gây ra hiện tượng hải sản và sinh vật chết hàng loạt? Điều này rất khó, phức tạp.
Nhóm thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm. Hai nhóm độc lập nhưng có quan hệ biện chứng, có mối liên hệ chặt chẽ.
Riêng ở nhóm 1, các cơ quan chức năng đã tập trung 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong các lĩnh vực sinh học, hóa học, vũ trụ học, hải dương học… tiến hành nhiều việc liên quan nhiều đến các mẫu cá, nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du…
Đồng thời thực hiện nhiều hoạt động khác nhau xác định từ các hình ảnh vệ tinh bắt đầu diễn biến sự việc, hồi tố lại các sự việc từ trước khi phát hiện ra ô nhiễm. Nhiều cán bộ khoa học căn cứ cả những hình ảnh vệ tinh, xuống biển tìm theo các dấu vết ô nhiễm để xác định bản chất vấn đề là gì…
Các nhà khoa học, nhân viên đã lao động vất vả nguy hiểm, vẫn thận trọng, phân tích hàng nghìn thí nghiệm khác nhau, cả các mẫu thí nghiêm độc tố vài tuần có moi hiệu quả. Ngoài ra lấy ý kiến các nhà khoa học, phòng thí nghiệm để đối chứng, nhiều thông số cần kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý khi giải quyết.
Thủ tướng đã chỉ đạo làm khoa học phải đúng theo trình tự khoa học. Do đó, chúng tôi đã tổ chức Hội đồng khoa học nhà nước đánh giá, lấy ý kiến các nhà khoa học thế giới phản biện độc lập, khi có đầy đủ chứng cứ, kết quả chính xác mới tổ chức công bố.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua, kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Bản thân các hợp chất đó có nhu cầu hút ôxy, nên đi đến đâu trên biển thì lấy ôxy đến đó, góp phần tạo độc tố gây ra cá chết. Toàn bộ sự việc này diễn ra vẫn còn dấu vết.
Chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải ra khu vực biển miền Trung, tập trung vào 3 đối tượng như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, các khu công nghiệp Hà Tĩnh.
Thành phần đoàn thanh tra có các nhà khoa học luyện thép, luyện kim, nhà sản xuất điện, các nhà công nghệ môi trường, nhà quản lý, nhà lập pháp…
Quá trình kiểm tra chúng tôi đã hồi tố, thực hiện các phương pháp kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng, phát hiện ra nhiều sai sót.
Qua kiểm toán năng lượng, chúng tôi đã thấy hàng loạt vấn đề quản lý thử nghiệm vận hành lỏng lẻo, thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải đầu ra không bảo đảm yêu cầu, từ đó chúng tôi xác định chỉ lò luyện cốc phát thải phenol và xyanua. Đến bây giờ có thể nói đã có bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư chấp nhận nguồn thải từ lò luyện cốc Formosa. Nhà đầu tư này phải thừa nhận quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép.
Hỏi: Ngày 23-4, Bộ NN&PTNT khẳng định cá chết do độc tố cực mạnh từ môi trường. Ngày 27-4, Bộ TN&MT cho rằng nguyên nhân có thể từ con người và thủy triều đỏ. Ngày 4-5, Bộ KH&CN đã đủ cơ sở để xác định nguyên nhân cá chết. Vậy tại sao cho đến nay, gần 3 tháng sau khi sự cố xảy ra mới có thông tin chính thức?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Khi xảy ra sự việc, đã có 4-5 nhà khoa học cho rằng sự cố có thể do các nguyên nhân là chất thải từ con người chúng ta (chất vô cơ), chất thải sinh học và thủy triều đỏ. Thời điểm đó các nhà khoa học đã ghi nhận những điều đó. Thông qua nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bộ KH&CN, phải 2 tháng nữa mới xác định được rằng: Cái gì đã xảy ra, cái gì là nguyên nhân chính? Và chúng ta khẳng định phenol và xyanua là nguyên nhân chính. Như vậy, toàn bộ báo cáo này đã phục vụ cho quá trình đấu tranh về pháp lý, đầy đủ căn cứ. Có thể nói chúng ta đã làm đầy đủ, bảo đảm tính khoa học, bảo đảm tính pháp lý. Chính vì vậy, Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, các nhà khoa học của Formosa Hà Tĩnh, các luật sư của Formosa Hà Tĩnh đã đều thừa nhận kết luận của chúng ta và chúng tôi thực hiện đúng sự chỉ đạo của Chính phủ là làm một cách cẩn trọng, bài bản, chính xác, có tính thuyết phục.
Hỏi: Xin hỏi Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, quá trình công bố nguyên nhân thủ phạm gây ra vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung đến nay được xác định là chậm so với sự bức xúc của dư luận. Ông nói gì về sự chậm trễ này?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương công khai, minh bạch diễn biến và các biện pháp xử lý sự cố môi trường nghiêm trọng này. Ngay từ đầu, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo.
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức hàng chục cuộc họp về vấn đề này, yêu cầu điều tra, nhanh chóng xác định nguyên nhân và thủ phạm, đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, kịp thời có giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm theo pháp luật, bất kể họ là ai.
Ở đây tại sao tìm ra nguyên nhân nhưng chậm công bố thủ phạm? Bởi vì chúng ta biết công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hậu quả, công bố thủ phạm là để xử lý sai phạm. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là 2 quá trình điều tra khác nhau, và công bố vào các thời điểm khác nhau.
Điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi các nhà khoa học, đối tượng là các sự kiện. Điều tra thủ phạm được tiến hành bởi các cơ quan điều tra, phối hợp với các nhà khoa học, đối tượng là con người nên phức tạp hơn nhiều. Việc công bố ai là kẻ gây ra sự cố nghiêm trọng này cần có quá trình điều tra xác định chứng cứ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý chuyên ngành và các địa phương.
Kết quả điều tra là khách quan, chỉ dựa trên chứng cứ, hoàn toàn loại trừ mọi sự can thiệp làm chậm quá trình điều tra và sai lệch kết quả điều tra. Các cơ quan tham gia điều tra đã nỗ lực rất lớn, đã làm hết năng lực, trách nhiệm của mình.
Thời gian vừa qua, dư luận trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng về sự chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết. Tôi cho rằng sự bức xúc đó là chính đáng, dễ hiểu bởi sự cố này liên quan tới sự an lành của đất nước, đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống của hàng vạn ngư dân các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sự phản ứng thái quá, suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi cho quá trình điều tra. Tôi cũng cần nói thẳng có một số thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng sự cố này để công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, kích động gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân. Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng sự bức xúc của người dân nhưng không chấp nhận việc lợi dụng sự bức xúc đó để kích động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước. Tôi có thể khẳng định việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố nghiêm trọng này là kịp thời.
Hỏi: Chính phủ có cân nhắc việc đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV về việc sửa đổi, bổ sung pháp luật, các quy định hiện hành liên quan đến tiêu chuẩn môi trường đối với các doanh nghiệp hiện nay không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quy chuẩn về môi trường Việt Nam là văn bản dưới luật, nên việc Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua quy chuẩn là không đúng với thẩm quyền của Quốc hội. Tới đây, Chính phủ sẽ không đề xuất với Quốc hội ban hành văn bản quy chuẩn về tiêu chuẩn môi trường.
Hỏi: Có thông tin cho rằng ngăn cản không cho báo chí đưa tin? Có hay không việc giấu thông tin với nhân dân?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Thực tế cho thấy, đầu tháng 4, sau khi sự cố xảy ra, báo chí trong và ngoài nước đã đưa tin rất nhiều. Báo chí Việt Nam đã thông tin nhiều chiều, tần suất dày đặc về tình trạng cá chết hàng loạt. Đảng, Nhà nước không hề có chủ trương che giấu thông tin. Không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng, Nhà nước cũng cần biết sự thật; yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc. Tuy nhiên, sau một thời gian, đối với báo chí trong nước, để tạo thuận lợi cho các cơ quan điều tra, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan truyền thông thực hiện theo đúng Luật Báo chí, giảm liều lượng, không suy diễn, quy chụp để chờ kết luận của cơ quan điều tra. Việc này là cần thiết để tránh những thông tin suy diễn làm ảnh hưởng, gây trở ngại đến kết quả của công tác điều tra. Với những sự việc phức tạp và nghiêm trọng như cá chết hàng loạt vừa rồi, các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm, điều tra của báo chí không thể thay thế điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học. Tuy nhiên nhìn chung, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã thông tin kịp thời về sự cố này và đã có sự hỗ trợ đáng ghi nhận đối với các cơ quan điều tra để nhanh chóng xác định nguyên nhân, tìm ra thủ phạm.
Hỏi: Qua kết quả cho thấy Formosa là doanh nghiệp gây ra sự việc hải sản chết vừa qua. Tôi xin hỏi việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải cho FHS theo Tiêu chuẩn Việt Nam như thế nào và trách nhiệm giám sát của Bộ với sự việc xảy ra như thế nào?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Tôi xin nói tiếp theo ý của Bộ trưởng Bộ TT&TT rằng nếu ta cung cấp thông tin hết thì chúng tôi sẽ không còn gì để đấu tranh pháp lý, tìm ra nguyên nhân nữa nữa.
Về cấp phép, việc cấp phép đối với FHS, nguồn nước thải bao gồm các nguồn: Nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải từ Cảng, nước thải từ sinh hóa, từ các xử lý luyện cốc xuống. Như vậy việc đưa ra Tiêu chuẩn 52 là tiêu chuẩn đối với ngành công nghiệp gang thép kiểm soát 12 thông số.
Về mặt quy chuẩn, theo Quy chuẩn quốc gia truyền thống thì có 2 quy chuẩn: Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở mức chỉ kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn một chút, một số thông số như sắt… là chưa kiểm soát.
Như vậy có thể nói, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số.
Nội dung thứ hai, trong lượng nước thải ra, bao gồm cả nước thải từ Cảng, dầu mỡ... thì Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy phải áp dụng cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng.
Ở đây có một mặt hạn chế về Quy chuẩn 52, mặt khác là cách áp dụng có thể nói là chưa sát với tình hình và ta chưa tiên lượng được các nguồn thải của FHS. Đây là một vấn đề.
Vấn đề thứ hai, về việc giám sát, trên thực tế giai đoạn vận hành, nguồn ta giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hóa từ sản xuất cốc. Nguồn đó bao gồm: cyanua, phenol và các kim loại nặng và nguồn này cần có hệ thống giám sát đạt tiêu chuẩn của Quy chuẩn 52 trước khi thải vào hệ thống chung. Nhưng trên thực tế mới trên giai đoạn thử nên ở khâu vận hành, chưa có cơ quan nào vào giám sát khi hệ thống vận hành. Khi họ nói hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan Nhà nước mới đến. Đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành nên ta đã không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm. Nguồn từ các trạm xử lý nước thải sinh hóa phải đáp ứng Quy chuẩn 52 thì mới được đưa vào nguồn nước thải chung.
Về hệ thống giám sát tự động, trên thực tế cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá và hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt không quan trắc được. Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm.
PV hãng thông tấn AP hỏi: Với vụ việc như thế này, các cơ quan bảo vệ pháp luật có khởi tố vụ án để điều tra vụ án hình sự hay không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trước hết tôi rất hoan nghênh ý kiến của phóng viên AP của Mỹ tại Hà Nội. Các bạn biết khi có thông tin sự cố hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung thì các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cũng có thái độ rất rõ ràng. Đó là quyết liệt chỉ đạo bằng được các cơ quan trong nước và yêu cầu có sự tham gia của các nhà khoa học ngoài nước. Trước hết tập trung đưa ra các biện pháp khắc phục ngay nhằm ổn định đời sống của ngư dân và nhân dân ven biển, kể cả vấn đề quan tâm đến hỗ trợ lãi suất, việc làm, tổ chức thu mua toàn bộ hải sản mà ngư dân đánh bắt, công bố sớm vùng hải sản đánh bắt an toàn và cảnh báo, dự báo những vùng đánh bắt không an toàn để người dân biết, tránh không sử dụng hải sản không đạt tiêu chuẩn.
Việc đấu tranh để tìm ra thủ phạm gây xả thải ra môi trường vừa qua của Formosa Hà Tĩnh là việc làm thể hiện thái độ rất cương quyết của Chính phủ Việt Nam. Quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam là xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ một cá nhân, tổ chức nào.
Tuy nhiên, các bạn biết, Việt Nam đang xây dựng một môi trường đầu tư để tạo hình ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và tham gia các nghị định thương mại và đang được các bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao. Đó là ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việc kinh doanh, đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thành công chính là khẳng định môi trường đầu tư rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Formosa Hà Tĩnh đã nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam và đã đưa ra 5 cam kết trách nhiệm bồi thường và không tái diễn vụ việc tương tự. Ở Việt Nam chúng tôi có câu “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Như vậy, tôi muốn nói rằng, Chính phủ Việt Nam luôn luôn có thái độ rất rõ là xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật của Việt Nam nhưng đồng thời có chính sách hết sức khoan hồng, độ lượng, để thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài có vi phạm nhưng nhận lỗi trước Nhà nước và nhân dân Việt Nam thì sẽ xem xét. Nếu như các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật của Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng bảo đảm cho các nhà đầu tư hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả, nhưng đồng thời cũng quy định rõ nếu vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm.
Việc nhận lỗi của Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh cũng đã thể hiện thái độ trước việc vi phạm trên. Cho nên việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì đây là việc Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc. Nếu như nhà đầu tư nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam thì cũng mong rằng nhân dân Việt Nam có thái độ độ lượng và khoan hồng, thể hiện tấm lòng cao thượng của người dân Việt Nam.
Hỏi: Thực tế Formosa đã có rất nhiều tiền án gây ra với môi trường tại các nước mà DN này đầu tư. Vậy tại sao Formosa vẫn lọt vào Hà Tĩnh như thế? Tới đây quy trình thẩm định dự án thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có gì thay đổi không?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: Tôi xin trả lời câu hỏi của phóng viên nêu ra. Thứ nhất chúng tôi có thể cung cấp cho các phóng viên về quá trình tham gia thẩm định dự án của Formosa vào năm 2008 như sau. Tại thời điểm đó, quy trình thẩm định dự án đầu tư nước ngoài và cấp phép đầu tư nước ngoài được tuân thủ theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết về thực hiện Luật Đầu tư năm 2005. Theo quy định đó, thời điểm đó chúng ta đã phân cấp cho UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan của Trung ương có vai trò đóng góp ý kiến thẩm định. Chúng tôi nhận được ý kiến của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỏi về dự án này và theo chức năng nhiệm vụ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 3871 ngày 29/5/2008 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh góp ý về nhiều nội dung trong đó tôi xin đọc nội dung trích đúng nguyên văn của văn bản góp ý về phần môi trường như sau: “Phần đánh giá tác động môi trường của dự án còn sơ sài, chưa đề cập đến các yếu tố như nguồn gây tác động, đối tượng và quy mô bị tác động, đánh giá các tác động, biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa sự cố môi trường. Đề nghị nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nhà nước xem xét phê duyệt theo quy định hiện hành”.
Vậy là chúng tôi có thể khẳng định rằng ngay thời điểm đóng góp ý kiến thẩm định cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án, chúng tôi đã có cảnh báo.
Về chính sách đầu tư của chúng ta có gì thay đổi sau sự cố này, chúng tôi xin khẳng định chính sách đầu tư của Chính phủ Việt Nam là nhất quán và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, đúng các cam kết của chúng ta đưa ra với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài.
Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để rà soát theo từng chức năng nhiệm vụ của mình để bảo đảm việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi xin nói lại, chính sách thu hút quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam gần đây nhất được thể hiện tại Nghị quyết số 103 của Chính phủ ngày 29-8-2013. Đây là nghị quyết được đưa ra sau hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nghị quyết này đã đưa ra một số định hướng, trong đó định hướng chủ chốt là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Tôi xin nhắc lại là thân thiện với môi trường. Đây là định hướng rất quan trọng trong Nghị quyết số 103 của Chính phủ. Ngoài ra các nội dung khác của Nghị quyết này quý vị có thể tham khảo trên website của Bộ KH&ĐT.
Chúng tôi xin khẳng định định hướng thu hút của Chính phủ là không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.
Hỏi: Mức đền bù 500 triệu USD là cao, tôi muốn biết tính toán thế nào, tại sao ra con số 500 triệu USD?
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Tôi được biết Tập đoàn Formosa có cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản. Phải nói số đền bù chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ, vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp. Còn thiệt hại lớn hơn nhiều như tổn tương tâm lý, các hệ lụy khác... Ví dụ thiệt hại ở Minamata của Nhật Bản do một công ty Nhật xả thải gây ra các bạn nghĩ là bao nhiêu, vẫn chưa tính được.
Chúng tôi không cần thiết ở chỗ bao nhiêu mà yêu cầu Formosa và cổ đông thay đổi công nghệ, không để xảy ra tình trạng như vậy, xử lý ô nhiễm môi trường, hỗ trợ người dân xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường. Kinh phí đó không phải lớn như ông nói.
Hỏi: Trong quá trình nhà máy Formosa vận hành, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc xả thải của doanh nghiệp này như thế nào? Tỉnh đã có những kiến nghị gì? Sau khi xảy ra sự việc, trách nhiệm của địa phương trong việc doanh nghiệp xả thải ô nhiễm ra sao?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Khi sự cố nghiêm trọng xảy ra, trong điều kiện khó khăn như vậy, vì truyền thống văn hóa, nhân văn, lòng yêu nước, nhân dân các tỉnh miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã kiên trì chờ đợi câu trả lời nguyên nhân tại đâu và rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, tin tưởng vào các nhà khoa học sẽ tìm ra nguyên nhân. Hôm nay, tôi thấy Chính phủ tổ chức cuộc họp báo công bố nguyên nhân, lãnh đạo Tập đoàn Formosa công khai xin lỗi, phần nào đã giải tỏa được sự chờ đợi của nhân dân.
Dự án Formosa là dự án lớn, được tất cả các bộ, ngành tham gia và nhiều việc vượt ra ngoài khả năng của Hà Tĩnh. Mặc dù vậy, trong quá trình kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước trên địa bàn, Hà Tĩnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương. Hà Tĩnh đã giao trách nhiệm cho Ban quản lý dự án kinh tế, Sở TN&MT cùng các sở, ngành liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý.
Trên thực tế Ban quản lý dự án kinh tế, Sở TN&MT, các sở đã có nhiều cuộc kiểm tra và đã có xử lý. Đặc biệt, khi có sự cố cá chết xảy ra, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các nhà khoa học, với các bộ, ngành Trung ương cung cấp các thông tin và yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy trong quá trình vừa qua, vì khả năng có hạn, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Thông qua sự việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục xử lý những cá nhân giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành…
Hỏi: Xin hỏi lãnh đạo Bộ Y tế hiện nay đánh giá mức độ an toàn của nước biển cũng như hải sản các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và có khuyến cáo người dân thế nào đối với nước biển và hải sản của 4 tỉnh này?
Đại diện Bộ Y tế: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc quản lý của Bộ, các Sở Y tế, cơ quan chuyên môn thuộc sở, thực hiện biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Trong đó chúng tôi tập trung chủ yếu cho việc xét nghiệm hải sản sống trong thời gian 3 tuần, liên tục làm hằng ngày, cập nhật thông tin cho các Sở Y tế để thông tin đến người dân, đăng tải trên các website của Bộ cũng như VTV.
Tất cả hải sản chúng tôi xét nghiệm đã có công bố rất minh bạch. Những hải sản đó bảo đảm chất lượng.
Các cơ quan của Bộ Y tế hiện nay đã triển khai các kế hoạch về giám sát, quan trắc môi trường, yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tại 4 tỉnh này. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp cần thiết đối với cơ sở y tế giám sát sức khỏe người dân tại 4 tỉnh.
Đại diện Bộ NN&PTNT: Ngay từ đầu khi sự cố xảy ra, Bộ đã chỉ đạo 3 viện của Bộ cũng như các đơn vị liên quan lấy mẫu, giám sát, xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu cho Chính phủ.
Ngay ngày 1/5/2016, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp, đã đưa ra kết luận, chỉ đạo quan trọng là khoanh vùng ảnh hưởng. Chúng tôi đã tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo các vùng ảnh hưởng của 4 tỉnh tính từ bờ ra là 20 hải lý. Chúng tôi cũng chỉ đạo, đối với những vùng ảnh hưởng trong 20 hải lý tại 4 tỉnh, hơn 15.000 tàu khai thác dưới 90 CV của 4 tỉnh đều lấy mẫu giám sát hằng ngày, nếu phát hiện có hải sản nhiễm độc, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm thì tiêu hủy và tham mưu với Chính phủ có chính sách hỗ trợ.
Vùng ngoài 20 hải lý ở 4 tỉnh này được xác định là vùng an toàn. Tổ chức xác nhận hải sản khai thác đối với loại tàu trên 90 CV, ở vùng ngoài 20 hải lý, ngay tại các bến cảng, bến cá để xác định đây là sản phẩm an toàn. Tuy nhiên để yên tâm, chúng tôi vẫn chỉ đạo cơ quan chức năng lấy mẫu tần suất 2 tới 3 ngày/lần. Nếu phát hiện thì cũng xử lý.
Với tinh thần như vậy, chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ trong thời gian vừa qua và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong vấn đề an toàn thực phẩm.
Đối với nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã ra khuyến cáo trong thời gian chưa xác định rõ nguyên nhân mà nước lấy mẫu hằng ngày không an toàn thì không nên thả nuôi, kể cả nuôi biển cũng như lấy nước nuôi ven bờ. Khi lấy mẫu hằng ngày như vậy, nếu thấy nước an toàn thì khuyến cáo các địa phương có thể tổ chức cho lấy nước vào, nhưng qua ao lắng, quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và trước khi thả nuôi phải thử nghiệm. Đến nay, khẳng định nước biển lấy vào nuôi trong địa bàn 4 tỉnh này đã cơ bản an toàn. Tuy nhiên, bây giờ chưa xử lý hết được tồn dư, vẫn cần quan trắc lấy mẫu hằng ngày để phát hiện, xử lý, bảo đảm an toàn cho người dân.
Bộ liên tục cử các đoàn công tác vào bám sát các địa phương xử lý vấn đề này để nhân dân yên tâm sản xuất.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Sáng nay, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp và các loại hình hoạt động khác. Đối với trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến sự cố này, dù ở cấp nào cũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật tuỳ theo mức độ sai phạm của mình.
Nguồn: Chinhphu.vn