Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngày 31-10-2013, Quốc hội dành thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước; thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015. Phiên thảo luận tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, giải pháp khắc phục; dự báo tình hình 2014-2015, xác định các chỉ tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu cho năm 2014; kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng…

Kết quả và nguyên nhân

Qua thảo luận, các ý kiến đều đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong năm qua cũng như trong 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm, đặc biệt là việc duy trì tốc độ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, giá cả, đổi mới công tác điều hành theo hướng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với các năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; nền kinh tế chững lại do bị cắt giảm một loạt các dự án đầu tư công; kinh tế phát triển chưa vững chắc; các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn…

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đánh giá, năm qua, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần mổ xẻ đầy đủ các nguyên nhân của hạn chế, trong đó cần tập trung vào phân tích về chủ trương, chính sách, kỷ luật, kỷ cương thực hiện. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu sắc, toàn diện về nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch, trên cơ sở đó có giải pháp kịp thời, hiệu quả, gắn chặt với nguyên nhân. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh, hạn chế về kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, nói chưa đi đôi với làm đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ nhiều lần, nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục, làm giảm sút niềm tin của người dân trong nhiều lĩnh vực. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, làm cho hiệu lực quản lý Nhà nước kém hiệu quả. Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) lo lắng vì niềm tin thị trường chưa được phục hồi, thể hiện ở việc DN chưa mặn mà trong vay vốn dù lãi sất thấp, làm ăn cầm chừng; xuất khẩu tăng nhưng khu vực kinh tế trong nước đang yếu tầm trong cạnh tranh; thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị dồn toa do nhiều năm gần đây vay trung hạn. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ sự “an tâm” với báo cáo của Chính phủ nhưng đề nghị cần có đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vấn đề này, vì tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm ngoái là “đáng nghi ngờ” trong khi thu ngân sách hụt, số DN giải thể, phá sản vẫn nhiều....

Nhận định nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) cho rằng, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng, đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Quan sát những chính sách thực thi từ đầu năm, đại biểu đánh giá Chính phủ đã năng động, sáng tạo, bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô, áp dụng nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế, từng bước triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý nhiều điểm nghẽn tín dụng, tăng sức mua của thị trường, xử lý hàng tồn kho, giảm thời gian nộp thuế và tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế… “Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô thì kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao các năm sau nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến của tình hình” – đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu. Đáng lưu ý, theo đại biểu, năm 2013 xuất hiện một số vấn đề mới có nguy cơ gây  mất ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch, ước 9 tháng chỉ đạt bằng 66% dự toán năm. Thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm có tới 79% doanh nghiệp kê khai nộp thuế giá trị gia tăng nhưng không phát sinh thuế phải nộp, bình quân cứ 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì chỉ có 1 doanh nghiệp có phát sinh nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng. Cũng theo đại biểu, thị trường bất động sản đóng băng cũng đang trở thành vấn đề khó khăn rất lớn trong bài toán vấn đề ngân sách năm 2014-2015. “Đây là vấn đề lớn mà tại kỳ họp này Quốc hội phải đặt lên bàn nghị sự Quốc hội”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.

Giải pháp

Chung những nhận định này, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, Chính phủ cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, trong đó phân cấp cho địa phương thẩm định trước khi phê duyệt nguồn vốn cho các dự án; tăng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu để hoàn thành các dự án lớn của đất nước; có những giải pháp mạnh hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị nhấn mạnh, phải ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm. Theo ông, chúng ta cần phải phân biệt vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước với DN nhà nước, không trao cơ chế độc quyền hay đặc biệt cho bất cứ DN nào, không bơm tiền cho những DN Nhà nước hoạt động không hiệu quả. Quốc hội cần thể hiện tại nghị quyết yêu cầu về cải cách tiền tệ, hệ thống thống kê để lần tới không còn tình trạng Quốc hội quyết trên những con số ảo. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để đây không còn là hạn chế của Chính phủ trong báo cáo các năm về sau. Về đề xuất tăng bội chi, đại biểu Học lưu ý, việc Chính phủ nhận định nền kinh tế đang phục hồi nhưng lại đề nghị tăng bội chi, chủ yếu dùng để trả nợ, là không phù hợp. Theo ông, bội chi chỉ được ưu tiên để dùng cho đầu tư phát triển. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) về các chính sách cho 2 năm tới, ông kiến nghị Chính phủ cố gắng xử lý chính sách tiền tệ linh hoạt ở mức tăng tín dụng khoảng 14-18%, để các DN vướng nợ có điều kiện làm ăn, trả được nợ vay, không chết vì thiếu vốn; cố gắng sử dụng hiệu quả dòng tiền, làm sao dòng tiền ngân sách như dòng máu. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ, tài khóa, điều chỉnh giá các dịch vụ công như một phương trình 3 ẩn số, tránh sự không đồng bộ, gây lạm phát; tập trung thực hiện cho được tái cơ cấu đầu tư công, đạt kế hoạch đề ra cho năm 2015, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến niềm tin thị trường. Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu so với các nước khác, mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không phải là thấp. Ông ủng hộ việc tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ, chính sách tiền tệ, tích cực xử lý nợ xấu để tăng lưu thông của dòng tiền, chấp nhận tăng trưởng chậm nhưng vững chắc. Còn theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), thực trạng tình hình chung của kinh tế - xã hội 3 năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã thẳng thắn báo cáo trước Quốc hội 8 hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đại biểu cho rằng, đến nay chưa có đề án đầu tư công, tái cơ cấu nhà nước rời rạc, tái cơ cấu ngân hàng thì chưa đạt yêu cầu. Để đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp phù hợp, ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung, làm rõ trách nhiệm về quản lý của Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua. Đề cập tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm tái cơ cấu các tổng công ty, tập đoàn, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ lo lắng trước tiến độ thực hiện chậm trễ dù đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt. Đại biểu cho rằng, cần xác định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước không đồng nghĩa vai trò chủ đạo, then chốt của DNNN, hỗ trợ vĩ mô để các doanh nghiệp đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phản ánh, nhiều hạng mục đầu tư cho cấp cơ sở hiện không cần thiết như nhà thi đấu thể thao cấp xã, thôn, ấp… nên dành nguồn vốn đầu tư này cho hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.Các đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt thẳng vấn đề, những khó khăn cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục kéo dài phải chăng do chúng ta đang quá thận trọng, quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ gây bất ổn trong trung hạn. Và với nhiều dấu hiệu tích cực của việc kiềm chế được lạm phát, Chính phủ cần hướng mạnh hơn nữa các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất