Quốc hội thảo luận về quy hoạch thủy điện, Luật Đấu thầu

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện. Theo đó, về cơ bản, quy hoạch thủy điện trên cả nước đã được lập và phê duyệt, làm cơ sở xem xét cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Trên cả nước có 1.239 dự án với tổng công suất lắp máy Nlm = 26.012,8 MW và tổng dung tích phòng lũ thường xuyên cho hạ du Wpl = 10,51 tỷ m3, trong đó gồm 130 dự án có Nlm ≥ 30 MW (tổng Nlm = 19.233,6 MW và Wpl = 10 tỷ m3) và 1.109 dự án có Nlm < 30 MW (tổng Nlm = 6.779,2 MW và Wpl = 0,51 tỷ m3).

Qua quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các DATĐ, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công thương đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các DATĐ trên địa bàn cả nước; đã chỉ đạo và xem xét điều chỉnh, bổ sung hợp lý các quy hoạch thủy điện nêu trên. Kết quả rà soát năm 2012 đã được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10759/BCT-TCNL ngày 08 tháng 11 năm 2012 và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 51/VPCP-KTN ngày 03 tháng 01 năm 2013. Từ tháng 01 đến tháng 4 năm 2013, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu và hướng dẫn UBND các tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các DATĐ trên địa bàn. Đồng thời, đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND các tỉnh thành lập các Đoàn công tác liên ngành, làm việc trực tiếp tại 20 tỉnh có nhiều DATĐ (gồm: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) để xem xét cụ thể các vấn đề như: Rà soát quy hoạch và tình hình đầu tư xây dựng các DATĐ trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 51/VPCP-KTN ngày 03 tháng 01 năm 2013. Kiểm tra, đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các DATĐ: những mặt được và những vấn đề tồn tại; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Chủ đầu tư (CĐT) dự án; công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu/điểm tái định cư; công tác thu hồi đất, khai hoang, giao đất sản xuất, chất lượng đất; việc xây dựng, bàn giao, vận hành, khai thác cơ sở hạ tầng tái định cư; công tác chuyển giao và hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân tái định cư; các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan. Đánh giá công tác thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế cho diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng (theo quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng); những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải quyết...

Để quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng thủy điện, tại văn bản số 17/TB - VPCP ngày 14 tháng 1 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần khắc phục các mặt trái, tiêu cực đến môi trường-xã hội; đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn về hồ đập, an toàn về tính mạng của nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt công tác di dân, tái định cư để người dân từng bước ổn định đời sống, sản xuất, đặc biệt chú trọng đến môi trường, đảm bảo hiệu quả tổng hợp của DATĐ cả về hiệu quả KT-XH và môi trường, thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc lập, thẩm định dự án, thi công xây dựng và vận hành công trình.

Về Luật đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự luật đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cơ quan chuyên môn, các chuyên gia theo hướng có chọn lọc một cách hợp lý. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, giải quyết triệt để những vướng mắc hiện nay, hoạt động đấu thầu vẫn cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố ở quan điểm xây dựng luật cũng như kỹ thuật soạn thảo. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về 4 vấn đề lớn: phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, trong đó có quy định về tổ chức đấu thầu với các dự án có hạn mức vốn của Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng; việc chỉ định thầu; mua thuốc cho các cơ sở y tế; hợp đồng với nhà thầu, nhà đầu tư. Đáng chú ý, về chỉ định thầu, hạn mức chỉ định thầu, theo đại biểu Lê Công Đỉnh - Long An, quy định như dự thảo luật sẽ rất khó thực hiện, vì hiện nay gói thầu do biến động giá và chi phí cao, các công trình đơn giản sửa chữa nhỏ cũng đã có giá trị trên 1 tỷ đồng.
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, ngoài các tiêu chuẩn liên quan đến nội dung, tính chất và quy mô dự án, cần phải quy định thêm tiêu chuẩn về thời gian thực hiện gói thầu, vì trong thực tế cho thấy nhiều trường hợp chỉ định thầu theo vận dụng trường hợp bất khả kháng là khẩn cấp và cấp bách nhưng lại kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, nên bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu đối với các gói cung cấp dịch vụ hàng hóa do nhà nước chỉ định theo đặt hàng, bao gồm cả nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, cung cấp vũ khí, khí tài và xây dựng các công trình có yêu cầu đặc biệt quan trọng về đảm bảo an toàn và an ninh quốc gia. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP. Hà Nội) đề nghị không áp dụng chỉ định thầu đối với các dự án ODA có vốn đối ứng của Việt Nam, có thể từ 11% trở lên. Lý do chủ yếu được đại biểu Hà đưa ra là Việt Nam đã coi ODA là vốn nhà nước; các dự án ODA thường có quy mô lớn và trong thời gian tới, cùng với quá trình phát triển kinh tế, điều kiện cấp ODA sẽ đậm dần tính chất thương mại, trong đó có yêu cầu tỷ lệ vốn đối ứng của Việt Nam ngày càng cao hơn, do đó, khả năng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án ODA sẽ vượt mức 30% của dự án trên 500 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, thời gian qua, toàn bộ điều kiện sử dụng mua sắm và thực hiện đầu tư từ nguồn ODA với mức việc trợ không hoàn lại thường dưới 10% tổng mức ODA cam kết và đều do nhà cung cấp quyết định khiến chi phí tăng hơn so với tổ chức đấu thầu, gây bất lợi cho Việt Nam.

Dưới góc độ khác, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, trong những năm qua, việc thực hiện các dự án luôn có việc trượt giá vật liệu, nhân công với tỷ lệ nhất định. Nếu quy định cụ thể hạn mức được chỉ định thầu trong luật sẽ dễ xảy ra tình trạng, khoảng vài năm sau, hạn mức này không còn phù hợp vì trượt giá. Vì vậy, Quốc hội nên giao Chính phủ quy định hạn mức phù hợp cho từng giai đoạn. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đề nghị, cần phải xem xét lại toàn bộ quy định về việc bảo đảm tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu của dự thảo luật. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp với thực tế, hợp lý nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chính của việc sửa đổi luật lần này là tính công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu. Ngoài ra, có đại biểu cho rằng dự luật cần có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm soát để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu được coi là thuộc vào các trường hợp được chỉ định thầu, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chủ đầu tư kiến nghị chỉ định thầu tràn lan, thiếu nhất quán về điều kiện được áp dụng chỉ định thầu và không phân định rõ được trách nhiệm.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất