Chiều 11-10-2011, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết khóa Bồi dưỡng kiến thức công tác xây dựng đảng về tổ chức năm 2011. Trong năm 2011, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh mở hai lớp bồi dưỡng kiến thức xây dựng đảng về tổ chức cho các đối tượng học viên là trưởng, phó ban tổ chức các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương. Theo báo cáo của Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, đã có 52 địa phương, đơn vị, trong đó có 46 tỉnh, thành phố, 6 cơ quan Trung ương với tổng số 109 học viên (87 nam, 22 nữ) tham gia bồi dưỡng. Về thành phần tham dự bồi dưỡng, số học viên là trưởng ban tổ chức tỉnh, thành ủy là 15 đồng chí; phó trưởng ban tổ chức tỉnh, thành ủy 62 đồng chí; trong quy hoạch phó trưởng ban 2 đồng chí; vụ trưởng, tương đương 9 đồng chí; cấp trưởng, phó phòng 9 đồng chí; giảng viên cao cấp, giảng viên chính 10 đồng chí; chuyên viên cao cấp: 2 đồng chí.
Nội dung khóa bồi dưỡng gồm 7 bài. Ngoài các chuyên đề về Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, học viên được nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề trong công tác cán bộ, chính sách cán bộ, tổ chức và bộ máy Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ. Khóa học đã giúp học viên hệ thống hóa được các văn bản của Trung ương, tiếp thu được tinh thần, nội dung cơ bản các văn bản quan trọng và những nội dung liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ năm 2011, năm 2012, hình dung được những vấn đề mới, hướng chỉ đạo nghiên cứu của Ban, Ban Bí thư, Bộ Chính trị...
Điểm mới trong tổ chức khóa học năm nay là các lớp học dành nhiều thời gian chia tổ thảo luận (1/2 thời gian học). Mỗi lớp được chia thành 4 tổ (nhóm), mỗi tổ có từ 12-15 học viên. Các tổ đều được bố trí giảng viên và cán bộ là lãnh đạo của vụ chuyên đề - những người am hiểu, chuyên sâu nghiệp vụ - trực tiếp lắng nghe và khuyến khích học viên tự trao đổi, thảo luận, giải đáp những ý kiến của học viên trong nhóm nêu ra cũng như những vấn đề mới, trọng tâm và những vấn đề cần được nhận thức thống nhất trong văn bản của Trung ương, những vấn đề về lý luận, thực tiễn đã và đang đặt ra cần nghiên cứu, xử lý... Quá trình thảo luận, học viên đã nêu ra và tự giải đáp nhiều vướng mắc cũng như trao đổi cho nhau nhiều kỹ năng xử lý tình huống và kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc tham mưu cho cấp ủy, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các buổi thảo luận không chỉ thỏa mãn được yêu cầu từ phía học viên mà ngay cả các giảng viên và cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương, học viên hiện là giảng viên Học viện Xây dựng Đảng cũng thu hoạch được nhiều kiến thức thực tế, gợi mở một số vấn đề cần nghiên cứu từ các ý kiến của học viên - những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương, đơn vị.
Ngoài quá trình học tập trên lớp, học viên còn được đi nghiên cứu thực tế tại Sơn La, Hoà Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhà tù Sơn La, Thủy điện Sơn La, Công ty Cao su Sơn La (tỉnh Sơn La), Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) và huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đánh giá về khóa học, các ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất: Khóa học đạt kết quả tốt nhờ công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo, công phu. Nội dung, chương trình đảm bảo được yêu cầu ngắn gọn, hệ thống, thiết thực, cập nhật được những vấn đề mới; thời gian bố trí cho việc giảng trên lớp, thảo luận tổ, thăm quan, nghiên cứu tìm hiểu thực tế khá hợp lý, phù hợp với nội dung, chương trình, thời gian của một khóa bồi dưỡng định kỳ, đáp ứng được yêu cầu của học viên. Đội ngũ giảng viên, cán bộ tham gia hướng dẫn thảo luận đa số nhiệt tình, trách nhiệm, có sự am hiểu sâu về nghiệp vụ và kiến thức thực tiễn, mạnh dạn áp dụng phương pháp mới trong việc truyền đạt, trao đổi với học viên. Cách thức tổ chức, phương pháp học tập tích cực được áp dụng đã tạo không khí chủ động, sôi nổi, gần gũi giữa giảng viên và học viên trong suốt quá trình học tập. Học viên tham gia các lớp học có tinh thần tự giác cao. Cơ sở vật chất phục vụ lớp học như hội trường, nơi ăn, nghỉ cơ bản đảm bảo, vệ sinh sạch sẽ, thái độ phục vụ của cán bộ giúp việc cho lớp học lịch sự, chu đáo, trách nhiệm cao. Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã có sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị, triển khai tổ chức lớp học theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần được rút kinh nghiệm: Có bài giảng còn chưa bám sát thực tiễn; sự phân công, phối hợp trong một số việc cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chưa thật hiệu quả. Số lượng học viên tuy tăng nhiều so với những năm trước đây nhưng số học viên là trưởng ban tham gia còn quá ít do chưa được thông tin kịp thời từ phía cơ quan mở lớp bồi dưỡng. Kinh phí cho việc mở lớp còn bị động...
Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, khóa học thành công nhờ có sự đầu tư đặc biệt của cả Ban Tổ chức Trung ương và Học viện. Các khóa học tiếp theo, cần xác định rõ chủ thể mở lớp, nên theo hướng Ban Tổ chức Trung ương là nơi đặt hàng, Học viện là cơ quan thực hiện. Việc ra thông báo chiêu sinh do Ban Tổ chức Trung ương ban hành chắc chắn sẽ thu hút được nhiều học viên hơn. Theo đồng chí Tạ Ngọc Tấn, cần phân biệt đối tượng học viên để mở các lớp phù hợp. Ví như lớp cho học viên mới đảm nhiệm cương vị lãnh đạo ban tổ chức tỉnh, thành ủy cần chương trình bồi dưỡng chuyên sâu; lớp cho các học viên đã tham dự các lớp bồi dưỡng những năm trước thì cần có chương trình bồi dưỡng cập nhật...
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng đánh giá cao thành công của khóa bồi dưỡng công tác xây dựng đảng về tổ chức năm nay. Đồng chí khái quát 5 yếu tố tạo nên thành công: Một là, có sự chuẩn bị chu đáo, từ xa. Hai là, đề cương bài giảng được chuẩn bị công phu, theo yêu cầu người học; đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm và kiến thức, nhiệt tình giảng dạy. Ba là, học viên có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị. Bốn là, sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của các địa phương nơi mở lớp và nơi đi thực tế. Năm là, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Xuân Sơn