Hội thảo khoa học “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay- Thực trạng và giải pháp” do đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì nằm trong chương trình Đề tài khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn của Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” do Ban Tổ chức Trung ương thực hiện nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020.
Ngày 18-4-2013, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Hành chính khu vực 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay – Thực trạng và giải pháp”.
Dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Hành chính khu vực 2, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ của Học viện Chính trị Hành chính khu vực 2, Trường Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, người làm công tác tổ chức cán bộ một số tỉnh, thành phố phía Nam.
Báo cáo Đề dẫn do đồng chí Nguyễn Văn Quynh trình bày nêu: Đề tài nhằm xây dựng các luận cứ khoa học, thực tiễn để xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đề tài tập trung vào 3 nhiệm vụ chủ yếu: Làm rõ những căn cứ lý luận về cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; Đánh giá thực trạng chất lượng cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thời kỳ thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ; Đề xuất các định hướng cơ bản về chu trương và giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ trong những năm tiếp theo (tới năm 2020).
Đã có hơn 10 ý kiến tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội trường. Các đại biểu, các nhà khoa học đều tập trung vào hai nội dung cơ bản là: Một là, đánh giá thực trạng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; Hai là, xác định mục tiêu, quan điểm, những nguyên tắc và giải pháp định hướng xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị.
Về nội dung thứ nhất, các ý kiến đều thống nhất khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta thời gian qua tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chương trình đào tạo còn nhiều lý thuyết, chưa thực sự có nhiều nội dung gắn với thực tiễn, giúp người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có những ứng dụng hợp lý vào môi trường công tác. Đối tượng đào tạo chưa tập trung. Việc mở lớp, mở chương trình chưa thực sự gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Chất lượng đội ngũ giảng viên có phần giảm tâm huyết…
Về nội dung thứ hai, các đại biểu đã nêu lên nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý, như: Cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn liền với từng nhóm đối tượng cụ thể. Đổi mới chương trình đào tạo lý luận chính trị theo hướng có sự phân định rõ về nội dung giữa cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Chuẩn hóa các chức danh để đào tạo. Có những điều tra xã hội học về kết quả đào tạo để từ đó có rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chú trọng đào tạo cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ - nhóm đối tượng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Lê Thủy