Ngày 29-7, tại Tây Ninh, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học công tác tham mưu của các cơ quan đảng Trung ương trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước - Thực trạng và giải pháp.
Các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đồng chủ trì Hội thảo. Trên 100 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và thường trực các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham dự, thảo luận.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn quan tâm coi trọng công tác tổ chức, đặt công tác tổ chức xây dựng Đảng ở vị trí trọng yếu, then chốt, quyết định sự vững mạnh của Đảng, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, công tác tham mưu xây dựng Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đã có nhiều dấu ấn, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn; góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cũng nhìn nhận, công tác tổ chức xây dựng Đảng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn nhận định: Việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra; tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa thật sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng nông thôn và trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín; năng lực đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp...
|
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN).
|
Bên cạnh đó, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm thay đổi sâu rộng mọi mặt đời sống xã hội, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cần phải nghiên cứu, giải quyết đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong đó có công tác tham mưu về lĩnh vực tổ chức, xây dựng Đảng ở tất cả các cấp.
Hội thảo thu hút 34 tham luận và 11 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các lãnh đạo, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng ở Trung ương và các tỉnh phía Nam. Trong đó nổi bật như: đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị; đổi mới công tác cán bộ; nâng cao chất lượng đảng viên; tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ...
Tại Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho rằng, công tác đánh giá cán bộ rất quan trọng. Cán bộ là gốc của mọi công việc, gốc có vững thì cây mới bền. Do đó, đồng chí đề nghị trong công tác xây dựng Đảng cần tập trung, chú trọng công tác đánh giá cán bộ; công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ phải phù hợp với sở trường. Đặc biệt, cần hướng cán bộ vào những địa bàn khó khăn, những lĩnh vực trọng yếu.
Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương nêu các vấn đề trong công tác tổ chức xây dựng Đảng mà Ban Tổ chức Trung ương tham mưu xây dựng và thực hiện đã có hiệu quả như: việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng ở các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc có sự tham gia, đóng góp tích cực, quan trọng của toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng; tham mưu xây dựng Quy chế bầu cử trong Đảng nhằm cụ thể hóa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử trong Đảng; xây dựng các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tham mưu Trung ương ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho rằng, Hội thảo là cơ hội quý để cấp ủy Tây Ninh được tiếp cận trực tiếp hơn, cụ thể hơn những cách làm hay, bài học quý từ các địa phương; những vấn đề đặt ra từ lý luận và thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Từ đó, giúp cho Đảng bộ Tây Ninh nâng cao hiệu quả hơn trong các hoạt động.
Kết luận tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho rằng, qua tổng kết từ thực tiễn cùng các tham luận, các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu đã đánh giá được những thành tựu, những hạn chế trong công tác tham mưu trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Qua đó, những kinh nghiệm, những vấn đề mà đại biểu đặt ra có giá trị về lý luận, thực tiễn trong công tác tham mưu về tổ chức xây dựng Đảng.
"Đây là trọng trách của các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan tham mưu về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng của Trung ương và địa phương tiếp tục nghiên cứu bài bản, khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu về công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới", Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu; giao Ban Chủ nhiệm Đề tài chắt lọc những nội dung có giá trị lý luận và thực tiễn để bổ sung hoàn thiện đề tài; góp phần vào việc tham mưu xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng sắp tới.
Nguồn: TTXVN