Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2013

Chiều 26-4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo thường kỳ tháng 4, thông báo nội dung phiên họp Chính phủ tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo.

Thông tin về nội dung của Phiên họp Chính phủ tháng 4, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2013, số 02/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch đề ra. 4 tháng đầu năm, cả nước có 23.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 123,38 nghìn tỷ đồng; đặc biệt, 8.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động; tạo việc làm cho khoảng 495.000 lao động, đạt 30,9% kế hoạch. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo. Công tác thông tin, tuyên truyền, cải cách hành chính, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhiệm vụ năm 2013 là rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ phải quyết liệt, năng động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, nhóm giải pháp đã đề ra. Trong đó, tập trung các trọng tâm:

Kiên trì nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thực hiện những giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và các Nghị quyết, chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương cụ thể hóa những chủ trương thành các cơ chế chính sách cụ thể, đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt. 

Tập trung kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng và rải đều ra các tháng còn lại trong năm. Điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giữ ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Tăng cường thực hiện tiết kiệm chi, nhất là chi hội họp, tiếp khách, đi nước ngoài...

Đổi mới môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Đối với những dự án có khả năng thu hút các nguồn vốn xã hội, cần tập trung chỉ đạo, làm tốt khâu chuẩn bị dự án đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai.

Tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; tập trung thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, xem xét việc bán bớt một phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường lớn để có thêm vốn đầu tư cho những công trình, dự án cần thiết.

Quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai... Chú trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm; xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục; chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu gia cầm, thực phẩm...

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Tăng cường phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là xử lý những vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền định hướng về cơ chế, chính sách của Chính phủ, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội. Các bộ, ngành địa phương chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ đồng thời đấu tranh có hiệu quả trước những thông tin sai trái. Tăng cường bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Tại họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam và đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trả lời các câu hỏi của các nhà báo về: xử lý nợ xấu, liên quan đến công tác quản lý thị trường vàng và nhiều vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm.…

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất