Sau 2 năm thi công, công trình hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, thỏa mãn niềm mong ước của nhân dân Thủ đô và cả nước. Đây là một bảo tàng đẹp, hiện đại, độc đáo về kiến trúc, phong phú về nội dung, một công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô và đất nước của thời đại Hồ Chí Minh.
Sáng 6-10, Thành ủy, HĐND, UBND và MTTQ TP. Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành công trình Bảo tàng Hà Nội. Đến dự có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà nội... đại diện tổ chức UNESCO, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội và đông đảo nhân dân Thủ đô.
Bảo tàng Hà Nội là công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội chính thức khởi công từ ngày 19-5-2008. Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên khu đất rộng 4 héc-ta, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, tổng diện tích sàn công trình trên 30.000m2. Kiến trúc của Bảo tàng được thiết kế theo hình Kim tự tháp ngược, giật cấp với 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. Hình khối kiến trúc đó khiến công trình có kết cấu phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Cảnh quan bên ngoài Bảo tàng có cây xanh, đường dạo, quảng trường, bãi đỗ xe, hồ nước, thác nước... Bảo tàng trưng bày hàng nghìn hiện vật, cạnh đó triển lãm cây cảnh nghệ thuật trên 3 héc-ta và giới thiệu những hình ảnh của Hà Nội xưa và nay.
Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: "Bảo tàng Hà Nội được khánh thành đúng vào dịp nhân dân Thủ đô và cả nước kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây thực sự là một công trình văn hóa tiêu biểu ghi dấu ấn của thời kỳ Thủ đô đổi mới và hội nhập. Tại đây, hôm nay, chúng ta được ngắm nhìn hiện vật của thời tiền sử, đương sử... các hiện vật tinh xảo rực rỡ của thời kỳ Đông Sơn. Và một hiện vật tiêu biểu nhất kết nối giữa quá khứ hiện tại và tương lai, đó là bức thư của các công dân Hà Nội gửi mai sau. Chúng ta giao ước sẽ mở sau 100 năm nữa". Thay mặt cho lãnh đạo Thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị giao nhiệm vụ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị tư vấn tiếp tục triển khai các phần việc, để phát huy tối đa giá trị của Bảo tàng Hà Nội; xây dựng bộ máy quản lý, giữ gìn, khai thác hiệu quả công trình; làm tốt chức năng lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục, để Bảo tàng Hà Nội thực sự trở thành trung tâm thông tin về lịch sử, di sản văn hóa, ngày càng phát huy vai trò to lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chúc mừng nhân dân Thủ đô có một bảo tàng riêng để nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa-lịch sử. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cơ quan chủ quản bảo tàng cần khẩn trương phân loại hiện vật, khai thác tối đa hiệu quả bảo tàng phục vụ nghiên cứu, tham quan, giới thiệu cho nhân dân và du khách quốc tế hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, về Thăng Long-Hà Nội, về con người Hà Nội lịch sự, hào hoa; làm tốt công tác chuyên môn, bảo tồn, giữ gìn và phát huy quảng bá cho thế hệ sau.
Ngay sau lễ khánh thành, nhiều hoạt động như trưng bày cổ vật, cây cảnh nghệ thuật được các nghệ nhân trên cả nước mang đến mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.
Nguồn: VOVnews