Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng liên quan đến hoạt động cả nhiệm kỳ
 

 Các đại biểu Quốc hội Khóa XIII vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh Chinhphu.vn

Như tin đã đưa, đúng 8 giờ 30 phút sáng 21-7-2011, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội).

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư-Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đánh giá Quốc hội khóa XII đã tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện cả ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng liên quan đến hoạt động cả nhiệm kỳ, trong đó có việc bầu các nhân sự cấp cao và mong Quốc hội khóa XIII phải đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử Trung ương Tòng Thị Phóng trình bày báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Báo cáo đánh giá thắng lợi toàn diện và to lớn của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc, là tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Bản báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ và phân tích những mặt còn hạn chế của cuộc bầu cử, từ đó kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai bầu cử, trong đó có công tác dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu, chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, phân bỏ ứng cử viên ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; ban hành văn bản hướng dẫn bầu cử, thành phần Hội đồng bầu cử và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trung ương trong quá trình chuẩn bị bầu cử... Nhiều quy định trong các luật bầu cử hiện hành cũng được kiến nghị sửa đổi: Hợp nhất hai luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; kéo dài thời hạn công bố ngày bầu cử; quy định cụ thể số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được bầu  ở mỗi đơn vị bầu cử; quy định cụ thể tiêu chuẩn đại biểu và điều kiện tự ứng cử; kéo dài thời gian hiệp thương, nhất là thời gian cho giai đoạn thực hiện bước 4 - bước lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; thống nhất hình thức biểu quyết tại Hội nghị bằng phiếu kín nhằm phát huy tính dân chủ, tạo điều kiện cho cử tri thể hiện đúng chính kiến của mình...

 
 Tổng Bí thư - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Chínhphu.vn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội. Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội quan tâm thực hiện một số định hướng lớn. Đó là tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, Quốc hội khóa này cần dành nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương Đảng khóa XI. Bên cạnh đó là yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; kịp thời phát hiện và kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách, chấn chỉnh sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực thi chính sách... Tổng Bí thư mong muốn Quốc hội đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề của đất nước; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động và chế độ làm việc của Quốc hội… Riêng tại kỳ họp này, Quốc hội còn có trọng trách xem xét, lựa chọn, bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn để bầu và phê chuẩn được những người xứng đáng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Cũng trong phiên sáng nay, Quốc hội đã được nghe báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011 của Chính phủ. Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc với các nội dung thông qua danh sách Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu và kết quả thẩm tra tư cách đại biểu; nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; nghe báo cáo về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011; nghe Tờ trình về số Phó chủ tịch Quốc hội và số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất