Phát triển kinh tế biển, khẳng định chủ quyền quốc gia

Ngày 16-7, tại Hải Phòng, đã diễn ra hội thảo báo Đảng của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với chủ đề “Báo Đảng góp phần phát triển đất nước mạnh về biển, làm giàu từ biển”.

Bảy vấn đề chính tập trung tham luận tại hội thảo là: Các đô thị lớn ven biển, khu bảo tồn biển đang là động lực phát triển kinh tế hướng biển; Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển. Cảng nước sâu và cảng container phải trở thành trọng tâm phát triển, động lực thúc đẩy kinh tế biển; Mô hình tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực kinh tế biển (đánh bắt xa bờ, chế biến xuất khẩu); Phát triển dịch vụ cảng biển trong tiến trình hội nhập quốc tế; Du lịch biển đảo; Quy hoạch không gian biển; Khai thác tài nguyên và môi trường biển theo hướng bền vững. Vai trò của báo chí trong định hướng dư luận đối với vấn đề này.

Kinh tế biển gắn liền với chủ quyền lãnh thổ quốc gia

Tại hội thảo, lãnh đạo 5 cơ quan báo chí cũng như các đại biểu nhất trí rằng, xuất phát từ tình hình thực tế diễn biến phức tạp trên biển Đông thời gian qua, định hướng Chiến lược biển đến năm 2020... cho thấy tất cả phương tiện truyền thông (trong đó có hệ thống báo Đảng nói chung) cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về biển, đảo trên tất cả các mặt: lợi thế, tiềm năng to lớn của biển Đông trong phát triển kinh tế - du lịch biển đảo; ý nghĩa sống còn của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; các cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; các định hướng, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước với biển đảo; các hoạt động bảo vệ quyền chủ quyền quốc gia trên biển; hoạt động cả nước hướng về biên giới, hải đảo... Mục tiêu là huy động sức mạnh toàn dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Về vấn đề phát triển kinh tế biển đảo, các tham luận tại hội thảo đều khẳng định đó là mục tiêu lớn, xuyên suốt bên cạnh việc khẳng định chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Hệ thống báo Đảng có vai trò quan trọng trong việc phổ cập tiềm năng kinh tế biển; khơi gợi các cơ quan đầu tư, khai thác các lợi thế từ biển; kiến nghị các chính sách ưu đãi để người dân, các doanh nghiệp có thể làm giàu từ biển. Trong tình hình hiện nay, các báo Đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục sâu rộng; cần mở các trang chuyên đề thường kỳ nhằm nâng cao nhận thức của tất cả các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển; khơi gợi ý thức về biển thể hiện sâu sắc bằng việc khai thác đi liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Việc phát triển kinh tế biển đảo và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia là 2 việc không tách rời nhau, có quan hệ mật thiết, tương hỗ lẫn nhau. Vì thế, hệ thống báo chí, nhất là các báo Đảng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phát triển kinh tế biển đảo, bên cạnh khẳng định chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển và hải đảo quốc gia. Xem đó là một nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt với việc đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên hàng đầu trong quá trình hoạt động của mình.

Đánh giá đúng hơn tiềm năng kinh tế biển Việt Nam

Tại hội thảo nhiều ý kiến nêu: cần xác định rõ, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam. Qua đó có những chiến lược, sự đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương cả về vật chất và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế biển đảo quốc gia đúng với tiềm năng mà Việt Nam hiện có, đánh giá đúng tiềm năng, vị thế kinh tế biển để đầu tư hợp lý. Trên sở đánh giá đúng tiềm năng, vị thế của kinh tế biển, cần triển khai hàng loạt vấn đề để hiện thực hóa tiềm năng, vị thế đó, như: khai thác vùng không gian biển; khai thác vùng bờ biển; phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối.

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải dành ngân sách tương xứng để triển khai mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển chiếm trên 50% GDP. Về quản lý nhà nước, việc ban hành một bộ luật về biển là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong vấn đề quy hoạch, quản lý, khai thác và bảo vệ biển. Cần một chiến lược chung của quốc gia về cảng biển để phát huy tối đa lợi thế của đất nước.

Hồng Phúc (tổng hợp)
Nguồn: TTXVN, Báo SGGP


 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất