Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Sáng 18-7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (20-7-1954 - 20-7-2014) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân; Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, địa phương; các đoàn khách quốc tế đã dự buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và mỗi nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ…, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương to lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiệp định Giơ-ne-vơ là một bước tiến quan trọng, khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: 60 năm đã đi qua, tình hình quốc tế và khu vực đã có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đó là bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; bài học về phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, tận dụng hết khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế; bài học về tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định để phát triển; bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, vận dụng những bài học của các thế hệ người Việt Nam ta trong lịch sử, trong đó có kinh nghiệm từ Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực, về lĩnh vực đối ngoại cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo toàn diện và thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân và giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa cũng như giữa đối ngoại với kinh tế, quốc phòng và an ninh; tạo thành một thể thống nhất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, cùng phát triển; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu và nguyên tắc cao nhất; đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng những cam kết khu vực và luật pháp quốc tế.
Ba là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời thực hiện nhất quán phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển”.
Bốn là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện đường lối và các chủ trương, chính sách đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành đối ngoại mà trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có phẩm chất chính trị và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần nâng cao năng lực và ý thức của tất cả các tổ chức, cơ quan, ban, ngành, địa phương doanh nghiệp và từng người dân trong việc xử lý những vấn đề liên quan hoặc có yếu tố nước ngoài, tạo lòng tin và tình cảm tốt đẹp của nhân dân các nước đối với Việt Nam, cùng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của các cán bộ chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954.
Hoàng Hà