Làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Đồng chí Trương Tấn Sang: MTTQ tham gia giám sát cán bộ, đảng viên giúp đánh giá đúng thực chất cán bộ, đảng viên
Toàn cảnh cuộc làm việc.

Chiều 12-10 tại Hà Nội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về việc đánh giá kết quả MTTQ Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Huỳnh Đảm, UVTƯ Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, UVTƯ Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.
Báo cáo của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam do đồng chí Vũ Trọng Kim trình bày nhấn mạnh: Công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ sở của MTTQ Việt Nam được thực hiện trên 4 nội dung lớn: Tham gia thực hiện và giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Thực hiện Quy chế "MTTQ Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư"; Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND bầu và trưởng thôn; Giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua 10 năm thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Ủy ban MTTQ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc vận động nhân dân hiểu và thực hiện tốt các khâu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Uỷ ban MTTQ các cấp đã tích cực phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thông qua việc xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban MTTQ các cấp với HĐND và UBND cùng cấp. MTTQ cấp xã và Ban công tác mặt trận đã tích cực, chủ động, đóng vai trò nòng cốt trong việc phối hợp xây dựng, vận động nhân dân thực hiện hương ước, quy ước, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng làng văn hoá, xã văn hoá ngày càng văn minh, hiện đại. Trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở, việc xây dựng các tổ an ninh nhân dân, tổ hoà giải nhân dân, tổ nhân dân tự quản,... đã góp phần thiết thực vào việc bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương và giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, hạn chế được nhiều vụ khiếu kiện vượt cấp, vận động nhân dân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở, Uỷ ban MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp lồng ghép các nội dung của QCDC vào nội dung các phong trào, các cuộc vận động như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Ngày Vì người nghèo",...

Theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan, MTTQ giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở thông qua hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ thuộc các chức danh theo quy định của QCDC. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đều đã có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở nhiều địa phương đã tiến hành giám sát nhiều công trình đầu tư ở cơ sở và đạt được những kết quả nhất định. Phần lớn nội dung giám sát tập trung vào việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư và các nhà thầu trong đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, theo dõi phát hiện tác động tiêu cực của dự án,...

Cũng nằm trong những nội dung của giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Quy chế "MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư" đã được áp dụng thí điểm tại một số xã, phường, thị trấn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang. Qua gần 2 năm thực hiện, 5 tỉnh, thành phố trên đã nhận được rất nhiều đơn thư và ý kiến kiến nghị của người dân phản ánh về những vi phạm trong quản lý đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý trong xây dựng, về môi trường, chính sách, vi phạm QCDC ở cơ sở, biểu hiện tham nhũng; đề cập tới tư cách, thái độ đảng viên, cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân. Từ những đơn thư tố cáo của nhân dân và kiến nghị của UBMTTQ cấp xã, một số địa phương đã xem xét, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh, nhờ đó, giữ vững được sự ổn định trên địa bàn.

Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND xã bầu và trưởng thôn cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện QCDC ở cơ sở. Đến cuối năm 2006, tất cả 64 tỉnh, thành phố đã triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 2 chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã; 61 tỉnh, thành phố đã tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với trưởng thôn. Quá trình thực hiện cho thấy chủ trương này đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ. Đối với những cán bộ không nhận được sự tín nhiệm cao của nhân dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét miễn nhiệm. Việc này góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, qua đó, mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền ngày càng mật thiết hơn, cán bộ chính quyền cơ sở gần dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của dân hơn.

Quá trình thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đây là lần đầu tiên được cụ thể hoá thành Quy chế nên MTTQ các cấp xác định rõ giám sát không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vì vậy với vai trò nòng cốt, MTTQ các cấp đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc sát sao để uốn nắn và rút kinh nghiệm kịp thời. Hoạt động giám sát của MTTQ ở cơ sở ngày càng có hiệu quả thiết thực, được nhân dân tin tưởng. Một bộ phận nhân dân đã hiểu được quyền giám sát của mình, chủ động phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên của cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn. Những cán bộ, công chức, đảng viên khi nhận được kiến nghị của MTTQ đã có những chuyển biến tích cực trong thái độ tiếp xúc với dân, có ý thức hơn trong việc tham gia sinh hoạt với nhân dân ở khu dân cư, tiếp thu sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, hạn chế.

Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, MTTQ tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư nhằm góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nơi nào tiến hành công tác này một cách thiết thực sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, những quy định ở khu dân cư. Vì vậy, đây thực sự là một dịp để giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức đóng trên địa bàn nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý, có cơ sở thực tiễn đánh giá đúng thực chất cán bộ đảng viên, kịp thời giáo dục, xử lý sai phạm, phòng ngừa hiện tượng tiêu cực…
                                                                                              (Nguồn: Báo điện tử ĐCS Việt Nam)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất