Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới

Trên thực tế, những kết quả bước đầu đạt được trên cơ sở quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội phục vụ xây dựng nông thôn mới rất đáng khích lệ: “Giao thông được coi là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng nông thôn. Trong 2 năm, 2009 và 2010 đã huy động gần 33 nghìn tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 11,2% và trên 24 triệu ngày công lao động; các nguồn khác chiếm 14,4%; ngân sách nhà nước hỗ trợ 74,4%; mở mới và nâng cấp hơn 40 nghìn ki-lô-mét đường; xây dựng khoảng 4.200 cầu bê tông, cầu liên hợp, cầu dầm sắt, cầu treo, cầu gỗ và gần 50 nghìn cống. Hạ tầng thương mại ở nông thôn mở rộng, tăng nhịp độ và tần suất giao thương. Nâng cấp và mở rộng hệ thống điện, nâng tỷ lệ số xã lên 97,8% với 95,4% hộ sử dung điện. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin về cơ bản đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa...”(1).

Thực tế khẳng định, đội ngũ cán bộ cơ sở đóng vai trò rất quan trọng góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Đây là những người trực tiếp đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với người dân. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ cơ sở đã được nâng lên về chất lượng, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đội ngũ cán bộ cơ sở cũng bộc lộ nhiều hạn chế: số lượng cán bộ, công chức cơ sở chưa qua đào tạo hoặc đào tạo chưa đúng chuyên môn, nghiệp vụ còn nhiều. Khả năng vận dụng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết cấp uỷ cấp trên của một số cán bộ chủ chốt còn yếu. Việc phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở còn bị động và lúng túng. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, đội ngũ cán bộ cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng quy hoạch hệ thống thuỷ lợi, cán bộ chuyên trách tài chính, kế toán nhưng không xây dựng được kế hoạch tài chính của xã; cán bộ chuyên về xây dựng, địa chính không xây dựng được quy hoạch chi tiết các tuyến đường giao thông trên địa bàn... Đội ngũ cán bộ ở cơ sở nông thôn hiện nay hoạt động với nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế hoạt động, sự phối hợp công tác. Những khó khăn vướng mắc đó làm hạn chế vai trò, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở và gây trở ngại cho quá trình đổi mới, phát triển nông thôn.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới, cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, muốn nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ cơ sở, trước hết phải nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở nông thôn, từ đó phát huy trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thì càng phải coi trọng công tác quy hoạch cán bộ, đây là nhiệm vụ cấp thiết, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp; nâng cao chất lượng và cơ cấu cán bộ hợp lý, đảm bảo tính kế thừa liên tục giữa các thế hệ cán bộ. Trong quá trình lựa chọn, tạo nguồn cán bộ để thực hiện quy hoạch, các cấp uỷ đảng coi trọng những tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, người có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo trong công việc.

Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở phải hướng vào trọng tâm, trọng điểm. Do trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế nên cần phải quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng... Đội ngũ cán bộ cần được đào về chuyên môn, lý luận chính trị, đặc biệt chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế và kỹ năng lãnh đạo, quản lý... Khi có trình độ chuyên môn, lý luận đội ngũ cán bộ cơ sở có thể chủ động, tự tin khi trao đổi, hướng dẫn những nội dung xây dựng nông thôn mới cho người dân, đồng thời phát huy hết những khả năng của người dân phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở phù hợp; quan tâm cải thiện đời sống cán bộ cơ sở để đội ngũ này có thể yên tâm gắn bó lâu dài với công tác chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ, học hỏi để nâng cao kiến thức để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Việc điều chỉnh mức lương, phụ cấp, chính sách ưu đãi là điều liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất của đội ngũ cán bộ cơ sở. Tăng cường các hoạt động giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới....
Đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở là nhân tố có ý nghĩa quyết định, lâu dài đối với sự chuyển biến nông thôn.

-----------------
(1) PGS.TS Vũ Văn Phúc: Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 9-12-2011 tại Nam Định.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất