Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế - xã hội

Qua một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đã có 64/83 đại biểu đăng ký phát biểu, có 5 thành viên Chính phủ tham gia báo cáo giải trình. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tán thành đối với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, các báo cáo của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với những nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm: 2011-2013.

Thời gian qua mặc dù có rất nhiều khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước nhưng nền kinh tế của nước ta đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu. Tại các phiên hội thảo, ý kiến các đại biểu đã phân tích, đánh giá bổ sung nhiều khía cạnh khác nhau về kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất kiến nghị, giải pháp.

Phát biểu kết luận sau một ngày rưỡi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá: Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời và có nhiều giải pháp đồng bộ hiệu quả nên đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra cho 2013 đó là kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định. Lạm phát được kiểm soát và thấp hơn 2012, cán cân thương mại được cải thiện, kinh tế tăng trưởng cao hơn 2012 mặc dù phục hồi chậm. Tái cơ cấu kinh tế bước đầu đạt được kết quả nhất định. Văn hóa giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ có bước tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân có bước cải thiện. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục thực hiện với nhiều giải pháp tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng. Quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia được đảm bảo, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực…

Từ kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 2013 nhìn lại chặng đường 3 năm qua các đại biểu Quốc hội cho rằng: Về tổng quát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 2011-2013 cơ bản đã đạt được mục tiêu tổng quát là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn vững chắc hơn, lạm phát đã được kiềm chế và chỉ số giá tiêu dùng từ 18,13% vào năm 2011 đã được kéo xuống còn khoảng 7% của 2013. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý bình quân là 5,6% trong 3 năm qua. Thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công bước đầu đã mang lại kết quả rõ nét...

Về nguyên nhân, các đại biểu cho rằng việc chậm đổi mới thể chế và cải cách hành chính là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm đã tác động và làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của đất nước, tính minh bạch, tính công khai tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được theo yêu cầu hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tính thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của một số bộ, ngành để thực hiện những giải pháp đồng bộ... Có cơ chế đánh giá trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành và những hạn chế yếu kém.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2014 và định hướng đến 2015. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quốc phòng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế… Các đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để tục tập trung tháo gỡ khó khăn kinh tế, giải pháp để duy trì những thành quả đã trong văn hoá, xã hội, giải quyết hiệu quả những hạn chế, tồn tại, yếu kém - những vấn đề bức xúc của xã hội đang đặt ra… Từ diễn đàn này rất nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm trước cử tri đã thảo luận rất thẳng thắn, mạnh dạn về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cho 2014 và 2 năm còn lại và Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình và tăng cường giám sát việc thực hiện của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Quốc hội và Quốc hội cũng sẽ có trách nhiệm cùng với Chính phủ nỗ lực triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, phát triển kinh tế - xã hội cho 2 năm còn lại…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất